Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 358
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 03.04.2011
Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 425 giữa hàng thứ hai. Bắt đầu xem từ câu “ai giả bi ai”. Đây là kinh văn “thanh sướng ai lượng”. Chú giải của Hoàng Niệm Tổ.
“Ai giả bi ai, văn giả năng sanh đại từ bi cố. Lượng giả minh lượng, hưởng lượng, hựu vi thâu triệt hiển lộ. Do năng khai phát trí huệ minh cố”.
Đây đều là nói gió thổi cành lá của cây báu, diễn ra vô lượng âm thanh diệu pháp. Tất cả đều là miêu ta điều này. Cây báu thực sự giống như chuông gió vậy, âm thanh còn thanh thoát tuyệt diệu hơn nhiều, hơn nữa trong âm thanh còn thuyết pháp, phảng phất giống như ca kịch vậy, khiến người nghe khởi tâm đại bi. Tâm đại bi là tánh đức. Từ câu này khiến chúng ta nghĩ đến, trong âm thanh chắc chắn tiết lộ tình huống của lục đạo chúng sanh trong quốc độ của mười phương Chư Phật. Lục đạo khổ, tam đồ càng khổ. Như vậy dẫn dắt người nghe, người nghe là Bồ Tát ở thế giới tây phương Cực Lạc. Chủ yếu là đối với Bồ Tát trong cõi đồng cư mà nói, làm khởi dậy tâm lân mẫn, tâm đại bi của những vị Bồ Tát này.
Lượng là sáng chói. Chẳng những khởi tâm đại bi, mà trí huệ và tâm đại bi đồng thời sanh khởi. Đây chính là nhân duyên khai phát trí tuệ.
“Vi diệu hoà nhã”. Bên dưới giải thích, “vi giả vi mật, kỳ âm vi mật như phạm hưởng cố”. Phạm hưởng này chính là âm nhạc của Phạm thiên, âm nhạc của chư thiên cõi đại phạm. “Diệu giả diệu thiện. Kỳ hỷ diệu thiện tợ loan thanh cố”. Người xưa thường nói loan phụng hoà minh. Đây là tán thán khen ngợi tiếng kêu của chim Phụng hoàng. “Hoà giả điều hoà, âm vận khắc điều, cung thương hoà cố”. Đều là tán thán âm thanh mỹ miều. “Nhã giả nhã chánh. Kỳ âm nhã chánh, thuận Phật pháp cố”. Cũng chính là những thứ mà người trong thời cổ đại đều có. Dùng cách nói như hiện nay là biểu diễn văn nghệ. Thi ca, âm nhạc, vũ đạo, hý kịch, thậm chí là tạp kỷ, kịch nói. Đều phải tuân thủ một nguyên tắc, nguyên tắc này chính là điều Khổng Tử nói trong Luận Ngữ “vô tư tà”, khiến người nghe, người thưởng thức không có tư duy hay ý niệm tà nguỵ. Đây là những văn nghệ biểu diễn phổ biến trong xã hội mấy ngàn năm nay, nhất định phải tuân thủ. Nên gọi là nhã chánh_đoan chánh. Như vậy đặc tính của xã hội mới tốt được. Âm nhạc không chỉ dùng để giải trí, mà trong đó còn có giáo dục, ngụ ý giáo dục trong âm nhạc. Trung quốc mấy ngàn năm, xã hội có nền trị an lâu dài. Nền giáo dục phát sanh tác dụng chủ đạo, vì cả văn nhã và thô tục đều cùng thưởng thức. Trung quốc thời xưa không có nhiều trường học, cũng không có nhiều thầy giáo. Số nghệ nhân biểu diễn này giúp nếp sống của quốc gia, xã hội đoan chánh hơn. Đích thực đã tích được vô lượng công đức, đã làm được rất nhiều việc tốt.
Hiện nay xã hội điên đảo. Duy chỉ sợ quý vị không có tư duy tà vạy, để quý vị nhìn thấy biểu diễn nghệ thuật này, sanh khởi điều gì? Sanh khởi tham sân si mạn, sanh khởi thất tình lục dục. Nó khiến chúng ta sanh khởi những điều này. Vì thế xã hội mới loạn. Vì sao xã hội ngày xưa quá tốt, còn hiện nay lại loạn như vậy? Hết thảy đều là do giáo dục. Giáo dục ở thế giới tây phương Cực Lạc có những biểu diễn văn nghệ này chăng? Có. Bản thân thế giới Cực Lạc không có, chỉ có chư thiên cúng dường. Như chúng ta thấy tranh tường của người xưa. Tranh tường ở Đôn Hoàng vẽ kiểu này rất nhiều.
Đức Thế Tôn ở đó thuyết pháp dạy học, giữa không trung có chư thiên múa hát để cúng dường. Cúng dường Đức Thế Tôn, cúng dường đại chúng và cúng dường đạo tràng. Nên chúng ta tin rằng thế giới tây phương Cực Lạc nhất định có. Ngoài điều này ra thì bản thân thế giới Cực Lạc, quý vị xem gió thổi cành lá của cây có thể phát ra âm thanh vi diệu. Những âm thanh này và pháp mà Như Lai nói hoàn toàn tương ưng. Dùng phương thức âm nhạc để diễn đạt. Điều này ở sau nhất định sẽ nói đến. Đây đều là bổn nguyện công đức của Di Đà Như Lai thành tựu. Thật không thể nghĩ bàn.
“Thượng thuật âm thanh chi đức, phi đãn ư thiên trung tối vi thù thắng”. Thiên ở đây là chư thiên. Dục giới thiên, sắc giới thiên. “Diệc ư thập phương thế giới trung tối vi đệ nhất”. Trong mười phương thế giới cũng không sánh được sự thù thắng của thế giới Cực Lạc. “Cố vân, thập phương thế giới âm thanh chi trung, tối vi đệ nhất”. Thế giới này của chúng ta là nhân công chế tạo, chuông gió, đem chuông gió treo lên, khi gió thổi tiếng nhạc của chuông gió nghe rất êm tai, nhưng nó không thể thuyết pháp, chư thiên tán thán là thiện pháp, nhưng pháp đó không thể khiến quý vị minh tâm kiến tánh, không thể giúp chúng ta khai ngộ. Nhưng âm thanh ở thế giới Cực Lạc đã êm tai, lại còn có thể giúp chúng ta khai trí huệ. Điều này rất khó có được.