Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 347
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Liên Hải
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 28.03.2011
Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 402, hàng thứ ba đếm từ dưới lên. Bắt đầu từ đoạn “thứ chánh hiển Di Đà độc thắng chi nhân”.
“Thượng phẩm vân: thanh tịnh trang nghiêm, siêu du thập phương. Kim phẩm hựu viết: thập phương chư Phật sở bất năng cập. Hạ phục vân: quang trung cực tôn, Phật trung chi vương. Ư bình đẳng pháp trung, nhi hựu hữu như thị sai biệt giả. Cái do ư tiền thế cầu đạo chi bổn nguyện bất đồng dã.”
Kinh văn ở tiết này, một nửa phần sau là giải thích cho chúng ta, vì sao Phật A Di Đà độc thắng chư Phật Như Lai. Phần trước trong phẩm thứ 11 có “thanh tịnh trang nghiêm, siêu du thập phương”, nói về Thế Giới Tây Phương Cực Lạc vượt qua mười phương thế giới của tất cả chư Phật Như Lai. Phẩm này lại nói đến “mười phương chư Phật đều không sánh bằng”, đều không thể so sánh được với Phật A Di Đà, ở đây tự nhiên dẫn đến việc rất nhiều người mới học Phật hoài nghi. Phật Phật đạo đồng, Bồ Tát có những sai khác, Đẳng giác Bồ Tát cũng không ngoại lệ, nhưng thành Phật chắc chắn là tương đồng, bởi vì vô thỉ vô minh ngay cả tập khí đều đã đoạn tận. Có lý gì lại không đồng? Cùng một tự tánh viên mãn như nhau, cùng một tánh đức viên mãn như nhau, đó là sự thật. Vì sao báo độ họ sở hiện lại không giống nhau?
Nói với chư vị rằng, không hiện báo độ sẽ giống, hiện báo độ rồi không giống nữa. Vì sao vậy? Vì hiện báo độ, hiện Tịnh Độ, hiện uế độ, chư Phật Như Lai và Phật A Di Đà đều không khởi tâm động niệm, đạo lý này và sự thật chúng ta nhất định phải rõ ràng. Sau khi rõ ràng rồi tự nhiên sẽ khẳng định, không còn hoài nghi. Vì sao không đồng? Nì nhân không giống nhau. Vì vậy ngày nay chúng ta tu nhân, khởi tâm động niệm, nói năng tạo tác, không thể không hiểu đạo lý này. Không hiểu đạo lý này, chúng ta liền sai rồi. Tương lai quí vị thành Phật, mười phương chúng sanh có cảm quí vị tự nhiên có ứng, nhưng sở ứng tự nhiên bất luận là pháp thân, báo thân hay ứng thân, nó tự nhiên có sai biệt. Trong phẩm kinh này gợi ý cho chúng ta rất nhiều điều, rất nhiều tin tức. Chư Phật Như Lai ở trong nhân địa đều phát đại hoằng thệ nguyện, tuy đều phát thệ nguyện, trong thệ nguyện này tự nhiên là “đại đồng tiểu dị”, tiểu dị là có sai biệt. Nên ở đây chúng ta nhìn thấy Phật A Di Đà đích thực là trang nghiêm thù thắng không thể sánh. Đây đều là do tiền thế cầu đạo, lúc mới học Phật với thân Tỳ kheo, trong giai đoạn tu hành chứng quả là thân Bồ Tát. Trong giai đoạn này bổn nguyện không tương đồng, Phật A Di Đà có 48 nguyện, chư Phật Như Lai khác tại nhân địa, chưa nghe nói có phát 48 nguyện. Cho rằng có đại nguyện, chúng ta đem những đại nguyện này ra để trước mặt mà so sánh, không giống nhau. Đại nguyện thứ 13 của Phật Di Đà viết:
“lúc tôi làm Phật, quang minh vô lượng, chiếu khắp mười phương, hơn hẳn chư Phật, hơn cả ánh sánh nhật nguyện ngàn vạn ức lần.” Đây là nguyện phát tại nhân địa.
Nơi quang minh phổ chiếu, cũng chính là nơi có Phật để gia trì cho tất cả chúng sanh. Hơn nữa Ngài nguyện siêu việt chư Phật Như Lai, sáng hơn nhật nguyệt cả ngàn vạn ức lần. Ngài thành Phật rồi, thành Phật không có hiện tượng này, do ứng với cảm của tất cả chúng sanh mà hiện tượng xuất hiện, chúng sanh có cảm, Phật Di Đà có ứng, từ ứng này mà hiển thị đại nguyện đã phát trong nhân địa, nguyện nguyện đều thực hiện. “Vì vậy, đến lúc làm Phật, các nguyện tự đắc”. Nguyện của mỗi người phát trong nhân địa, đến khi thành Phật, trong mười pháp giới ứng với cảm của chúng sanh, hiện tướng sẽ không giống nhau.
Chúng ta quan sát tỉ mỉ những nguyện Di Đà phát trong nhân và chư Phật khác thực sự không giống nhau. Nguyện của Ngài có thể nói là quá viên mãn, không có khiếm khuyết, Ngài quan tâm đến mọi phương diện, cho nên trong lúc ứng hóa, thí dụ như Thế giới Cực Lạc cõi thật báo trang nghiêm, là pháp thân Bồ Tát sở cảm, Di Đà tự nhiên ứng hiện. Cõi Phương Tiện Hữu Dư là mười phương thế giới chư Phật, tứ thánh pháp giới chúng sanh sở cảm. Cõi Phàm Thánh Đồng Cư là mười phương thế giới, lục đạo chúng sanh sở cảm. Chúng sanh có cảm, Di Đà liền có ứng hiện. Cảm ứng đạo giao bất khả tư nghì.