Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 363
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 06.04.2011
Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 428, bắt đầu xem câu cuối cùng hàng thứ tư từ dưới đếm lên.
“Hựu viết, thử Bồ Tát bất kiến hữu pháp sanh, bất kiến hữu pháp diệt. Hà dĩ cố? Nhược bất sanh tắc bất diệt, nhược bất diệt tắc vô tận. Nhược vô tận tắc ly cấu, nhược vô cấu tắc vô hoại. Nhược vô hoại tắc bất động, nhược bất động tắc tịch diệt địa. Thị vi đệ tam vô sanh pháp nhẫn”.
Đây là kinh văn trong Lục Thập Hoa Nghiêm, Phẩm Thập Nhẫn. Đây là bất động địa, trên bát địa. Bồ Tát này không thấy có pháp sanh. Pháp là tất cả pháp, bao gồm thế gian pháp và xuất thế gian pháp. Nói cách khác họ không thấy tất cả pháp sanh. Không thấy sanh đương nhiên cũng không thấy diệt, tất cả pháp không sanh không diệt, không có sanh diệt.
Đạo lý này trong kinh Hoa Nghiêm và trong Hoàn Nguyên Quán chúng ta đã học qua rất nhiều. Đúng là chân tướng sự thật. Trong đại thừa bát nhã nói thật tướng các pháp, thực sự là như vậy. Đặc biệt rõ ràng chính là báo cáo của Bồ Tát Di Lặc với Đức Thế Tôn, một khảy móng tay có 32 ức trăm ngàn niệm, niệm niệm thành hình, hình đều có thức. Ở đây nói lên điều gì? Là nói tất cả pháp không sanh không diệt. Từ mấy câu kinh văn này, nghĩa là trong đối thoại của Bồ Tát Di Lặc thì ta hoàn toàn hiểu rõ.
Nếu thật sự không sanh không diệt, không có sanh diệt. Chúng ta nói không sanh không diệt sẽ không có chút ý nghĩa nào. Không sanh không diệt là ý gì? Có thể nhìn thấy sanh diệt chính là không sanh diệt. Sanh nghĩa là bất sanh, diệt nghĩa là bất diệt. Như vậy là đã thấy chân tướng sự thật. Khi thấy được chân tướng sự thật này thì tâm liền định, tâm được an, không có chút trôi nổi nào, chúng ta sẽ thấy được tự tánh, thấy được tướng tịch diệt của nhất chân pháp giới, nó vốn thanh tịnh tịch diệt. Hiện tại thì sao? Hiện tại vẫn là thanh tịnh tịch diệt. Ngày nay xã hội động loạn, địa cầu thiên tai, nhưng hàng Bát địa Bồ Tát vẫn xem như là tướng tịch diệt, chúng ta thấy như long trời lở dất, còn các ngài thấy là tướng tịch diệt. Đạo lý này không dễ hiểu.
Chúng ta quan sát từ tốc độ năng động của tất cả pháp thì có thể lãnh hội được một chút. Ta có hai chiếc xe, hai chiếc xe này chạy trên đường tốc độ bằng nhau, thấy mọi người đều như bất động. Nếu tốc độ có nhanh chậm khác nhau thì tốc độ này vô cùng rõ ràng, chiếc này chạy nhanh còn chiếc kia chạy chậm. Cùng một đạo lý, hai chiếc máy bay sắp ngang hàng và bay tốc độ giống nhau. Quý vị không thấy tôi động, tôi cũng không thấy quý vị động. Nói cách khác nếu có người có thể đem tần suất tốc độ, nâng cao lên như Bồ Tát Di Lặc nói, một khảy móng tay có 32 ức trăm ngàn niệm. Họ liền thấy được mỗi ý niệm đều bất động. Vì sao vậy? Vì tốc độ bình đẳng nên họ thấy bất động. Đạo lý này không khó hiểu!
Tất cả hiện tượng như hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần cho đến hiện tượng tự nhiên, toàn bộ đều là dao động. Tốc độ nhanh chúng ta không sao tưởng tượng được, trong kinh nói thật không thể nghĩ bàn. Trong tần suất chấn động cao này quý vị nhìn thấy tất cả pháp là đứng yên, bất động, tất cả pháp không sanh, nó sanh thì lập tức nó diệt, hầu như là sanh diệt đồng thời. Có hiện tượng sanh diệt chăng? Có! Sao nói nó đồng thời? Sanh diệt bất nhị, sanh diệt nhất như. Chân tướng sự thật này chính là thật tướng các pháp, chân thật tướng mà trong kinh đại thừa nói.
Công phu thiền định của bát địa, cũng có nghĩa là tần suất giao động của họ và tần suất của tất cả pháp đều ngang nhau là đã nhìn thấy. Hướng tiếp lên trên đến cửu địa, thập địa, thập nhất địa, diệu giác thì càng nhìn càng thấu triệt. Biết được nó vốn như thế nào. Thì ra là vọng động. Dao động này và tự tánh không có liên quan. Tự tánh vĩnh viễn bất động. Khi ngài Huệ Năng kiến tánh nói: “đâu ngờ tự tánh vốn không dao động”. Chứng minh trong kinh đại thừa thường nói “tự tánh bổn định”, đây là cứu cánh quả Phật chứng được. Vì sao vậy? Vì không động không hiện tướng, động mới hiện tướng. Tự tánh không động nên không hiện tướng. A lại da động nên A lại da hiện tướng. Nghiệp tướng của A lại da là hiện tượng tự nhiên. Chuyển tướng của A lại da, các nhà khoa học gọi nó là tin tức, gọi là tâm niệm, ý niệm trong tâm, nghĩa là hiện tượng tinh thần. Tất cả vật chất mà tiền ngũ thức tiếp xúc, nhãn nhĩ tỷ thiệt thân tiếp xúc với sắc thanh hương vị xúc, và pháp. Pháp một nửa là tinh thần một nửa là vật chất, đây đều là hiện tượng vật chất nên lục căn và lục trần toàn là hiện tượng vật chất. Tự tánh không có, không có gì cả nhưng nó có thể hiện. Nên không thể nói tự tánh là không. Đại sư Huệ Năng nói rất hay: “đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”. Đây chính là nói khi nó không khởi tác dụng, trong tự tánh đầy đủ mọi thứ, tuy nó không hiện tướng nhưng nó không thiếu gì cả. Khi nó khởi tác dụng thì “năng sanh vạn pháp”. Cũng chính là như chúng ta nói cả ba loại hiện tượng này đều xuất hiện. Bản thể của ba loại hiện tượng này là tự tánh. Không thể nói nó có cũng không thể nói nó không. Nói có hay nói không đều sai cả.