Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 346
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Liên Hải
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 27.03.2011
Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 398, hàng cuối cùng, chúng ta bắt đầu xem từ chỗ Tịnh Ảnh Sớ viết:
“Y pháp chánh tu, danh vi thiện lực, cực lạc chúng sanh chi công đức thiện lực quân bất khả tư nghị. Hựu trụ hạnh nghiệp địa giả, Hội Sớ viết: hạnh nghiệp chi địa giả, thị tắc Di Đà Như Lai đại nguyện, đại hạnh, đại nghiệp thành tựu chi địa dã.”
Huệ Viễn Pháp Sư đời nhà Tùy, trong lịch sử gọi ngài là Tiểu Huệ Viễn, “Tịnh Ảnh Sớ” do ngài viết. Tịnh Ảnh là tên của tự viện. Pháp sư trụ trì đạo tràng này, mọi người tôn kính ngài, không gọi thẳng danh hiệu của ngài, mà dùng tên chùa để gọi ngài, gọi ngài là Tịnh Ảnh pháp sư.
Ngài nói: “y pháp chánh tu, danh vi thiện lực”. Tất cả những người vãng sanh về Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, mỗi ngày nghe Phật giảng kinh giáo huấn, lại được Di Đà bổn nguyện oai thần gia trì. Trí huệ, thần thông, đạo lực của họ và pháp thân Bồ Tát ở cõi thật báo không hề sai khác. Đó là điểm thù thắng không thể sánh của Di Đà Tịnh Độ. Chúng ta quan sát tỉ mỉ từ trong kinh luận, Thế giới Tây Phương Cực Lạc, trên thực tế chính là một đạo tràng, Phật A Di Đà tiếp dẫn khắp pháp giới hư không giới, tất cả chúng sanh sáu cõi trong quốc độ của chư Phật, mà kiến lập nên đạo tràng này. Chỉ cần có thể tin, có thể nguyện - tức có thể phát nguyện, có thể hành nghĩa là y giáo phụng hành, thì ai ai cũng có thể vãng sanh. Sanh đến Thế giới Cực Lạc đồng nghĩa với việc vào được trường học của Phật A Di Đà. Chắc chắn không còn thoái chuyển, một đời rốt ráo thành Phật. Tốt nghiệp thành Phật, đó là điều không thể tìm thấy trong mười phương thế giới. Trái đất của chúng ta là cõi phàm thánh đồng cư của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức Thế Tôn tại thế gian này cũng dạy học. Nhưng giống như trong kinh Lăng Nghiêm nói: “tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng”. Chúng sanh muốn học thì Ngài dạy, người không muốn học thì tùy duyên. Thế giới Cực Lạc không như vậy. Thế giới Cực Lạc thì phàm đã vãng sanh đều là người đi học, chẳng có ai không chăm chỉ tu học, nên là đệ tử chân chánh của Phật A Di Đà. Thầy giáo, học sinh đều y pháp chánh tu, thành tựu thiện lực thù thắng không gì sánh bằng. Cho nên công đức thiện lực của chúng sanh ở cõi Cực lạc đều không thể nghĩ bàn. Công đức không thể nghĩ bàn, thiện lực không thể nghĩ bàn.
“Hựu trú hành nghiệp địa giả”, trong Hội Sớ nói “hạnh nghiệp địa” là gì, là địa của hạnh nghiệp, là đất do đại nguyện, đại hạnh, đại nghiệp của Di Đà Như Lai thành tựu. Nghiệp là sự, sự nghiệp của Phật A Di Đà, tức là giúp đỡ tất cả chúng sanh hữu duyên một đời thành tựu viên mãn.
Đoạn trước chúng ta đọc qua, trong tâm Di Đà chỉ có một việc là “tất cả đều thành Phật”. Tất cả chúng sanh chỉ cần phát nguyện vãng sanh Tịnh Độ, Phật A Di Đà sẽ dạy hết, sẽ tiếp nhận tất cả. Bất luận quí vị từ quốc độ nào đến, đến Thế giới Cực Lạc rồi thực sự là quốc độ không phân biệt, không phân biệt dân tộc, không phân biệt tín ngưỡng. Tịnh Độ là Đại Thừa, không phải là chuyên tu Tịnh Độ, tu bất kỳ pháp môn nào, lúc lâm chung đem công đức tu học hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ cũng có thể vãng sanh. Có thể thấy rằng pháp môn này quảng đại, từ đó suy ra, chúng ta có thể nghĩ rằng, không phải đệ tử Phật, họ không phải là đệ tử nhà Phật, họ tu theo tôn giáo khác, đem công đức tu học của họ lúc lâm chúng hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ, tôi tin tưởng chắc chắn cũng được vãng sanh. Cánh cửa của Phật A Di Đà rộng lớn quá! Kiến lập một đạo tràng lớn như vậy, hướng dẫn tất cả chúng sanh, đó là nơi đại nguyện Di Đà thành tựu. Chúng sanh ở cực lạc do có vô lượng công đức thiện lực mà được an trú nơi Di Đà Như Lai, do đại nguyện đại hạnh thành tựu nên. “Hạnh nghiệp địa” tức chỉ cho Thế giới Cực Lạc, tứ độ tam bối cửu phẩm, nên nói là “trú hạnh nghiệp địa.”
Như Đệ Nhị Quyển Đệ Tứ Thập Thất Nguyện, Ngụy Trưng dẫn Luận chú. Phía trước chúng ta học qua ở trang 306, chỗ này đã được trích dẫn rồi, tổng kết nó lại chú thích ở đây. “Vị kiến Di Đà thân tướng, đắc bình đẳng thân nghiệp”, quí vị đến Thế giới Cực Lạc, gặp A Di Đà Phật quả báo rất thù thắng, thấy thân tướng của Ngài được bình đẳng thân nghiệp, nghe danh Ngài được bình đẳng khẩu nghiệp, danh là danh hiệu. Gặp quang là Phật quang chiếu đến quí vị, gặp quang biết pháp được bình đẳng ý nghiệp, tức là trú nơi hạnh nghiệp địa của Di Đà.