Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 374
Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Nguyên Thanh
Biên tập: Bình Minh
Giảng ngày: 13.4.2011
Địa Điểm: TịnhTông Học viện -Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 449, “Siêu thế hi hữu đệ thập bát”.
Đoạn kinh văn thứ nhất: “Bỉ Cực Lạc quốc, sở hữu chúng sanh, dung sắc vi diệu, siêu thế hi hữu, hàm đồng nhất loại, vô sai biệt tướng. Đãn nhân thuận dư phương tục, cố hữu thiên nhơn chi danh.”
Chú giải của Hoàng Niệm Tổ lại nói: “Bổn phẩm hiển thị thế giới Tây phương Cực Lạc, chánh báo y báo, tất giai siêu việt thế gian, thậm vi hi hữu”. Những lời này, chúng ta nghe rất quen tai, ở trước nhiều lần tán thán qua. “Bỉ độ” là chỉ cho thế giới Cực Lạc. “Chánh báo” là chỉ cho bản thân mình. Đứng trên phương diện thế giới Cực Lạc mà nói, thì chánh báo là Phật A Di Đà, ngoài ra đều là y báo. Đứng trên cương vị mỗi người chúng ta mà nói, con người của ta là chánh báo, thế giới Cực Lạc bao gồm cả Phật A Di Đà cũng là y báo của ta. Y báo có y báo nhân sự, y báo hoàn cảnh. Hoa lá cỏ cây, sơn hà đại địa là y báo vật chất- y báo hoàn cảnh. Cho nên chúng ta nhất định phải hiểu rõ ràng, minh bạch về y báo và chánh báo.
Quan trọng nhất là bản thân mình. Trong Hoa Nghiêm Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán có nói, nói rất rõ ràng minh bạch, nói rõ chân tướng sự thật của biến pháp giới hư không giới, là tự tánh của chính mình biến hiện ra, mỗi người đều là tự tánh của chính họ, trong tự tánh không có phân biệt, không có giới hạn, tự tánh chỉ là một. Cho nên ta với muôn sự muôn pháp trong biến pháp giới hư không giới là nhất thể, chắc chắn không thể phân khai được. Một tự tánh thể chân thật, là thật tướng của các pháp, tức là chân tướng. Phân biệt mình người đều là vọng tưởng hư vọng, không phải chân thật. Lý không phải là chân thật, sự cũng không phải là chân thật, chỉ vì chúng sanh mê hoặc, nên sanh ra biên kiến và tà kiến, tạo thành cảnh giới mộng, cảnh hư huyễn. Y chánh trang nghiêm trong mười pháp giới, đều là huyễn tướng trong mộng không có thật.
Trong Phật pháp đại thừa, lòng từ bi vô tận của chư Phật Bồ Tát, chỉ là giúp chúng ta quay đầu. Nhà Phật thường nói “quay đầu là bờ”. Quay về đâu? Quay về với tự tánh. Tây phương Cực Lạc, chính là điều kiện tốt nhất để ta quay về tự tánh. Được sanh về thế giới Tây phương Cực Lạc, mặc dù chỉ vãng sanh đến cõi Phàm Thánh Đồng Cư hạ hạ phẩm, nhưng họ quyết định quay về tự tánh. Thời gian dài hay ngắn không nhất định. Cái gì quyết định được? Chính ý niệm của quý vị quyết định mọi việc. Nếu buông bỏ được khởi tâm động niệm, thì quý tức khắc vị quay đầu ngay thôi. Thực ra thì tình cảm của con người quá sâu nặng, khó mà buông bỏ được, nên cần phải buông bỏ từ từ. Ở thế giới Tây phương Cực Lạc, chắc chắn là mỗi ngày buông bỏ được một chút, đến lúc thật sự buông bỏ được viên mãn, thì thành Phật. Cho nên trong giáo lý đại thừa, đức Phật thường tán thán người ở thế giới Cực Lạc rằng “tâm tâm lưu nhập Ta Bà nhược hải”, đó là niệm niệm, niệm niệm đều hướng đến con đường trở về với tự tánh, không mảy may sai khác.
Điều này bắt buộc chúng ta phải biết. Ngày nay chúng ta rất gần với chánh đạo, thế nào mới không rời bỏ chánh đạo? Là phải theo Phật, theo sát Phật A Di Đà, thì quý vị sẽ không rời khỏi chánh đạo. Nếu bỏ đi Phật A Di Đà, rồi tu theo pháp môn khác, thì quý vị đã đi sai đường, thậm chí đi theo tà đạo, càng đi càng xa, thật sự không thể biết được đời kiếp nào mới quay được đầu lại. Quay đầu nghĩa là thế nào? Là quay về con đường chánh đạo. Khoảng cách giữa chánh đạo và mục tiêu còn rất xa. Thể hội được chỗ này, mới biết được sự thù thắng của pháp môn Tịnh Độ. Bản thân chúng ta quá may mắn, gặp được pháp môn này, là gặp được con đường thành Phật.
Phẩm kinh văn này, nói rõ cho chúng ta về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Bản thân cho đến môi trường học tập của chúng ta, siêu việt thế gian, siêu việt quốc độ của hết thảy chư Phật. Đây là chính điều đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy chúng ta. Phật Thích Ca Mâu Ni đại diện cho hết thảy chư Phật trong mười phương, giới thiệu đại sự nhân duyên này cho chúng ta.
Dưới đây là “Tiên minh chánh báo”.
“Sở hữu chúng sanh, dung sắc vi diệu.” “Dung” là tướng hảo. Trong nguyện văn nói: “tam thập nhị tướng bát chủng tướng hảo”. Ở đây cư sĩ Hoàng Niệm Tổ giải thích: Dung là, hình dung, là dung mạo. Thân có vô lượng tướng, tướng có vô lượng đẹp. “Sắc” là sắc tướng. “Vi diệu” là cực kỳ tinh diệu, dung sắc vi diệu. Một người tu hành, còn chú trọng đến những thứ đẹp này sao? Những thứ này, người tu hành chân chánh đã buông bỏ từ lâu rồi, tại sao ở đây vẫn còn? Buông bỏ điều gì? Buông bỏ dục niệm của quý vị. Quý vị tu hành, thì tánh đức tự nhiên thành tựu, đây không phải do con người làm nên, không phải ta muốn tướng đẹp, không phải vậy, không có ý niệm này.