/ 600
437

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 360

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 04.04.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 426 hàng thứ ba.

Trong Tiên Chú nói về phiền não: “Não, tâm sở danh. Tiểu phiền não địa pháp chi nhất”. Tiểu phiền não có mười loại. Vì sao gọi là tiểu tuỳ phiền não? Vì mười phiền não này mỗi loại khởi khác nhau, phạm vi của nó không lớn, không như trung tuỳ. Trung tuỳ bao trùm cả những điều bất thiện, đều có. Đại tuỳ nhiễm hết tất cả tâm, nghĩa là tám thức 51 tâm sở. Chúng ta xem mười tiểu tuỳ trước, đây là y theo thứ tự của pháp số.

Thứ nhất là phẫn, chúng ta thường nói phẫn nộ. Thứ hai là hận, tánh nghiêm trọng của nó gần giống với tướng. Thứ ba là não, chúng ta thường nói, hận một ai đó, não một người nào đó. Có khi não và hận đi liền với nhau, có khi phẫn hận đi liền với nhau. Phú là che đậy, mình đã làm điều bất thiện nhưng lại cố gắng che giấu, không để người khác biết được gọi là phú. Thứ năm là cuống, cuống là cuồng vọng, cũng có nghĩa là lừa gạt. Thứ sáu là xiểm, chúng ta thông thường gọi là xu nịnh. Thứ bảy là kiêu, kiêu mạn. Thứ tám là hại, hoặc là có ý, hoặc là vô ý làm tổn hại người khác. Thứ chín là tật đố. Thứ mười là san lận, Mình có nhưng không đành lòng cho người khác. Nó với tham thường nói liên kết với nhau, gọi là san tham. Tham là tham cầu, không đạt được thì hy vọng đạt được, đạt được rồi thì không nỡ giúp người khác. Những thứ này gọi là tiểu tuỳ phiền não.

Đừng tưởng rằng nó là tiểu tuỳ nên coi thường. Thật ra chướng ngại của nó rất lớn. Khi lâm mạng chung, nếu những phiền não này khởi hiện hành, thì niệm Phật cũng không thể vãng sanh. Nên trong sinh hoạt hằng ngày rất dễ đụng chạm những thứ này. Tốt nhất thì trong cuộc sống hằng ngày, phải cẩn thận chế phục nó. Khi những phiền não này khởi lên, dùng một câu Phật hiệu để thay thế. Như cổ nhân thường nói, không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm, giác ngộ phải nhanh.

Tịnh tông, giác ngộ chính là khởi câu Phật hiệu, đây là chánh giác của Tịnh độ tông. Trên thực tế đây là nói đến 26 tâm sở phiền não, thiện tâm sở cũng như vậy, bất luận là ý niệm thiện hay là ác khởi lên, đều dùng câu Phật hiệu này để chế phục nó, đây là bình thường huấn luyện. Ngạn ngữ có câu: “luyện binh ngàn ngày dùng ở một lúc”. Bình thường nếu không luyện, thì khi lâm mạng chung không nắm chắc, có thiện hữu trợ niệm cũng không đáng tin cậy. Thiện hữu trợ niệm thì người này bình thường cũng phải có công phu, thật sự chế phục được phiền não, như vậy mới quyết định được vãng sanh. Thật sự cầu sanh Tịnh độ thì đối với điều này không thể không coi trọng, không thể không lưu tam. Lâm chung đi theo phiền não, thì thật là phiền phức. Đó gọi là gì? Là tuỳ nghiệp lưu chuyển, tự mình không làm chủ, nên luân lạc trong lục đạo.

Thiện niệm, đó là thiện tâm sở. Khi lâm chung mà thiện tâm sở xuất hiện, thì vào trong ba đường lành. Phiền não tâm sở khởi hiện hành, chính là vào trong ba đường ác nên đây là việc rất phiền phức. Từ vô thỉ kiếp đến nay chúng ta ở trong lục đạo nên tập khí phiền não này thâm căn cố đế. Cảnh giới bên ngoài thường gọi là cảnh giới phong động. Lấy cảnh giới ví như gió, tâm ví như nước. Gió vừa động, nước liền bị thổi mà nổi gợn sóng. Tâm sở bất thiện, gợn sóng này chính là 26 loại tâm sở phiền não, chắc chắn cùng khởi lên với căn bản phiền não, nên gọi nó là tuỳ phiền não. Nó tuỳ theo căn bản phiền não mà khởi tác dụng. Những điều này dùng thuật ngữ hiện nay để nói, thì điều này thuộc hiện tượng tâm lý. Pháp tướng duy thức có thể nói là tâm lý học Phật giáo, nói rất thấu triệt và tường tận. Khoa tâm lý học trong trường đại học nghiên cứu không bằng những điều pháp tướng tông nói. Pháp tướng nói tỷ mỷ rõ ràng.

Trung tuỳ phiền não có hai loại. “Biến bất thiện cố”, tất cả bất thiện nhất định có nó. Thứ nhất gọi là vô tàm, thứ hai là vô quý. Vô tàm, vô quý, ngạn ngữ thường nói người này không có lương tâm, lương tâm đã tuyệt diệt. Vô tàm, dùng cách nói thông thường của nhà Phật là không biết sám hối. Tạo ra mọi điều bất thiện nhưng không có tâm sám hối, đây là thuộc về vô tàm. Tục ngữ nói là không có lương tâm, có lương tâm họ sẽ biết sám hối. Tuy khống chế không được tập khí phiền não nên làm sai, nhưng sau khí làm sai họ hối hận, đó chính là tàm. Quý là dư luận chỉ trích, họ không chịu nổi trách cứ của người khác, đây là vô quý.

/ 600