/ 600
586

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 356

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 02.04.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 422, hàng thứ hai đếm từ dưới lên. Bắt đầu xem từ câu “phục hữu hạ”.

“Hiển thọ thượng chi trang nghiêm. Vãng Sanh Luận kệ ngôn, vô lượng bảo giao lạc, la võng biến hư không. Chủng chủng linh phát hưởng, tuyên thổ diệu pháp. Chánh dữ thử xứ kinh văn tương ưng”. Vãng Sanh Luận là một bài báo cáo về tu học tịnh độ vãng sanh thế giới Cực Lạc của Thiên Thân Bồ Tát. Ngài chia sẻ với chúng ta về vãng sanh thế giới Cực Lạc mà mỗi người thật sự mong cầu. Đưa ra kinh nghiệm tu học và kinh nghiệm thành công của ngài để chúng ta tham khảo. Trong bài luận nói đến cây báu trang nghiêm. Có một bài kệ “Vô lượng bảo giao lạc”, mà ở trước chúng ta đã học qua. Rất nhiều trân bảo ở thế gian này chúng ta chưa từng thấy, cũng chưa từng nghe qua. Nên Đức Phật không cần nói tỷ mỷ từng cái một, chỉ nói những thứ trên thế gian chúng ta có, nó tương tự với thế giới Cực Lạc, nhưng thực chất thì không thể so sánh được, để chúng ta có thể lãnh hội được một cách khái lược.

“La võng biến hư không”. Trong các cung điện ngày xưa thường nhìn thấy la võng_màn rèm, bây giờ không nhiều. Những cung điện mới kiến lập ở Trung Quốc, tuy nguy nga tráng lệ nhưng không nhìn thấy la võng. Hiện tại vẫn còn tràng phan nhưng không có la võng_màn rèm. Trong cung điện thời xưa có. Trong viện bảo tàng Cố Cung, trong đây có la võng. Ở Nhật Bản phần nhiều các tự viện và các cung điện trên 1000 năm đều có. Tôi từng đi Nhật Bản sáu lần và đã thấy la võng. Tác dụng của la võng là bảo hộ cây xà nhà. Cây xà nhà đều là nghệ thuật, đều là hội hoạ, sợ chim chóc làm tổ trên đó, nên dùng la võng để phòng ngừa chúng. Đồng thời cũng phòng ngựa người sờ lên hiện vật. Nên những tác phẩm nghệ thuật cổ này chúng ta đều có thể nhìn thấy.

La võng ở thế giới Cực Lạc là ở trên cây báu, mành lưới này che đậy cây báu, làm trang sức cho cây báu. Điểm nối kết của sợi dây này với sợi dây kia của mành lưới có cái chuông, chuông báu. Khi chuông chấn động có âm thanh. Khi gió thổi cũng có âm thanh, nó phát ra âm thanh. Tất cả âm thanh ở thế giới Cực Lạc đều biết nói pháp. Điều này thật quá vi diệu! Chúng ta ở thế gian này nghe pháp không dễ, đặc biệt là ở thời hiện đại này, người thuyết pháp rất ít, ngày càng ít. Vì thuyết pháp, chúng ta là phàm phu, đích thực có nhiều điều bất tiện. Thực tế mà nói, đối với kinh điển mà không có người chỉ điểm, chúng ta xem không dễ gì hiểu được. Chỉ có một phương pháp, dùng tâm chân thành thanh tịnh để đọc tụng. Khi đọc tụng nên nhớ đến nguyên tắc trong Khởi Tín Luận, là không chấp trước tướng văn tự, không chấp trước tướng danh tự, không chấp trước tướng tâm duyên. Rời ba tướng này khi đọc kinh, trải qua thời gian lâu như vậy sẽ được định. Đây là một phương pháp tu định, dùng cách đọc tụng kinh để tu định. Vì khi đọc kinh, tất cả vọng niệm đều buông bỏ hết, đó chính là tu định, trong tâm không có vọng tưởng, cũng không nghĩ đến nghĩa lý trong kinh. Nghĩ đến nghĩa lý trong kinh, như vậy không phải tu định, đó là sai lầm. Ý nghĩa trong kinh chúng ta không hiểu, nên đừng nghĩ. Sau khi được định, trí huệ khai mở thì tự nhiên sẽ thấu triệt. Nhà Phật dùng phương pháp này, khiến chúng ta thấu triệt được nghĩa lý chân thật của Như Lai. Như bài kệ khai kinh nói: “nguyện hiểu Như Lai chân thật nghĩa”. Phương pháp này có thể dùng tâm chân thành để cầu tương ứng. Nếu có hoài nghi, có xen lẫn tạp niệm, như vậy nó sẽ phá hoại hết công phu đọc tụng kinh điển, nên không thể có hoài nghi, không thể có xen tạp, nhất tâm chuyên niệm. Như vậy mới có công đức chân thật, mới có thể lãnh hội được pháp âm vi diệu.

Chúng ta biết những người vãng sanh đến thế giới tây phương Cực Lạc. Trong tứ độ, ba độ trước chúng ta không cần nói đến. Vì sao vậy? Bởi đó đều là người có bản lĩnh thật sự. Chúng ta cần bàn là cõi phàm thánh đồng cư, trình độ của họ với chúng ta tương đương, đều là phàm phu vãng sanh. Nhưng sanh đến thế giới Cực Lạc, được oai thần bổn nguyện công đức của Phật A Di Đà gia trì, quan sát về mặt hình thức thì hầu như họ không khác gì pháp thân Bồ Tát, nhưng trên thực tế thì họ chưa đoạn tập khí phiền não, vẫn còn mang tập khí phiền não. Nên Đức Thế Tôn giới thiệu thế giới tây phương Cực Lạc, đa phần đều thiên về cõi phàm thánh đồng cư. Rất nhiều điều đều vì những người mới vãng sanh, vãng sanh không lâu đến cõi phàm thánh đồng cư, đều vì những người này mà nói. Họ mang theo tập khí của lục đạo và mười pháp giới, đem theo cũng không sao, đến đó từ từ sẽ nhạt dần và thanh tịnh bình đẳng giác sẽ hiện tiền.

/ 600