Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 338
Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Nguyên Thanh
Biên tập: Bình Minh
Giảng ngày: 22.03.2011
Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 391, Thập Thừa Quán Pháp, chúng ta xem quán thứ tư.
Thứ tư là “Phá pháp biến”. “Phá pháp biến giả, vị dĩ tam quán năng phá chi pháp, biến phá chư hoặc dã”. Đây là nói chung, thế nào gọi là phá pháp biến?
“Tam quán thị năng phá, chư hoặc thị sở phá”. Tức là làm thế nào chúng ta có thể đoạn hết những phiền não.
“Tạng thông nhị giáo”. Đây là tiểu thừa, Tạng giáo là tiểu thừa. Tông Thiên Thai nói tứ giáo, là đem tất cả pháp mà đức Thế Tôn đã nói trong 49 năm, phân thành 4 loại: Tạng, Thông, Biệt, Viên gọi là tứ giáo. Tạng giáo là tiểu thừa. Thông giáo là trước thông tiểu thừa sau thông đại thừa, tức là kết nối giữa đại thừa và tiểu thừa.
Nhị giáo này “đãn dụng không quán, quán chư pháp tổng tướng”. Tướng chung của tất cả các pháp là tướng không. Vạn pháp đều không, đây là quán tướng chung. Giới khoa học hiện nay bảo chúng ta rằng, tất cả các pháp trong vũ trụ này, thực sự không phải là tồn tại chân thật, mà là do tâm niệm biến hiện ra. Nếu như không có tâm niệm, thì tất cả pháp sẽ không tồn tại, nhất là hiện tượng vật chất. Gọi là đương thể tức không, liễu bất khả đắc. Sáu trăm quyển Đại Bát Nhã là nói rõ chân tướng sự thật này. Trong Kinh Bát Nhã nói về thật tướng của các pháp. Bất luận là hiện tượng tinh thần hay hiện tượng vật chất. Tâm kinh do đại sư Huyền Trang dịch, ở trong nhà Phật, được lưu hành rộng rãi nhất. Bất luận là tôn giáo nào, là pháp môn nào, đều dùng Tâm kinh làm khóa tụng sáng tối. Tâm kinh là quán không. Câu mở đầu là: “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không”. Ngũ uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Sắc là hiện tượng vật chất, thọ, tưởng, hành, thức là hiện tượng tinh thần. Quý vị xem, dùng trí huệ bát nhã để quan sát, hai hiện tượng này đều không tồn tại. Hiện tượng vật chất là từ thọ, tưởng, hành, thức mà có.
Pháp Tướng Tông nói rất rõ ràng. Pháp Tướng Tông nói, ba tướng tế của A Lại da, nhất niệm bất giác là nghiệp tướng, nhất niệm bất giác không có nguyên nhân, cũng không có trước sau, đây là nhất niệm, nhất niệm này là vọng niệm, có niệm đều là vọng. Phật pháp nói chánh niệm, chánh niệm là tự tánh, vốn không dao động, nó là như như bất động, như như bất động, đây là chánh niệm.
Cho nên, từ đây chúng ta hiểu được, buông bỏ khởi tâm động niệm, thì lúc đó chánh niệm sẽ hiện tiền. Bởi vì khởi tâm động niệm là vô minh, tức là nhất niệm bất giác. Khi nào vậy? Ngay đây, không có quá khứ, không có vị lai, cũng không có phương này, xứ nọ, không có. Thời gian không gian đều không tồn tại, là giả. Không có thời gian nên không có trước sau. Không có không gian nên không có cự ly, không có lớn nhỏ. Đây là Phật pháp đại thừa nói đến vũ trụ vạn vật. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học hiện nay, với nhưng điều đức Phật nói trong kinh, càng ngày càng giống nhau, họ cũng kiến giải như vậy.
Cho nên Phật giáo dạy chúng ta buông bỏ là có đạo lý. Nếu thật sự đức Phật không dạy chúng ta buông bỏ, trên thực tế không phải thật. Không phải thật, mà quý vị chấp trước phân biệt nó, là quý vị bị lừa rồi, mê rồi. Ai không mê? Mỗi chúng sanh trong 10 pháp giới đều mê mờ điên đảo. Pháp giới tứ Thánh cao hơn chúng ta một chút, họ biết được chân tướng sự thật, nhưng chưa chứng đắc, giống như tình hình của chúng ta bây giờ vậy. Chúng ta biết được từ kinh điển, chứ không phải tự thân chứng cảnh giới. Chỉ cần thân chứng, thì họ sẽ ra khỏi 10 pháp giới. Bản thân quý vị thấy được thật tướng của các pháp, quý vị sẽ ra khỏi 10 pháp giới. Thấy được gọi là kiến tánh, thật tướng của các pháp tức là kiến tánh. Kiến tánh là vượt qua 10 pháp giới.
Ba quán: trung - giả - không của tông Thiên Thai, ba Chỉ và ba Quán họ đều đã thành tựu. Vị thứ chứng đắc của họ là, địa vị Bồ Tát Sơ Trụ trong kinh Hoa Nghiêm. Thật ra thì chỗ chứng đắc của mỗi người sâu cạn không giống nhau, căn tánh của mỗi người không giống nhau. Hàng lợi căn, một lần họ có thể chứng được rất nhiều tầng. Từ sơ trụ, nhị trụ, tam trụ, tứ trụ cứ như vậy lên cao. Hàng hạ căn chỉ có thể từng bậc, từng bậc bước lên, từ sơ trụ đến nhị trụ, từ nhị trụ đến tam trụ, họ lên cao như vậy. Cho nên tu hành chứng quả của mỗi người, không hoàn toàn giống nhau.