406

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 364

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 06.04.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 430, hàng thứ ba đếm từ dưới lên.

“Đường xá lầu quán đệ thập lục”. Hoàng Niệm Tổ giới thiệu rất đơn giản nội dung phẩm này. “Bổn phẩm hữu nhị”, nghĩa là có hai đoạn lớn. Đoạn lớn thứ nhất “Phật cập chư Bồ Tát cư xứ”. Đoạn thứ hai là “Bồ Tát tuỳ ý tu học, tùng nhân đắc quả, tự do hành đạo, giai đại hoan hỷ”. Ở trước giới thiệu môi trường để học tập, môi trường của đạo tràng này. Phẩm này là giới thiệu về giảng đường, nhà ở. Thầy là Phật A Di Đà_chỗ ở của ngài, ngoài ra là phòng ốc của học trò_chỗ ở của Bồ Tát. Chúng ta xem đoạn thứ nhất trước.

“Hựu Vô Lượng Thọ Phật giảng đường tinh xá, lầu quán lan thuẩn, diệc giai thất bảo, tự nhiên hoá thành. Phục hữu bạch châu ma ni, dĩ vi giao lạc, minh diệu vô tỷ” đây là chỗ ở của giáo chủ. Bên dưới “chư Bồ Tát chúng, sở cư cung điện, diệc phục như thị”. Đây là chỗ ở của học trò. Thế giới Cực Lạc đích thực là thế giới bình đẳng, chánh báo bình đẳng, nghĩa là vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, cho dù là người ở cõi phàm thánh đồng cư hạ hạ phẩm vãng sanh, thì thể chất cũng là kim thân, thân sắc vàng tía giống như Phật vậy, vô lượng tướng hảo. Phật có vô lượng tướng, tướng có vô lượng đẹp.

Ở trước chúng ta đã từng xem qua, trong kinh nói 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp. Đây là Đức Thế Tôn phương tiện nói. Vì người Ấn độ đương thời cho rằng người đại phú đại quý đầy đủ 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp, nên đức Phật đã thị hiện thân tướng này. Trên thực tế chúng ta biết ở thế giới Cực Lạc Chư Phật là vô lượng tướng, thật là tướng có vô lượng đẹp. Nơi ở, quý vị xem cảnh tuỳ tâm chuyển, tâm tốt thì tướng sẽ tốt, nơi ở đương nhiên cũng không ngoại lệ. Đây là trí huệ phước đức sở hiện. Không như chúng sanh ở cõi Diêm Phù Đề này, chúng ta có thể suy nghĩ mà biết được, vì chúng sanh ở cõi Diêm Phù Đề tâm hành bất thiện nên hoàn cảnh cư trú cho đến phòng ốc cũng không lý tưởng. Đây là điều chúng ta có thể thấy được.

Bây giờ chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm Tổ. “Giảng đường giả, thuyết pháp giảng kinh chi đường xá. Tịnh xá, tự viện chi dị danh. Tân Dịch Hoa Nghiêm Kinh Âm Nghĩa viết, tịnh xá giả, phi dĩ xá chi tinh diệu, danh vi tinh xá”. Nó không phải là ý này. “Do kỳ tinh luyện hành giả chi sở cư, vị chi tinh xá dã”. Nơi ở của người tinh tấn tu hành được gọi là tinh xá. Có thể là một mái nhà tranh vô cùng đơn giản nên Tinh xá là nơi cư trú của những người tu hành tinh tấn.

Giảng đường là nơi giảng kinh thuyết pháp. Đức Thế Tôn khi còn tại thế không có tự viện cũng không có giảng đường. Ngài giảng kinh ở đâu? Đều ở phạm vi bên ngoài như trong rừng cây hoặc bên dòng suối, nơi có phong cảnh đẹp. Vì suốt cuộc đời của Đức Thế Tôn là sống cuộc sống du mục, không có chỗ ở cố định, thật là tự do tự tại. Hôm nay ở đây, ngày mai ở nơi khác. Ban đêm ngủ không có phòng xá, ngủ dưới gốc cây, ngày ăn một bữa. Đây là Đức Thế Tôn thị hiện suốt 49 năm khi ngài còn tại thế. Khi Phật nhập niết bàn trong rừng Sa La song thọ, chứ không phải ở trong phòng. Thị hiện này dụng ý rất sâu sắc.

Chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề, chướng ngại nghiêm trọng nhất chính là thân, đây là chướng ngại thứ nhất. Chướng ngại thứ hai là phòng xá, nơi họ cư trú. Người Trung quốc đặc biệt chú trọng, họ muốn kiến trúc chỗ ở. Ngày xưa tứ hợp viện rất nhiều mà còn là đại gia đình. Chọn nơi ở nhất định phong thuỷ phải tốt, đặc biệt chú trọng kiến trúc, dùng nguyên liệu đều rất tốt. Cổ nhân kiến thiết một ngôi nhà, ngôi nhà này ít nhất có thể dùng 300 năm. Họ nghĩ rất chu đáo, cho tử tôn đời sau truyền thừa đời này sang đời khác nên đại gia đình có gia đạo, có gia quy, có gia học, có gia nghiệp. Đứa trẻ từ nhỏ sống trong gia đình đã tiếp thu giáo dục tốt, đều dạy rất tốt. Gia học chính là tư thục.

Thường một thôn trang là người một nhà. Đây là Vương trang đó là người nhà họ Vương. Thông thường gia đình khoảng trên dưới 300 người là gia đình bình thường. Giai đình nào hưng thịnh có đến sáu bảy trăm người, nên gia đình của Trung quốc là một tổ chức xã hội. Vì thế có thể trị gia là có thể trị quốc. “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Cho nên giáo dục gia đình vô cùng quan trọng. Có từ đường kỷ niệm tổ tiên, có từ đường đại gia đình, có trường học, có tư thục. Trẻ em sáu bảy tuổi có thể đi học, trước khi chưa đi học_ trước đây chúng tôi đều đã nói qua. Trẻ em từ khi sanh ra cho đến lúc đi học, thời gian này do cha mẹ dạy nên cha mẹ là thầy giáo nhiệm kỳ đầu của chúng. Dạy luân lý, dạy đạo đức, dạy nhân quả. Từ nhỏ đã tiếp thu học hỏi từ gương của cha mẹ nên thân giáo quan trọng hơn ngôn giáo.