/ 600
579

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 365

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 07.04.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 432, hàng thứ hai từ dưới đếm lên. Bắt đầu xem từ câu Quán Kinh.

“Hựu Quán Kinh Vi Đề Hy phu nhân viết, ngã kim lạc sanh Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật sở. Duy nguyện Thế Tôn, giáo ngã tư duy, giáo ngã chánh thọ. Thiện Đạo đại sư chú viết, ngôn giáo ngã tư duy giả, tức thị định tiền phương tiện. Tư tưởng ức niệm bỉ Phật, y chánh nhị báo tứ chủng trang nghiêm dã”.

Hôm qua chúng ta đã học đến đây. Đoạn kinh văn này và chú giải của Thiện Đạo đại sư rất quan trọng. Tu Tịnh độ hy vọng đời này được vãng sanh thế giới Cực Lạc, thân cận Phật A Di Đà, thì đây là khai thị vô cùng quan trọng, không thể không biết. Thiện Đạo đại sư chú giải đoạn này. Ngài nói: “giáo ngã tư duy giả, tức thị định tiền phương tiện”. Định chính là niệm Phật tam muội. Chúng ta hiện nay chưa đạt được niệm Phật tam muội, người đạt được rất ít, đại đa số là chưa đạt được.

Tu bằng cách nào? Dạy chúng ta “tư tưởng ức niệm bỉ Phật y chánh nhị báo tứ chủng trang nghiêm”. Điều này cũng như trong Viên Thông Chương Bồ Tát Đại Thế Chí nói nhớ Phật niệm Phật hiện tại tương lai nhất định thấy Phật. Nhớ Phật niệm Phật, ý giống như điều chúng ta đang nói, đích thực chúng ta cần phải dừng lại và buông bỏ tất cả ý niệm, chỉ niệm Phật A Di Đà và thế giới Cực Lạc. Bỉ Phật là Phật A Di Đà. Y báo là quốc độ trang nghiêm của thế giới Cực Lạc. Chánh báo là trang nghiêm của Phật A Di Đà và tất cả Bồ Tát.

Tứ chủng trang nghiêm, là chánh báo có hai loại, y báo có hai loại. Hai loại chánh báo mọi người đều biết là Phật và Bồ Tát. Hai loại y báo, một là hoàn cảnh lớn_hoàn cảnh của thế giới tây phương Cực Lạc, hai là giảng đường, đạo tràng của Phật A Di Đà. Quý vị xem, đạo tràng thọ trang nghiêm_đưa ra một ví dụ, bao gồm đạo tràng ở trước chúng ta nói là ao thất bảo và nước tám công đức. Giảng đường của Phật A Di Đà ở đâu? Không phải một nơi, mà khắp nơi đều là đạo tràng của Phật A Di Đà. Phật A Di Đà ở thế giới này phân thân nói pháp. Không như thế giới này của chúng ta, chúng sanh mê hoặc, tập khí phiền não sâu nặng. Đức Phật có thể phân nhiều thân ở thế giới này chăng? Đương nhiên có thể. Vậy vì sao ngài không làm? Làm nhưng không ai tin. Vì sao vậy? Vì họ cho Phật là thần. Ngài có thể phân thân, còn chúng ta không thể. Ngài có thể thành tựu, chúng ta làm sao có thể so sánh được? Chẳng những không thể tăng trưởng lòng tin cho mọi người, mà trái lại tăng trưởng nghi hoặc của mọi người. Nguyên tắc trong kinh luận nói là: “tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng”, đây là phương tiện thiện xảo của Đức Phật. Đức Thế Tôn lúc còn tại thế dùng phương pháp nào để phân thân? Dùng đệ tử. Đệ tử tuỳ tùng của ngài có 1255 vị, họ không ngừng nhận lời mời của đại chúng đi khắp mọi nơi để hoằng pháp giáo hoá, chính là dùng phương pháp này. Thế giới tây phương Cực Lạc không cần, Phật A Di Đà có thể phân thân. Vì sao vậy? Vì đến thế giới tây phương Cực Lạc thì mỗi người đều có thể phân thân. Như vậy thì quá dễ. Không như ở đây chỉ có Phật và Bồ Tát mới phân thân được, phàm phu không thể phân thân. Nên ngài không thể dùng phương pháp này. Chúng ta cần phải lãnh hội điều này. Đây là từ bi vô tận của Như Lai.

Ở thế giới Cực Lạc, mỗi người đều có thể phân thân, thì Phật A Di Đà sao lại không thể phân thân được! Do đó chúng ta có thể nghĩ đến, thế giới tây phương khắp nơi đều là đạo tràng của Phật A Di Đà, khắp nơi đều thấy Phật A Di Đà. Đây là bốn loại y chánh trang nghiêm, chúng ta thường phải nghĩ đến điều này.

Phàm phu mặc dù là vãng sanh vào cõi phàm thánh đồng cư hạ hạ phẩm vãng sanh, họ cũng có năng lực mỗi ngày đi cúng dường mười vạn ức Phật. Đi bằng cách nào? Phân thân đi. Còn bản thân mình vẫn bất động trong giảng đường của Phật A Di Đà. Tức là có năng lực phân mười vạn ức thân đi tham bái mười vạn ức vị Phật, cúng Phật nghe pháp. Bản thân không hề rời thế giới Cực Lạc, không rời Phật A Di Đà. Chúng ta thường quán tưởng những cảnh giới này, như vậy là rất tốt, nó sẽ làm tăng trưởng chánh tín, chánh niệm chúng ta. Tăng trưởng tâm nguyện cầu sanh thế giới tây phương Cực Lạc, cũng có thể tiêu trừ vọng niệm, tập khí của chúng ta. Không nghĩ gì khác, chỉ chuyên nghĩ đến những điều trong kinh nói.

/ 600