Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 372
Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Nguyên Thanh
Biên tập: Bình Minh
Giảng ngày: 12.4.2011
Địa Điểm: TịnhTông Học viện -Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 444, hàng cuối cùng, Cam lồ quán đảnh thọ vị.
“Cam lồ giả, thiên nhân sở thực chi mỹ lồ, vị cam như mật.” Đây là nước tám công đức diễn tấu chủng chủng diệu pháp. Đức Thế Tôn nêu cho chúng ta mấy ví dụ, đây là ví dụ cuối cùng. Cam lồ là thức uống ngon nhất của chư thiên, nó ngon đến mức nào, chúng ta không thể tưởng tượng được. Cái này ở nhân gian không có. Phật giới thiệu cho chúng ta rằng ‘vị cam như mật’, người đời chúng ta cho rằng mật ong là thức uống rất ngon. Dùng cái này làm ví dụ, đương nhiên ví dụ như thế nào đi nữa, cũng không thể ví dụ cho giống được.
“Quang Minh Văn Cú Ngũ đệ ngũ quyển: Cam lồ thị chư thiên bất tử chi thần dược, thực giả mạng trường thân an, lực đại thể quang”. Ở trước giới thiệu qua, cam lồ là thức uống ngon nhất của chư thiên. Đoạn này là giới thiệu công đức của cam lồ, nó có những lợi ích gì, quả thực là thần dược của chư thiên. “Thực giả mạng trường”, đây là trường thọ, “thân an” là thân thể an ổn, khỏe mạnh, “lực đại thể quang” là thân thể phóng quang. Cho thấy được cam lồ quả thực rất tốt, thảo nào chư thiên coi trọng nó như vậy, yêu thích nó như vậy.
“Quán đảnh thọ vị giả, Hiển giáo, vị đẳng giác Bồ Tát tương nhập diệu cảnh chi vị”, sắp vào chứ chưa vào được. “Nhất thiết thập phương Phật dĩ trí thủy quán Bồ Tát đảnh ”. “Thủy” là ví dụ. Quán đảnh này là quán đảnh trong Mật tông, thủy là pháp tượng trưng, thực chất là truyền pháp cao nhất cho quý vị, đây gọi là quán đảnh. “Đảnh” là cao nhất, cao tột đỉnh, pháp tượng trưng, đảnh pháp. “Quán” là truyền cho quý vị. Vậy chúng ta biết rằng, bộ Đại Thừa Vô Lượng Thọ kinh này, là đảnh pháp trong đại thừa, cao tột đỉnh, ngay cả Hoa Nghiêm, Pháp Hoa cuối cùng cũng quay về Vô Lượng Thọ. Thập Đại Nguyện Vương Đạo Quy Cực Lạc, trong kinh Pháp Hoa cuối cùng cũng là đến thế giới Tây phương Cực Lạc, thân cận Phật A Di Đà.
Chúng ta biết rằng cam lồ pháp quán, chính là ví dụ cho bộ kinh Vô Lượng Thọ này. Kinh Vô Lượng Thọ chúng ta dùng tâm chân thành, tâm cung kính, niệm một biến từ đầu đến cuối, Đó chính là Phật A Di Đà, thập phương nhất thiết chư Phật Như Lai, lấy nước trí huệ quán đảnh một lần. Mỗi ngày quý vị niệm một biến, là tiếp nhận quán đảnh một lần. Mỗi sớm tối niệm một lần, là quý vị sớm tối đều tiếp nhận quán đảnh của chư Phật Như Lai. Đây không phải là hình thức, mà là thực chất, chúng ta chẳng thể không biết được. Không phải chúng ta tiếp nhận quán đảnh của thượng sư, quán đảnh của Phật sống, mà là chúng ta là tiếp nhận quán đảnh của Phật A Di Đà, mười phương Như Lai, nhất định phải trân quý nhân duyên này, chớ bỏ qua.
Nếu thể lực của mình yếu đi, hoặc là tuổi lớn rồi, kinh Vô Lượng Thọ quá dài, không thể đọc hết được, vậy thì dùng phương pháp công phu sáng tối của Tịnh tông chúng ta, sáng sớm quý vị niệm phẩm thứ 6 trong 48 nguyện. Buổi tối niệm từ phẩm 32 đến phẩm 37, cũng là Phật Di Đà, chư Phật quán đảnh cho quý vị. Cũng có thế dùng tiểu bổn kinh A Di Đà để thay thế. Buổi sáng niệm một biến, buổi tối niệm một biến, đều là Như Lai quán đảnh giúp quý vị, bản thân quý vị không biết. Khi mạng chung Phật đến tiếp dẫn quý vị vãng sanh, bản thân quý vị cũng không biết, phước báo đó của quý vị từ đâu mà có. Mỗi ngày tiếp nhận sự quán đảnh của chư Phật, Phật biết, nhưng quý vị không biết. Hôm nay quý vị thấu hiểu quý vị biết được, nhất định phải trân quý, nhất định không để trôi qua. Tụng kinh, niệm Phật, lạy Phật, là bài tập hàng ngày của chúng ta. Nhất định mỗi ngày phải kiên trì không được gián đoạn.
“Quản đảnh thọ vị”, đây là Bồ Tát Đẳng Giác của Hiển giáo. Phẩm cuối cùng đoạn hết sanh tướng tập khí vô minh. Tập khí vô thỉ vô minh đoạn sạch rồi, họ sẽ thăng cấp, thăng đến quả vị Diệu Giác, chính là quả vị rốt ráo, là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vào địa vị này. Cho nên lúc này, mười phương chư Phật đều đến gia trì họ. Sự gia trì này, chính là dùng nước trí huệ quán đảnh Bồ Tát.
“Thí dụ chuyển luân thánh vương, thủ tứ đại hải thủy quán thái tử đảnh, xướng ngôn, thái tử dĩ thọ vị cánh, thị danh quán đảnh thọ vị”. Dùng cái này để làm ví dụ, người Ấn Độ xưa khi quốc vương lên ngôi, chúng ta nói nhậm chức, khi nhậm chức này, quốc vương quán đảnh cho thái tử. Nếu quốc vương qua đời, thái tử tiếp tục nối ngôi, lúc này là do vị đạo cao đức trọng trong nước, trong tôn giáo đến quán đảnh cho thái tử, chứng minh rằng thái tử đã tiếp nhận vương vị. Đây gọi là quán đảnh thọ vị.