/ 600
654

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 367

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 08.04.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 438, hàng thứ sáu, câu cuối cùng. Bắt đầu xem từ câu Hựu Tiên Chú viết.

“Tây phương chi liên, hữu thanh hoàng xích bạch tứ chủng. Hựu tuỳ vị phu khai, lạc chi tam thời nhi dị danh. Phân đà lợi vi bạch liên hoa chi chánh khai phu giả”. Hoa phân đà lợi này đã nở, không phải chưa nở. “Hựu thử hoa tối đại, hoa biện số bách, nhất danh bách diệp hoa. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh chi liên hoa, tức thử bạch liên hoa, bách diệp chi phân đà lợi hoa dã”.

Đoạn này ở trước chúng ta đã nói qua. Đức Phật dùng hoa sen để biểu tượng, hy vọng tâm người như hoa sen vậy. Nói về nhân quả đồng thời trong thực vật, thì hoa sen hiển thị điều này rõ ràng nhất. Khi chưa nở, trong nụ hoa đã có hạt, khi hoa nở thì hạt đã chín muồi, hoa là nhân, hạt là quả, nhân quả đồng thời. Nó không như các loại thực vật khác, nó nở hoa trước rồi sau đó mới kết quả, nhân quả không đồng thời. Hoa sen khiến chúng ta lãnh hội được điều này rất rõ ràng, trong nhân có quả, trong quả có nhân, nhân quả đồng thời, nhân quả không hai. Đây là chân tướng sự thật. Chúng sanh khởi tâm động niệm, khởi một thiện niệm là nhân, thì thiện quả thực sự sẽ hiển lộ, mà chúng ta không biết.

Trong điển tịch của cổ nhân có ghi chép, người thiện này mới động niệm, hành vi thiện còn chưa thành tựu, thì quả báo đã là cõi trời. Cung điện trên trời hầu như đã làm xong để chờ họ. Nhưng nhân gian không biết, chính họ cũng không biết.

Cùng một đạo lý này, quý vị động một ác niệm, thì địa ngục đã hình thành sẵn chờ quý vị, nhưng quý vị không hề biết. Đợi sau khi mạng chung liền đến thẳng địa ngục, đích thực là nhân quả đồng thời. Đức Phật dùng hoa sen để tượng trưng, ý nghĩa vô cùng sâu xa. Cũng là để cảnh tỉnh chúng ta, từng giờ từng phút phải biết khởi tâm động niệm chính là nhân, huống gì là ngôn ngữ tạo tác, thì nhân đó liền viên mãn.

Chúng ta đạt được rất nhiều thông tin về địa ngục. Địa ngục vô lượng vô biên không sao đếm hết. Làm gì có nhiều đến thế? Có. Một ý niệm ác chính là một địa ngục. Một niệm thiện chính là một thiên đường. Đối với đạo lý này hiện nay chúng ta đã có thể chấp nhận.

Trong Hoàn Nguyên Quán nói rất rõ ràng là “xuất sanh vô tận”. Từng niệm sanh ra thì từng niệm diệt tận. Trong hội Lăng Nghiêm Đức Phật nói: “đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận.” Thực sự là ngay tại đây, nhân quả ngay tại đây, báo ứng ngay tại đây. Chúng ta thấy thế giới này muôn hình muôn vẻ, đó chính là tướng tương tực của mỗi niệm. Ý niệm chấm dứt thì quả liền diệt. Niệm là nhân_đã chấm dứt thì quả cũng không còn. Nên các bậc cổ nhân thường nói: “không sợ niệm khởi chỉ sợ giác chậm.” Con người nhất định không thể mê hoặc. Mê hoặc, mỗi niệm là ác, đang tạo nghiệp địa ngục. Nếu niệm niệm là giác mà không mê, nhất định nghiệp mình tạo là thiện, quả báo chính là thiên đường. Người học Phật mỗi niệm đều tạo quả báo thế giới Cực Lạc. Hoa sen tượng trưng cho ý nghĩa thậm thâm này.

Chúng ta tiếp tục xem tiếp đoạn dưới. “Hựu thử hoa đa xuất ư A nậu đạt trì, nhân gian vô hữu. Cố xưng vi nhân trung hảo hoa, hy hữu hoa đẳng”.

Đây là xưng tán nó. Ao A nậu đạt ở đâu? Tại trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn. Chúng ta gọi nó là thiên trì. Nơi cao như vậy có ao, bên cạnh ao có loại hoa này, rất hy hữu. Các nơi khác không cách nào trồng được. Chỉ có nơi cao nguyên như vậy, trong hoàn cảnh khí hậu đó nó mới có thể sanh trưởng. Hoa sen chỉ giới thiệu đơn giản đến đây thôi.

“Hựu tạp sắc quang mậu, tạp giả, hoà dã, hợp dã, chúng dã, tập dã”. Có rất nhiều ý nghĩa. “Cố viết tạp sắc”. Tạp sắc tượng trưng cho điều gì? Tượng trưng cho điều hoà, tượng trưng cho hợp tác. Nên Đức Phật áp dụng. Tiếng phạn gọi là cà sa. Trên thân chúng tôi đang mang đây là cà sa. Cà sa có nghĩa là gì? Là tạp sắc. Nó không phải một loại màu sắc. Năm sắc đỏ, vàng, lam, trắng, đen hỗn hợp nhuộm thành màu sắc này nên gọi là tạp sắc.

Trong nhà Phật ngày xưa là khất thực. Bát cơm này không phải một nhà cúng dường, mỗi nhà cúng dường một ít, bảy nhà hợp thành một bát cơm cũng gọi là cà sa, vì nó là hỗn tạp. Cơm không giống nhau, thức ăn cũng không giống nhau, tất cả đều trộn chung một chỗ. Nên ý nghĩa cà sa chính là rất nhiều loại tập hợp lại một chỗ. Vì thế nó có nghĩa là chúng tập hoà hợp. Đức Phật áp dụng điều này để tượng trưng cho sự bình đẳng, không có tâm thiên vị, không có tà niệm. Bình hoà trung chánh, ngài áp dụng ý nghĩa này. Bát cơm này chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa của nó. Chúng ta mang lên mình tấm y này cũng phải hiểu ý nghĩa của nó. Từng ô từng ô trên y tượng trưng cho điều gì? Khác chủng tộc, khác bộ lạc, khác văn hoá nhưng tất cả đều hợp lại một chỗ, bao vây trên thân của ta.

/ 600