/ 600
442

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 361

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 05.04.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 426, bắt đầu xem từ hàng thứ năm, đếm từ dưới lên.

“Hạ vân kiến thọ thành nhẫn, tiền biến cử lục căn. Thử độc vân kiến giả, cái tiêu nhãn căn dĩ liệt dư căn dã”.

Về sự tuy nói lục căn nhưng trên thực tế là vận dụng qua lại, nên chỉ đưa ra một căn còn năm căn khác tự nhiên bao hàm trong đó. Ở đây lục căn chỉ nói đến kiến là nhãn căn. “Kiến thọ thành nhẫn”, thành tựu nhẫn nhục ba la mật và viên mãn nhẫn nhục ba la mật_vô sanh pháp nhẫn. Thật như nguyện thứ 41 trong 48 nguyện của Phật A Di Đà. “Tứ thập nhất thọ kiến Phật sát nguyện”. Ở trong bồ đề thọ có thể nhìn thấy quốc độ của mười phương chư Phật, đương nhiên bao gồm cả địa cầu chúng ta vào trong đó và cũng thấy rất rõ ràng, rất tường tận.

“Dữ đệ tứ thập thất nguyện, tứ thập thất văn danh đắc nhẫn nguyện”. Nhẫn này là vô sanh pháp nhẫn. Nên đoạn kinh văn này giới thiệu thành tựu của nguyện thứ 41 và nguyện thứ 47. Từ đó cho thấy, thế giới Cực Lạc đích thực là do công đức viên mãn của 48 nguyện hiện ra. “Hội Sớ thích vân” đây là chú giải của các bậc cổ đức người Nhật Bản. “Ngưỡng duy đạo tràng thọ giả chánh thị chánh giác quả mãn chi mãn xí dã”. Giống như dựng lên một ngọn cờ, ngọn cờ này đại tượng trưng cho điều gì? Tượng trưng Phật A Di Đà nhân viên quả mãn, cứu cánh thành Phật. “Danh hiệu giả, tức thị bổn nguyện thành tựu chi thật thể. Cố nguyện dĩ văn danh vi đắc nhẫn nhân. Thành tựu dĩ kiến thọ minh kỳ tướng”. Bên dưới là chú giải nhỏ. “Vi Di Đà đại nguyện ký dĩ thành tựu. Tắc dĩ kiến thọ chứng minh đắc nhẫn chi sự tướng”. Thành tựu đại nguyện của Phật A Di Đà. Bồ đề thọ giống như viện triển lãm vậy. Ở cây này hoàn toàn nhìn thấy nên cây này thật không thể nghĩ bàn.

“Bỉ danh văn, tức đạo tràng thọ chi diệu thanh. Như Tiểu Bổn viết, văn thị âm giả, tự nhiên giai sanh niệm Phật niệm pháp niệm tăng chi tâm”. Nhìn thấy Bồ đề thọ, nghe đến sáu chữ hồng danh tự nhiên đều sanh. Không phải mấy người, không phải số ít người. Phàm là người vãng sanh đến thế giới tây phương Cực Lạc đều là như vậy. Thấy cây nghe tên đều có thể sanh khởi tâm nghĩ nhớ tam bảo. Phật là giác, giác trên đề kinh. Pháp là bình đẳng, tăng là thanh tịnh. Cũng chính là nói, tự nhiên sanh tâm thanh tịnh bình đẳng giác. Đây là công đức chân thật. Thanh tịnh bình đẳng giác chính là bổn thể của Tam bảo, là tam học là tam tuệ. Tất cả pháp đều không rời thanh tịnh bình đẳng giác. Tám vạn bốn ngàn pháp pháp môn, vô lượng pháp môn đều hàm nhiếp trong đó.

Ở thế giới Cực Lạc, chúng ta đã thấy cây, cũng đã nghe danh hiệu. Hay nói cách khác, những thứ lục căn tiếp xúc được không có gì là không thanh tịnh bình đẳng giác. Đây là công đức thông suốt cứu cánh viên mãn của tự tánh. Nếu nói lớn thì biến pháp giới hư không giới, nói đến nhỏ thì vi tế của thứ cực kỳ vi tế. Điều không thể nghĩ bàn là lớn nhỏ không hai. Trong nhỏ thấy được lớn, lớn thì không có thu nhỏ, nhỏ cũng không có phóng to, trùng trùng vô tận.

Bên dưới nói: “Thử kiến thọ tức A Di Đà chi quả đức dã. Dĩ thử huống bỉ danh văn đắc nhẫn ích di trước minh dã”. Mấy câu này nói ra tổng kết ở bên dưới. Đại ý nói rằng thấy cây chính là thấy quả đức của Phật A Di Đà. Tu nhân chứng quả, hiển hiện sự viên mãn ở nơi cây đại thọ này. Đại thọ này được ví như phòng triển lãm. Đức Di Đà từ sơ phát tâm, phát nguyện như thế nào, tu hành ra sao và thành tựu như thế nào, ở trong phòng triển lãm này không thiếu thứ gì, đều nhìn thấy hết. “Ích di trước minh” là cực kỳ rõ ràng, vô cùng rõ rệt. Thấy rõ ràng, nghe rõ ràng. Trong tâm minh bạch cũng chính là đã giác ngộ.

Tóm lại “danh hiệu dữ thọ giai thị quả địa đại giác diệu đức chi sở hiện. Giai thị viên viên quả hải viên dung cụ đức”. Không những là cây, cây là đưa ra một ví dụ. Một cọng cây ngọn cỏ, một sợi lông hạt bụi. Trong kinh nói một sợi lông là vật nhỏ nhất trong chánh báo. Sợi lông trên thân chúng ta là vật nhỏ nhất của chánh báo. Một hạt bụi là vật nhỏ nhất trong y báo, vật nhỏ nhất trong hoàn cảnh vật chất đều là diệu đức của Phật A Di Đà hiện ra. Đều là quả hải viên dung cụ đức của Phật A Di Đà. Hoàng Niệm Tổ tiếp tục nói với chúng ta:“giai thị thanh tịnh cú”. “Thanh tịnh cú” chính là “Chân thật trí tuệ vô vi pháp thân”. Đây là nói tự tánh, nói về thường tịch quang. Tánh đức dùng trí huệ để tượng trưng. Nghĩa là tất cả chúng sanh vốn tự đầy đủ trí huệ đức tướng của Như Lai, câu này bao gồm hết tất cả.

/ 600