/ 600
771

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 375

Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Nguyên Thanh

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày: 14.4.2011

Địa Điểm: TịnhTông Học viện -Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 451, hàng thứ hai từ dưới đếm lên.

Mời quý vị xem kinh văn: “Sở xứ cung điện, y phục ẩm thực, do như Tha Hóa Tự Tại thiên vương”. Đoạn này trong chú giải Hoàng Niệm Tổ nói rằng: “Hữu hiển bỉ quốc độ chúng sanh y báo siêu thắng, y thực trú tam giả, giai như dục giới chi đảnh đệ lục thiên chi thiên vương”. “Đệ lục thiên” là cõi trời Tha Hóa Tự Tại. Trong dục giới, đây là tầng cao nhất. Chúng ta biết đệ ngũ thiên thấp hơn đệ lục thiên một tầng, gọi là cõi trời Hóa Lạc, là đã rất tự tại rồi.

Như trong kinh văn nói, ở trong cung điện, y phục ẩm thực, tất cả những phẩm vật cần thiết là tùy theo ý muốn mà biến hóa ra, khi không cần nữa thì nó tự nhiên biến mất, khi cần dùng nó lại hiện ra- Hóa Lạc thiên. Tha Hóa Tự Tại thiên thì bản thân họ không cần biến hóa, những thứ mà họ cần, đã có đệ ngũ thiên biến hóa ra cúng dường cho họ, ngay cả biến hóa họ cũng không cần. Đó là trạng thái trong lục đạo của một số quốc độ chư Phật. Đây cũng là nói thọ dụng của mỗi người ở thế giới Cực Lạc, bây giờ chúng ta biết là không phải tự họ biến hóa. Cõi Phàm thánh Đồng Cư hạ bối vãng sanh, hạ thượng phẩm, hạ trung phẩm và hạ hạ phẩm, chưa đoạn tập khí phiền não. Nói cách khác, nếu ở thế giới này, chưa được vãng sanh, thì so với tứ thiên vương cũng không bằng, làm sao so sánh được với cõi trời Tha Hóa Tự Tại? Thiên vương ở cõi Tha Hóa Tự Tại có phước báo lớn, nên Hóa Lạc thiên vương cúng dường họ, họ cần gì Hóa Lạc thiên cũng biết. Khởi tâm động niệm Hóa Lạc thiên nhân biết, tự nhiên biến hóa ra đi cúng dường cho họ.

Ở thế giới Cực Lạc, chúng ta nghĩ ai là người cúng dường hàng hạ bối vãng sanh? Phật A Di Đà biến hóa ra những thứ họ cần, cúng dường cho họ, không phải đệ ngũ thiên, không phải Hóa Lạc thiên, mà là Phật A Di Đà, bổn nguyện oai thần gia trì của Phật A Di Đà, để cho y báo của họ tự tại thù thắng hơn hết.

Chúng ta xem đoạn tiếp theo. “Chí ư oai đức, giai vị, thần thông biến hóa, nhất thiết thiên nhân, bất khả vi tỉ, bách thiên vạn ức, bất khả kế bội”. Mấy câu ở sau rất quan trọng.

Phật nói tiếp: “A Nan ưng tri”. Nói với A Nan tức là nói với chúng ta. A Nan là tượng trung cho chúng ta. “Vô lượng thọ Phật, Cực Lạc quốc độ, như thị công đức trang nghiêm, bất khả tư nghì”.

Bên phải đoạn kinh văn của Hoàng Niệm Tổ nói: “Hiển chánh báo chi oai đức phẩm vị siêu thế hi hữu. Oai đức giả, oai thần công đức dã”. Oai thần là gì? công đức là gì? Ở dưới có giải thích: “Thần trí động đạt, oai lực tự tại”. Đây là giải thích chữ oai đức, tất cả pháp công đức không rời khởi trí huệ, có trí huệ thì có oai đức lớn, việc người khác không thể giải quyết được, nhưng quý vị có thể giải quyết. Việc người khác không làm được, nhưng quý vị làm được, tự nhiên mọi người sẽ tôn trọng quý vị, kính ngưỡng quý vị, dựa vào quý vị. Oai đức từ đây mà có.

Công đức, công là công phu. Đức, chữ đức này cùng một ý nghĩa với chữ đắc trong chữ “đắc thất”. Có công tu đạo, tự nhiên có đức. Chữ đức này giống Phật A Di Đà năm kiếp tu trì 48 nguyện, đây là công không thể nghĩ bàn. Đức là gì? Đức chính là y chánh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc, tự nhiên chiêu cảm được, không phải do yêu cầu, không có ý niệm yêu cầu, là tự nhiên chiêu cảm được. Những chúng sanh sanh về thế giới Cực Lạc, mặc dầu là hạ hạ phẩm vãng sanh của cõi Phàm Thánh Đồng Cư, cũng có thể hưởng thụ được một phần công đức của Phật A Di Đà. Ăn, mặc, và ở của họ, là công đức chân thật. Vì sao vậy? Vì họ tương đồng với Phật A Di Đà. Không phải nói rằng, Phật A Di Đà ở nhà đẹp, nhà lớn, còn người mới đến thì thua một chút. Ở thế giới Cực Lạc là hoàn toàn bình đẳng, chánh báo, thể chất, dung mạo không khác Phật A Di Đà, đều là thân vô lượng tướng, tướng vô lượng đẹp. Ở cung điện giống nhau, y phục ẩm thực giống nhau, không khác gì.

Trong thế giới của chúng ta, người ở cõi trời Sắc giới không cần ăn uống, huống là ở thế giới Cực Lạc còn cần ăn uống sao? Nếu còn cần ăn uống thì sao có thể nói “siêu thế hi hữu” được? Chúng ta biết, đến thế giới Cực Lạc chắc chắn là không cần rồi, bởi thể chất của họ và chúng ta không giống nhau, chúng ta là thân thể huyết nhục, cần phải ăn uống để nuôi sống thân. Thế giới tây phương Cực Lạc, là thân pháp tánh, cõi pháp tánh, đã vĩnh viễn rời khỏi thất tình, ngũ dục rồi, không dùng những thứ này nữa. Vì sao trong kinh còn nói việc này? Chúng ta khẳng định rằng, những người đới nghiệp vãng sanh, khi ở thế giới Ta Bà, trên trái đất của chúng ta, tập khí thói quen cuộc sống của họ rất sâu dày, nên họ nghĩ rằng mình đã đến thế giới Cực Lạc lâu lắm rồi, mà sao không thấy ăn cơm? Vừa khởi ý niệm này thì cơm nước thức ăn đồ uồng đều hiện ra. Giống như cõi trời Hóa Lạc, muốn cúng dường Tha Hóa Tự Tại thiên vương là hiện ra ngay. Lại nghĩ rằng, tôi ở thế giới Cực Lạc, không cần các thứ này nữa, thì nó liền biến mất. Nó có hiện tượng như vậy. Phàm phu lục đạo đới nghiệp vãng sanh, rất có thể xuất hiện ý niệm này. “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”, ý niệm vừa khởi, thì cảnh giới hiện tiền, hiện ra rồi. Ý niệm diệt đi, thì cảnh giới cũng không còn. Đây là ẩm thực, phương diện ẩm thực đời sống.

/ 600