/ 600
580

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 348

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 28.03.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 404, bắt đầu xem hàng thứ hai từ đếm dưới lên. Từ Vô biên quang Phật.

Bài kệ tán thán A Di Đà Phật rằng:

Giải thoát quang luân vô hạn tề,

Cố Phật hựu hiệu vô biên quang.

Mông quang xúc giả li hữu vô

Thị cố khể thủ bình đẳng giác.”

Đây cũng là kệ tụng tán thán của pháp sư Đàm Loan, bài tán này của Sư Đàm Loan hơn hẳn các sư khác. Trong những vị tổ sư của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chú giải, pháp sư Đàm Loan là chú rất hay.

Nghĩa Tịch giải “vô biên” là: vô biên không ngằn mé. Tịnh Ảnh nói: rộng lớn, đều không viên diệu bằng sư Đàm Loan, sư Đàm Loan dùng “giải thoát quang” để chú giải về “vô biên quang”. Giải thoát là một trong ba đức của Niết Bàn. Ba đức của Niết bàn là pháp thân, bát nhã, giải thoát. Đây chính là ba đức của tự tánh, giải thoát chính là đại tự tại.

“Cũng gọi nó là luân”, giải thoát quang luân, Ngài dùng là “luân”. Nghĩa của luân dùng rất hay, “luân” nghĩa là tròn đầy, viên mãn cụ túc, thể hiện đức giải thoát viên mãn đầy đủ.

“Vô hạn tề”, nghĩa là lìa tất cả giới hạn và tề đồng. Tất cả giới hạn đều bị phá vỡ, cũng không có pháp nào tương đồng với nó. Hiển thị nó siêu việt thù thắng không thể so sánh.

“Ly hữu vô” là lìa nhị biên có và không, lìa tất cả biên kiến, thong dong trung đạo. Trong ngoài đều lìa, cứu cánh giải thoát, đó là nghĩa của vô biên. Cũng chính là ý nghiệp bình đẳng rốt ráo trong luận chú vậy. Ý nghĩa của chú giải này đều rất hay, cũng cung cấp cho chúng ta một số gợi ý trong quá trình tu học.

Giải thoát đó là tự tại. Vì sao chúng ta không thể giải thoát? Chính là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Trong kinh giáo Đại Thừa Phật thường nói với chúng ta, quả nhiên thực sự buông bỏ những chấp trước đối với tất cả pháp thế gian xuất thế gian, quí vị sẽ giải thoát khỏi luân hồi lục đạo. Vì sao vậy? Vì chấp trước là nhân của luân hồi. Buông chấp trước rồi, quả báo luân hồi sẽ không thấy nữa, không còn tìm thấy luân hồi nữa. Cho nên luân hồi không phải là thật, tức là lục đạo không phải thật. Lục đạo là một giấc mộng, ác mộng. Chứng Đạo Ca của Vĩnh Gia đại sư nói rất hay:

Mộng lý minh minh hữu lục thú,

Giác hậu không không vô đại thiên.

Trong mộng là mê, mê tức hữu tình, nên gọi là mê tình, tình chấp, tức là chấp trước. Những thứ này phải buông xuống. Vì sao không thể buông xuống? Vì không biết đây là mộng. Trong mộng cho rằng cảnh mộng là chân thật, nên trong mộng cũng tạo nghiệp. Nếu như biết đây là đang trong mộng, mộng không phải là thật, họ sẽ tự tại trong mộng, họ sẽ không bị hạn chế. Vì sao vậy? Vì họ biết là giả. Trong mơ có thể tùy thuận tất cả cảnh giới, thuận cảnh nghịch cảnh, thiện duyên ác duyên đều có thể tự tại tùy thuận. Vì sao vậy? Vì là giả, có phải thật đâu. Không còn chấp trước, phân biệt nữa. Nhưng lúc đang mơ ai biết mình đang nằm mơ? Người biết được bản thân đang nằm mơ, thì dường như đã khai ngộ rồi, hiểu rõ rồi, tuy chưa tỉnh giấc nhưng ở trong mơ vẫn tự tại. Trên thực tế tình trạng con người chúng ta cũng giống như nằm mơ vậy, nhất định chớ xem thật, xem là thật là sai rồi.

Giấc mộng lục đạo tỉnh rồi, vẫn còn trong cảnh mộng, từ đó có thể biết lục đạo là mộng ở trong mộng. Quí vị xem lún sâu biết nhường nào! Giấc mộng lục đạo tỉnh rồi là cảnh giới gì? Tứ Thánh pháp giới xuất hiện. Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật, tứ thánh pháp giới này cũng là giả, cũng chẳng phải là thật. Tứ Thánh pháp giới tư đâu mà có? Do vọng tưởng phân biệt tạo thành. Nếu như chúng ta có thể đoạn trừ phân biệt, dưới Tứ Thánh pháp giới Thanh Văn Duyên giác không có nữa. Có thể buông xả những khởi tâm động niệm – đây chính là vô minh – Phật, Bồ Tát trong mười pháp giới không có nữa, mười pháp giới là giả, không phải thật. Vậy tỉnh mộng là như thế nào? Tỉnh ra rồi gọi là nhất chân pháp giới, là thật không phải giả. Thật giả phần trước chúng ta đã nói qua, giả là vô thường, thay đổi trong từng sát na. Thật là vĩnh hằng bất biến. Là cõi Thật báo trang nghiêm của Chư Phật Như Lai, cảnh giới này sẽ xuất hiện. Cảnh giới này mất thời gian rất dài quí vị mới có thể đoạn trừ triệt để tập khí vô minh từ vô thỉ. Trong đại kinh nói với chúng ta, thời gian này phải ba đại a tăng kỳ kiếp. Chẳng có phương pháp nào có thể giúp họ đoạn được, làm cho họ đoạn trừ nhanh hơn một tí cũng không được. Nó là tự nhiên, tự nhiên như vậy, thời gian lâu rồi thì không còn nữa. Trong cảnh giới này, tự nhiên cảm ứng chư Phật Bồ Tát Diệu Giác vị. Họ đến Báo độ để hiện báo thân, giáo hóa những pháp thân Bồ Tát này. Ở nơi đó giảng kinh thuyết pháp thuần túy là chân đế. Chính xác là giống như thế gian chúng ta nói trường học cao nhất, lớp tiến sĩ của nghiên cứu sở. Cảnh giới mà Như Lai và chư Bồ Tát thân chứng, chúng ta biết được trong ba lượng họ chỉ có hiện lượng, không có tỷ lượng và phi lượng. Đây gọi là đại viên mãn. Trong tự tánh pháp thân bát nhã giải thoát đều viên mãn hiện tiền. Cho nên nói là viên mãn cụ túc, tam đức bí tạng. Bất luận tác dụng của pháp thân, bát nhã hay giải thoát đều lìa tất cả giới hạn, tề đồng, pháp thân Bồ Tát không thể so sánh với họ được. Lìa có không, có không là nhị biên, cũng chính là biên kiến trong Phật Pháp thường nói.

/ 600