/ 600
1.122

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 362

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 05.04.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 427 hàng thứ hai từ dưới đếm lên.

Từ câu “hựu Di Đà Sớ Sao”. Bắt đầu xem từ đây. “Di Đà Sớ Sao viết, vô sanh nhẫn lược hữu nhị chủng. Nhất ước pháp, nhị ước hành. Ước pháp tắc chư vô khởi tác chi lý, giai viết vô sanh, huệ tâm an thử, cố danh vi nhẫn”.

Ở đây “chư” nghĩa là tất cả, tất cả các pháp của thế xuất thế gian. Dùng chân đế để nói thì đích thực không có sanh diệt. Điều này ở trước kinh Hoa Nghiêm chúng ta đều đã học qua rồi. Tất cả pháp ngay tại đây ở trong một niệm, một niệm này không sanh không diệt. Ý này rất khó hiểu. Nó vốn không sanh làm gì có diệt! Đây là thật tướng các pháp. Những thứ phàm phu chúng ta thấy là hiện tượng tướng tương tự liên tục, không có thật. Vì mỗi niệm đều không giống nhau.

Tiến sĩ Giang Bổn Thắng người Nhật làm thí nghiệm nước. Chúng tôi đến tham quan phòng thực nghiệm của ông hình như hai ba lần. Ông ta nói_Lần đầu tôi đến xem hình như là năm 2004, đến Đông Kinh để phỏng vấn. Ông ta đã làm bảy năm, đã làm thí nghiệm mười mấy vạn lần, nhưng ông nói với tôi nó không có mô hình tương đồng. Tôi nói: lời ông nói giống như trong kinh đức Phật nói. Ông ta rất kinh ngạc, ông chưa từng tiếp xúc với Phật giáo, cũng rất sợ tiếp xúc tôn giáo, sợ người ta nói ông mê tín. Vì sao không thể có hai cái tương đồng? Vì mỗi ý niệm đều độc lập riêng biệt. Như chúng ta dùng máy chụp ảnh_máy chụp ảnh chụp bằng phim cũ, giống như quay phim vậy, chiếu cuốn băng mà chúng ta chụp ra, nhất định không có hai tấm giống nhau, có thể nói là giống nhiều hơn, tuyệt đối tìm không ra hai tấm như nhau.

Chúng ta khởi ý niệm giống nhau nhưng niệm trước không như niệm sau. Lấy thí nghiệm nước mà nói, nếu dùng lòng yêu thương đối với ly nước này, nhưng lòng yêu thương của niệm trước và niệm sau không tương đồng nên kết tinh thứ nhất và kết tinh lần thứ hai không giống nhau. Đây chính là “xuất sanh vô tận” trong Hoàn Nguyên Quán Hiền Thủ đại sư đã nói, chính là ý này. Trong Lục Tổ Đàn Kinh ngài Huệ Năng nói: “năng sanh vạn pháp”. Pháp không có định pháp, nó tuỳ theo ý niệm mà biến hoá. Ý niệm này chính là A lại da. Chỉ đến khi đã chuyển thức thành trí thì ý niệm đó giống nhau. Niệm trước và niệm sau giống nhau. Vì sao vậy? Vì nó là vô niệm. Vô niệm thì giống nhau, có niệm thì không giống. Chỉ có cõi thật báo trang nghiêm, có thể nói là tướng tương tục, không phải tướng tương tợ tương tục. Mọi hiện tượng trong mười pháp giới, lục đạo đều là tướng tương tợ tương tục, tuyệt đối không có tương đồng. Đây chính là “vô khởi tác chi lý”. Đây gọi là vô sanh, vô khởi tác. Có khởi tác hay không? Có tướng khởi tác, không có lý khởi tác, tức là tướng có lý không.

Về mặt lý mà nói là vô sanh, tất cả pháp không sanh, tất cả pháp là giả. Mọi người thường đọc kinh Bát Nhã, kinh Kim Cang. Người không học Phật cũng đọc kinh Kim Cang. Thời xưa người đọc sách nhất định đọc bộ kinh này. Trong kinh nói” phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Đã là hư vọng thì không nên ở tướng hư vọng này khởi phân biệt chấp trước, khởi tâm động niệm muốn khống chế nó, muốn chiếm hữu nó. Như vậy là hoàn toàn sai lầm. Thể của nó đều là không, đều bất khả đắc. Từ trong đối thoại của đức Thế Tôn và Bồ Tát Di Lặc, chúng ta sẽ hiểu được chân tướng sự thật. Nên Chư Phật Bồ Tát ứng hoá ở thế gian, thái độ của các ngài là chính xác. Thái độ gì? Du hý nhân gian. Giống như chúng ta đi tham quan du lịch, được. Dùng thái độ này để đến thế giới tham quan du lịch, nhất định không có khống chế, không có chiếm hữu. Tôi đến thế giới này chơi mấy ngày rồi đi. Ở nhà nghỉ, nhà nghỉ không phải là của tôi, nhưng tôi ở mấy ngày, tôi có quyền sử dụng nhưng không có quyền sở hữu.

Vũ trụ này, chúng ta ở đây tất cả đều phải nên quán như vậy. Chúng ta có quyền sử dụng, nhất định không có quyền sở hữu. Quý vị cho rằng là sở hữu của mình là sai, đó là vọng tưởng. Nên Đức Phật dạy chúng ta tuỳ duyên nhưng không phan duyên, như vậy là đúng. Hiểu rõ chân tướng sự thật rồi thì tất cả đều tuỳ duyên. Tứ đức trong Hoàn Nguyên Quán, đức thứ nhất “tuỳ duyên diệu dụng”. Diệu dụng chính là đối với nó không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước. Tuyệt diệu! Trong tuỳ duyên không mất tâm thanh tịnh.

/ 600