/ 600
655

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 369

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên Tập: Bình Minh

Thời gian: 10.04.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 442, hàng thứ bảy, bắt đầu xem từ câu thập lực.

“Thập lực giả, Như Lai chứng đắc thật tướng chi trí, liễu đạt nhất thiết, vô năng hoại, vô năng thắng, cố danh vi lực. Tường kiến đệ tứ thập lục phẩm thập lực chú”.

Phẩm 46 vẫn còn ở sau. Ở đây chúng ta đơn giản giới thiệu qua về Như Lai quả địa. Có mười loại năng lực thù thắng mà người thường chúng ta không có. Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát cũng không có, đều chưa đạt đến cảnh giới của Như Lai. Bồ Tát cũng có thập lực nhưng so với thập lực của Phật thì còn kém xa, đây là chứng được trí huệ nhận biết về chân tướng của các pháp một cách viên mãn. Thật tướng là chân tướng của tất cả pháp. Nó khởi tác dụng là liễu đạt tất cả, tất cả pháp trong biến pháp giới hư không giới “vô năng hoại. Chúng ta cần phải lãnh hội được tất cả pháp tánh không tướng có. Tánh thị chân không, tướng thị huyễn có, có mà không có, chân không bất không cho nên “vô năng hoại.” Ý muốn nói rằng không có năng lực nào có thể phá hoại nó.

Thứ hai là “vô năng thắng”, thắng là siêu thắng. Ý muốn nói tất cả pháp là bình đẳng, tất cả pháp là nhất như. Chúng ta cần phải lý giải cách đối thoại của đức Thế Tôn và Bồ Tát Di Lặc trong Bồ Tát Xứ Thai Kinh, thì chúng ta mới có thể lãnh hội được hai câu này.

Bên dưới liệt kê ra danh tướng của Thập lực. Thứ nhất “như thị xứ phi xứ trí lực”. Thế nào là thị xứ? Thế nào là phi xứ? “Xứ” là xứ sở. Nhất là trong thời đại hiện nay của chúng ta, xã hội động loạn, trên địa cầu thiên tai đích thực chưa từng có trong lịch sử, mấy ngàn măm trước không có hiện tượng này, hiện nay chúng ta đã gặp, cho nên biết bao người đều muốn tìm một môi trường cư trú an toàn. Đến đâu để tìm? Có thể tìm thấy chăng? Nếu quí vị có phước báo thì bất luận ở đâu cũng an toàn, nếu không có phước báo thì đến đâu cũng không an toàn. Từ đó cho thấy, “thị xứ” thật sự là thiện tâm. Còn phi xứ thì sao? Chính là tâm bất thiện. Có tâm nhất định có hành, ba nghiệp thân khẩu ý nó dính liền nhau không thể tách rời. Có tâm đương nhiên có hành động, cho nên tâm hành thiện là thiện xứ. Trong thiện xứ lại có thiện xứ thật và thiện xứ giả. Trong thiện xứ lại có thiện xứ vĩnh hằng, có thiện xứ nhất thời, nó không giống nhau, nhưng Như Lai biết hết. Thiện xứ cứu cánh viên mãn là thường tịch quang. Trong thường tịch quang thân và cõi là nhất như, thân pháp tánh và cõi pháp tánh là một không phải hai, đó thật là cứu cánh kiên cố, đích thực là “vô năng hoại, vô năng thắng”, không có thể thắng được.

Thứ hai vẫn là “thị xứ”, chứ không phải “phi xứ”, đó chính là cõi thật báo trang nghiêm của chư Phật Như Lai, chỉ kém là chưa đoạn tận tập khí vô thỉ vô minh. Ngoài điều này ra thì cũng có thể nói là cứu cánh viên mãn, đây là “thị xứ’ chân thật, đã chứng được pháp thân. Phá vô minh chứng pháp thân đây là “thị xứ”, còn mười pháp giới đều là “phi xứ”.

Chúng ta tu đạo nếu có thể đem mục tiêu định ở A la hán, Bích chi Phật, Bồ Tát, Phật trong mười pháp giới đều coi là “phi xứ”, như vậy là sai. Tiểu thừa cho là “thị xứ” nhưng đại thừa biết đó không phải là “thị xứ”. Phàm phu tham lam đối với lục đạo, mỗi niệm đều hy vọng hưởng thụ phước báo nhân thiên. Mục tiêu họ tu thiện tích đức là sanh thiên, họ không biết rằng cõi trời vẫn chưa ra khỏi luân hồi lục đạo, sau khi thọ mạng kết thúc vẫn bị đọa lạc. Cho nên ở trong lục đạo, ba đường ác là “phi xứ”, ba đường thiện là “thị xứ”. Trong ba đường thiện sắc giới, vô sắc giới là “thị xứ”, cõi nhân thiên là “phi xứ”. Mỗi cấp bậc đều có “thị xứ” và “phi xứ”. Đức Phật đối với những điều tánh tướng, sự lý, nhân quả, thông đạt thấu triệt viên mãn, đây gọi là “tri thị xứ phi xứ trí lực”

Người ta thường nói, tạo ác nhất định chịu ác báo. Bình thường chúng ta nói thiện có thiện báo ác có ác báo, nhân quả báo ứng không sai chút nào, đây đều là “thị xứ phi xứ trí lực”. Chúng ta nghe Đức Phật giảng kinh thuyết pháp thật sự nghe hiểu được rõ ràng, “thị xứ” nên cố gắng nỗ lực thêm để học tập, “phi xứ” nên xả bỏ nó một cách sạch sẽ, đây là đệ tử chân chánh của đức Phật. Như vậy chúng ta sẽ hiểu thập thiện là “thị”, thập ác là “phi”. Lục độ là “thị”, lục tệ là “phi”. Điều gì cần đoạn thì phải đoạn, điều gì cần buông bỏ thì phải buông bỏ. Nói đến chỗ cứu cánh, nói cho chư vị biết, phát tâm bồ đề nhất hướng chuyên niệm, cầu sanh Tịnh độ tuyệt đối là “thị xứ”, không muốn vãng sanh thế giới Cực Lạc, chúng ta thật sự là “phi xứ”, như vậy là sai.

/ 600