/ 600
674

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 355

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 01.04.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 418 hàng thứ hai đếm từ dưới lên. Bắt đầu xem từ câu hựu cứ Vãng Sanh Luận.

“Hựu cứ Vãng Sanh Luận, tắc thử bảo thọ hiển quốc độ trang nghiêm trung, chủng chủng sự công đức thành tựu. Luận viết, bị chư trân bảo tánh, cụ túc diệu trang nghiêm. Thọ thị diệu bảo sở thành, thị tức bị chư trân bảo tánh chi thiển nghĩa. Thậm ngôn chi, cái hiển Di Đà chi tánh đức. Nhất thiết diệu bảo giai Di Đà tánh đức sở bổn cụ. Nhất nhất bảo trung, bị cụ nhất thiết trân bảo chi diệu đức”. Hôm qua chúng ta học đến đoạn này.

Nói sâu hơn chính là hiển thị tánh đức của Phật Di Đà. Tất cả diệu bảo trong tánh đức Phật Di Đà vốn đầy đủ. Trong mỗi diệu bảo đương nhiên cũng đầy đủ diệu đức của tất cả trân bảo. Câu này chúng ta cần phải ghi nhớ. Trong kinh Hoa Nghiêm nói: “một tức là tất cả, tất cả tức là một”. Tự tánh không có lớn nhỏ, không có trong ngoài, không có rộng hẹp, nó là viên mãn, nó là cứu cánh. Một điểm nhỏ như một sợi lông, hạt bụi đều viên mãn cụ túc, là diệu đức của muôn sự muôn trong hư không pháp giới. Điều này trong kinh Pháp Hoa có nói. Ở thế giới tây phương Cực Lạc, trong mỗi loại bảo đương nhiên đầy đủ diệu đức của tất cả các bảo khác. Quay đầu nhìn lại thế giới này của chúng ta, thế giới này của chúng ta có như vậy chăng? Đúng. Hoàn toàn chính xác, không ngoại lệ.

Một sợi lông một hạt bụi trong thế giới này của chúng ta. Mao là sợi lông trên thân. Đây là ví dụ vật nhỏ nhất trong chánh báo. Trần là vi trần, vật nhỏ nhất trong y báo. Nhất mao nhất trần này có đầy đủ diệu đức của tất cả vạn pháp trong biến pháp giới hư không giới chăng? Đầy đủ. Vì sao chúng ta không biết? Thực tế chúng ta đã bị mê mất tự tánh. Không phải nó không có, nó có, nó có nhưng không khởi tác dụng, không khởi tác dụng chỉ là tạm thời. Khi mê nó không khởi tác dụng, nhưng giác ngộ sẽ khởi tác dụng. Chư Phật Bồ Tát đã giác ngộ, nên nó khởi tác dụng. Nó khởi tác dụng thì như ở đây Đức Thế Tôn giới thiệu về thế giới Cực Lạc vậy, không có gì sai khác.

Đức Phật dạy: “ trú tâm nhất xứ vô sự bất biện”. Ngài lại nói cảnh tuỳ tâm chuyển. Trong kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ ràng, muôn sự muôn vật trong vũ trụ, lớn như vũ trụ, Phật pháp gọi là pháp giới, nhỏ thì như trần, nó là nhất thể. Mỗi thứ đều viên mãn đầy đủ tất cả đức, mỗi thứ đều viên mãn đầy đủ tất cả diệu. Cảnh giới này trong kinh Hoa Nghiêm gọi là cảnh giới giải thoát không thể nghĩ bàn. Giải thoát là đại tự tại. Ai chứng được? Bồ Tát Phổ Hiền chứng được.

Phẩm cuối cùng trong Kinh Hoa Nghiêm, phiên dịch vào niên đại Trinh Nguyên. Chúng ta gọi là Tứ Thập Hoa Nghiêm, 40 quyển Hoa Nghiêm, là phẩm cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm. Tựa đề của phẩm này là Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới, Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm. Phổ Hiền Bồ Tát hạnh nguyện là năng nhập, cảnh giới bất tư nghị là sở nhập. Như vậy ở đây chúng ta đã hiểu, 48 nguyện của Phật A Di Đà là năng nhập, năng hiển. Thế giới Cực Lạc không phải cảnh giới giải thoát bất khả tư nghị, là sở hiển sở nhập.

Mười nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát là nói lược, chỉ nói mười điều. 48 nguyện của Phật A Di Đà là nói tường tận, hai cái này là một không phải hai, Phật A Di Đà nói vi tế hơn. Tất cả cảnh giới đều là cảnh giới giải thoát bất tư nghì, không có ngoại lệ. Vấn đề là chúng ta không biết, chúng ta là hạng độn căn, chậm chạp, hầu như là bị tê liệt rồi. Xem kinh thì không hiểu, xem không hiểu nên không muốn xem. Nghe kinh không hiểu nên không muốn nghe. Nhưng lại thích suy nghĩ này nọ, từ chỗ suy nghĩ bậy bạ này, xem ra thì hình như họ không ngu ngốc không chậm chạp. Đây chính là ngạn ngữ nói, dùng tâm bị sai, chúng ta dùng tâm sai, dùng tâm không chánh, dùng tâm lệch lạc, dùng tâm tà nguỵ. Lệch lạc nên đi đến nhị thừa, lệch lạc đến mười pháp giới. Nếu dùng tâm tà nguỵ thì rất phiền phức, dùng tâm tà sẽ đi vào trong tam đồ, sẽ đi vào trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Tà thật đáng sợ, đáng sợ hơn cả lệch lạc.

Như thế nào để dùng tâm cho chánh, dùng cho viên mãn, dùng cho vi diệu. Đó là cảnh giới chư Phật Bồ Tát, nên chư Phật Bồ Tát với phàm phu chúng ta có gì sai biệt? Tôi nói với chư vị, chính là các ngài biết dùng tâm, còn chúng ta không biết dùng tâm. Ngoài điều này ra đích thực tìm không ra điều sai biệt. Biết dùng tâm thì hiển thị ra cõi thật báo trang nghiêm, điều này trong kinh đã nói như vậy. Trong xã hội này, mọi người dùng tâm, không những lệch lạc mà còn tà nguỵ, lệch lạc tà nguỵ đến tột cùng, như vậy quả báo sẽ không tốt.

/ 600