/ 600
587

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 357

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 03.04.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 424, hàng thứ năm.

Kinh văn: “Vi phong từ động, xuy chư chi diệp, diễn xuất vô lượng, diệu pháp âm thanh, kỳ thanh lưu bố, biến chư Phật quốc. Thanh sướng ai lượng, vi diệu hoà nhã, thập phương thế giới, âm thanh chi trung, tối vi đệ nhất”.

Đoạn kinh này nói, âm thanh của cây có lợi ích chúng sanh. Chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm Tổ. “Hữu hiển thọ năng diễn thuyết diệu pháp, bất khả tư nghị chi ích”. Ích chính là lợi ích. Giải thích nghĩa diệu pháp trước. “Diệu pháp giả, đệ nhất tối thắng bất khả tư nghị chi pháp. Pháp Hoa Huyền Nghĩa Tự viết, diệu giả, bao mỹ bất khả tư nghì chi pháp dã. Phong xuy bảo thọ chi diệp, sở phát âm thanh, diễn thuyết bất khả xưng lượng chi vi diệu pháp âm. Cố vân diễn xuất vô lượng diệu pháp âm thanh”. Chúng ta xem đoạn này. Pháp:trong quá trình dạy học của Đức Phật, pháp là đại danh từ chung. Muôn sự muôn vật trong vũ trụ, thông thường chúng ta nói là tánh tướng, lý sự, nhân quả trong vũ trụ bao gồm trong đó. Đức Phật chỉ dùng một đại danh từ chung gọi là pháp. Ngài Huệ Năng nói: “đâu ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”. Vạn pháp là tất cả pháp. Trong tất cả pháp này, thực sự có bất khả tư nghì, nên gọi là diệu. Đệ nhất tối thắng là pháp nào? Phải “khắc thực nhi luận”, nghĩa là nói đúng với sự thật, không có pháp nào chẳng phải là diệu pháp, mỗi pháp đều là diệu pháp. Vì sao vậy? Bởi pháp pháp đều là bình đẳng.

Trong kinh Kim Cang có dạy: “các pháp bình đẳng không có cao thấp”. Như vậy thì pháp nào không vi diệu? Đều là đệ nhất, đều là tối thắng, đều là không thể nghĩ bàn. Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, pháp môn nào cũng có thể thành vô thượng đạo, pháp môn nào cũng có thể giúp chúng sanh minh tâm kiến tánh, nên không có pháp nào chẳng vi diệu. Cũng giống như thuốc vậy, quý vị đến tiệm thuốc, chúng ta dùng thuốc bắc để ví dụ. Dược liệu rất nhiều, phẩm loại vô số. Mỗi loại thuốc đều có thể trị bệnh, chỉ cần trị lành bệnh thì gọi đó là diệu pháp.

Chúng sanh có tám vạn bốn ngàn bệnh, Đức Phật có tám vạn bốn ngàn loại thuốc. Phật pháp chính là dược liệu để trị bệnh cho chúng sanh. Nhưng thuốc này phải trị đúng bệnh mới có thể hết bệnh. Nếu dùng sai không những không hết bệnh, mà bệnh càng thêm nặng, như vậy là không hay. Nên khái niệm về chữ “diệu” này chúng ta cũng có, có khái niệm và nhận thức chính xác về diệu pháp. Trong tất cả các bệnh, có một loại thuốc, là loại thuốc bình thường, nhưng bệnh gì cũng đều có thể trị được, không đúng bệnh cũng không sao, cũng không có hại. Thuốc này là vi diệu trong vi diệu. Tục ngữ có câu “vạn linh cao, vạn ứng cao”, nó không có tác dụng phụ. Trong Phật pháp cũng có một loại pháp rất đặc thù, diệu pháp này chính là niệm Phật. Bất luận là bệnh tật gì, thì niệm Phật chắc chắn không sai, chắc chắn không có tác dụng phụ, đối với quý vị chỉ cần có lợi không có hại. Như vậy chúng ta biết, ở đây nói về vô lượng diệu pháp chính là nói pháp môn niệm Phật.

Nói rộng ra, là giáo pháp của Chư Phật Bồ Tát đối với tất cả chúng sanh, cũng là chỉ cho việc dạy học. Nội dung, lý luận và phương pháp dạy học, tất cả đều nằm trong một chữ pháp này. Nên ở đây có cách nói đơn giản nhất là đệ nhất tối thắng bất khả tư nghì. Chúng ta nhìn thấy câu này sẽ nghĩ đến câu, phát tâm bồ đề một lòng chuyên niệm.

Ngày nay xã hội động loạn, động loạn quá mức. Phải nói như thế nào đây? Hoàn toàn “thoát tự”. Tự là thứ lớp, nghĩa là hoàn toàn không tuân theo thứ lớp, rất loạn. Tại sao không tuân theo thứ lớp? Vì không có người dạy. Trong xã hội ngày nay cũng không có ai dám dạy. Nên xã hội động loạn, chúng sanh thật đáng thương. Quả báo họ chiêu cảm được chính là đại thiên tai. Vì nhân tâm không có thứ tự, trái với luân thường đạo đức nhân quả. Hành vi của chúng ta cũng không có thứ lớp, chiêu cảm nên đại tự nhiên cũng không tuân theo thứ tự, bốn mùa xuân hạ thu đông không bình thường, nên tất cả thiên tai đều bộc phát. Núi không giống núi, biển không giống biển. Núi thì lún thấp xuống, còn biển thì nhô lên. Đây chính là thoát tự_không có trật tự. Tất cả những nguyên nhân rời xa trật tự. Điều này trong kinh điển đại thừa nói rất rõ, trong đại thừa kinh điển nói: “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, câu nói này rất quan trọng. Trong tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh, tâm thiện lương, tất cả đều phù hợp với thứ tự, không học cũng phù hợp, thật tuyệt diệu! Nếu tâm không bình thường, đã bị nhiễm ô, bây giờ là nhiễm ô nghiêm trọng. Cái gì là nhiễm ô? Tự tư tự lợi là nhiễm ô. Chư vị cần biết, trong tự tánh thanh tịnh không có tự tư tự lợi, không tìm thấy, cũng không có danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, thất tình lục dục, tham sân si mạn đều không có.

/ 600