Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 370
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 10.04.2011
Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 443, bắt đầu xem từ hàng thứ nhất.
“Vô tánh giả, Pháp Hoa Kinh viết, tri pháp thường vô tánh. Tánh giả thể dã, nhất thiết chư pháp giai vô thật thể, cố viết vô tánh”.
Hoàng Niệm Tổ dẫn chứng một câu trong Kinh Pháp Hoa là: “tri pháp thường vô tánh”, đây là chân trí, Phật tri Phật kiến. Tánh là gì? Tánh là thể. Chúng ta thường gọi là tánh chất, tánh thể. Cái gì thành tựu pháp tánh này? Ví dụ chúng ta xem một cuốn sánh thì sách này là nhất pháp. Thể của sách là gì? Là trang giấy. Khi những trang giấy này tập trung lại đóng thành một cuốn sách nhưng xé nó ra thì không gọi là sách nữa mà gọi là giấy, từng trang từng trang giấy.
Thể của sách là giấy, giấy thật sự có thể chăng? Giấy không có thể, giấy do xơ chế tạo thành. Không có xơ thì giấy cũng không có nên sách không có tự thể, giấy nó cũng không có tự thể. Phân tích tỷ mỷ thì tất cả pháp trong thế gian này đều không có tự thể. Những người thông minh, người có trí huệ biết, cho nên biết tất cả pháp thường vô tánh. Tất cả pháp đều không có thật thể, cho nên gọi là vô tánh. Trong kinh Đức Phật thường nói duyên tụ thì hiện, duyên tán thì mất. Như cuốn sách chúng ta lấy giấy đóng lại thì nó hình thành cuốn sách, nhưng sau khi tách rời ra thì sách cũng không còn. Một ngôi nhà cũng cùng một đạo lý như vậy, trong đó có sắt thép, có nước xi măng, có rất nhiều chất liệu kiến trúc, sau đó chiếu theo đồ họa kết hợp xây dựng nên, phòng nhà liền hiển thị ra nhưng khi phá bỏ thì nó lại trở về thành từng đống vật tư xây dựng ban đầu, phòng ốc cũng không còn nên tất cả pháp đều là khi duyên tụ thì có, duyên tán không, do đó chúng ta hiểu được chân tướng sự thật.
Đức Phật nói con người chúng ta là duyên tụ bốn đại năm uẩn. Tứ đại là nói đất nước gió lửa, hiện tượng vật chất. Ngoài hiện tượng vật chất ra có thọ tưởng hành thức là hiện tượng tinh thần, nên nó là duyên tụ. Năm uẩn tụ tập hiện ra tướng người này, khi năm uẩn tán thì tướng người này cũng không tồn tại, duyên tụ duyên tán. Khi duyên tụ có nhưng không có thật. Khi duyên tán mất cũng không phải là thật mất. Nếu chúng ta thấu triệt được điều này, mới lãnh ngộ được tất cả pháp vốn không sanh không diệt, tất cả đều là duyên tụ duyên tán mà thôi. Duyên tụ duyên tán thì sức mạnh nào tạo thành hiện tượng này? Hiện nay các nhà khoa học không ngừng nghiên cứu nhưng Phật pháp đã có đáp án từ sớm.
Quý vị xem trong Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán của Hiền Thủ quốc sư nói “hiển nhất thể”, nhất thể này là tự tánh là chân như, là chân tâm, lại gọi là bổn tánh, danh từ rất nhiều. Nó tồn tại, nó là bản thể của tất cả pháp, nhưng lục căn của chúng ta nhãn nhĩ tỷ thiệt thân đều duyên không được nó, cũng không cách nào tiếp xúc được nó. Lục căn có thể tiếp xúc được hiện tượng, vì sao không tiếp xúc được tự tánh? Tự tánh nó không phải hiện tượng, không có hiện tượng, nó không có vật chất, không có hiện tượng vật chất, nó cũng không phải tinh thần, nó cũng không phải hiện tượng tự nhiên. Trong vũ trụ có rất nhiều hiện tượng nhưng quy nạp lại thì không ra ngoài ba loại lớn này.
Nếu là hiện tượng vật chất thì năm căn trước có thể duyên tới. Chúng ta có thể thấy được, có thể nghe được. Nhãn nhĩ tỷ thiệt thân có thể duyên được hiện tượng vật chất. Nếu hiện tượng tinh thần thì đệ lục ý thức duyên được, đệ lục ý thức là tư tưởng, có thể tư có thể tưởng, có thể tư duy tưởng tượng nhưng nó không phải hiện tượng tinh thần, nó cũng không phải hiện tượng tự nhiên. Nó không phải là gì cả nhưng nó tồn tại, nó hiển diện mọi lúc mọi nơi, tuy nó tồn tại mọi lúc mọi nơi nhưng lục căn không tiếp xúc được, nên trong Phật pháp đại thừa thường gọi là không, gọi là vô. Vô chẳng phải là không có, không ý của nó cũng không phải là vô nhưng nó có thể hiện. Cái gì nó cũng không phải, nhưng nó có thể hiện hiện tượng, đến hiện tượng tự nhiên cũng là nó hiện, nó không phải hiện tượng tự nhiên.
Khi một niệm bất giác liền hiện ra A lại da. Điều thứ nhất trong ba tế tướng của A lại da là nghiệp tướng. Nghiệp tướng chính là hiện tượng dao động. Bồ Tát Di Lặc nói một khảy móng tay có 32 ức trăm ngàn niệm, hiện tượng dao động này là nghiệp tướng, thuộc về hiện tượng tự nhiên. Từ nghiệp tướng biến hiện ra chuyển tướng, chuyển tướng chính là thức thứ bảy tức là Mạt na. Mạt na là bốn đại phiền não thường tương tuỳ, đây chính là hiện tượng tinh thần. Thứ nhất là ngã kiến, thứ hai là ngã ái, thứ ba là ngã mạn, thứ tư là ngã si. Quý vị xem cái đầu tiên là cái “ngã” đã xuất hiện. Không có ngã nhưng ngộ nhận cho rằng có ngã, theo ngã xuất hiện chính là tham sân si.