Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 368
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 09.04.2011
Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 441, hàng thứ sáu từ dưới đếm lên. Bắt đầu xem từ “Phật Pháp Tăng thanh”.
“Phật Pháp Tăng thanh. Phật Pháp Tăng giả, tam bảo dã. Tiểu bổn viết, văn thị âm giả, tự nhiên giai sanh niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng chi tâm”.
Ở đây Hoàng Niệm Tổ không có chú giải nhưng vẫn phải nói sơ qua Phật Pháp Tăng ba danh tướng này, vì người học Phật đối với nó ngộ nhận quá nhiều. Như thế nào gọi là Phật? Như thế nào gọi là Pháp? Như thế nào gọi là Tăng? Vì sao gọi nó là Tam Bảo? Bảo có thể giúp chúng ta giải quyết rất nhiều vấn đề. Chúng ta có bảo tức là có tài bảo, của cải có thể giải quyết tất cả vấn đề sinh hoạt vật chất của chúng ta, cho nên gọi nó là bảo. Còn Phật pháp có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề luân hồi lục đạo, giúp chúng ta giải quyết vấn đề đoạn phiền não, giúp chúng ta giải quyết luân hồi lục đạo, thậm chí vấn đề của mười pháp giới. Bảo này không phải châu báu thế gian có thể sánh được, cho nên Chư Phật Bồ Tát đối với Tam bảo tán thán không ngớt.
Đầu tiên là Phật, chữ Phật này tiếng phạn gọi là Phật đà da. Người Trung Quốc xưa nay chỉ thích đơn giản vắn tắt nên thường tỉnh lược bớt âm đuôi. Phật đà da chúng ta chỉ gọi là Phật chỉ dùng một chữ này, ý của nó là giác ngộ. Hay nói cách khác, Phật đà da chính là nói đến giác tánh của chúng ta, người xưa thường gọi là ngộ tánh. Người Ấn độ nói giác tánh, nói rất nhiều, người Trung quốc gọi là ngộ tánh.
Lúc nhỏ đi học ở trường, trong lúc các thầy giáo nói chuyện, chúng ta ở bên cạnh nghe được họ nói với nhau, học sinh đó ngộ tánh rất cao, ý muốn nói rằng họ nghe hiểu bài thầy giảng, thậm chí người này đôi khi còn lãnh hội sâu sắc hơn người kia, đây gọi là ngộ tánh. Trên thực tế ngộ tánh này từ đâu mà có? Trong tự tánh của chúng ta vốn đầy đủ trí huệ bát nhã, trong Phật pháp gọi là Phật tánh. Tự tánh vốn đầy đủ trí huệ bát nhã, chỉ đơn giản gọi phần này là Phật tánh. Nếu nói chung về tự tánh thì thường dùng từ pháp tánh. Nói chung tự tánh là lý thể của tất cả vạn pháp trong biến pháp giới hư không giới. Vạn pháp này từ đâu mà có? Hoàn toàn do tự tánh biến hiện ra nên tự tánh là năng sanh năng hiện.
Khi ngài Huệ Năng khai ngộ nói rằng: “đâu ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp.” Chữ “năng” trong câu “năng sanh vạn pháp” này, ngày nay các nhà khoa học gọi là năng lượng, trong đại thừa Phật pháp thường gọi là pháp tánh. Chư vị nên biết pháp tánh và Phật tánh là cùng một tánh. Pháp tánh là đứng trên toàn diện mà nói, còn Phật tánh chỉ đơn thuần là từ trong pháp tánh, trong bát nhã trí huệ mà nói, thì đều có thể gọi là Phật. Pháp tánh là Phật, giác tánh cũng là Phật, nó là một không phải hai. Tất cả chúng sanh đều có tự tánh, chẳng những có tự tánh mà tất cả chúng sanh đều có giác tánh. Cho nên trong kinh điển đại thừa Đức Phật thường nói: “tất cả chúng sanh vốn là Phật”, tất cả chúng sanh vốn là Phật, lời này nói không hề sai. Tại sao hiện nay chúng ta lại ra nông nỗi này? Trong kinh Hoa Nghiêm Đức Phật dạy: “vì vọng tưởng phân biệt chấp trước mà không thể chứng được.” Chúng ta ngày nay biến thành phàm phu, trở thành ngu muội, tạo nghiệp thọ những khổ báo này, điều này rốt cuộc là thế nào? Đều là do ta có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, cho nên tuy có Phật tánh nhưng cũng không thể chứng đắc. Phật tánh của chúng ta có mất đi chăng? Không mất! Chẳng những không mất đi mà nó còn khởi tác dụng, nhưng tác dụng này đã bị méo mó, bị lệch lạc, dùng tà nguỵ, dùng thiên lệch, chứ không khởi tác dụng chơn chánh. Tác dụng chơn chánh là giác ngộ được các pháp, nghĩa là thông đạt thấu triệt tất cả pháp trong thế xuất thế gian, tác dụng như vậy là đúng. Vì có vọng tưởng phân biệt chấp trước khiến cho tác dụng chơn chánh trở thành méo mó. Méo mó nên Phật dùng danh từ khác để gọi nó, gọi là phiền não, gọi là tập khí. Rất nhiều các bạn đồng học cũng thường thấy trong kinh, trong kinh Đức Phật nói phiền não tức bồ đề, bồ đề chính là giác tánh. Bồ đề và phiền não là một, dùng chánh thì gọi là bồ đề, dùng sai thì gọi là phiền não. Hay nói cách khác quý vị dùng tâm, trong tâm này xen tạp tập khí phiền não, đây gọi là phàm phu.