Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 337
Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Nguyên Thanh
Biên tập: Bình Minh
Giảng ngày: 22.03.2011
Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải trang 391, hàng thứ nhất.
“Thập thừa chi lí quán, năng phát cửu cảnh chi ma sự, dĩ ngũ uẩn sanh tử mê ám chi pháp vi cảnh cố”.
Thập Thừa Quán Pháp của tông Thiên Thai, chúng ta học đến quán thứ ba.
Thứ ba là “thiện xảo an tâm”. “Thiện xảo an tâm giả, thiện dĩ pháp tánh tự an kỳ tâm dã, dĩ pháp tánh vi sở an, dĩ tịch chiếu vi năng an, tịch tức thị chỉ, chiếu tức thị quán. Nhược tín thử tâm đãn thị pháp tánh, tắc thị pháp tánh khởi, diệt thị pháp tánh diệt, liễu kỳ thật bất khởi diệt, vọng vị khởi diệt, như thị thể đạt công thành, pháp giới câu tịch, thị danh vi chỉ. Nhược quán sát thử tâm thể thị vô minh, vô minh si hoặc, tức thị pháp tánh. Vô minh, pháp tánh, bổn lai giai không, không diệc bất khả đắc, pháp tánh động lãng, danh chi vi quán. Nhược ly pháp tánh vô tâm an xứ. Nhược ly chỉ quán vô tâm an pháp. Do thượng (thượng là ở trước nói, phát tâm bồ đề chân chánh, tuy nói rồi, nghe rồi, không khai ngộ) cố dụng thủ phương tiện thiện xảo, linh tâm đắc an dã”.
Chúng ta đọc qua đoạn văn này, bây giờ chúng ta cùng nhau học tập. Nếu chúng ta ở trước, phát tâm bồ đề, như phần cuối của đoạn trước. “Phát thử thệ nguyện” là bốn thệ nguyện lớn. Cho nên ở cảnh giới bất tư nghì, không thể khai ngộ, đó là hàng thượng thượng căn. Có thể chiếu theo ở trước nói “viên thật trung đạo diệu cảnh”, trong kinh Bát Nhã gọi là “thật tướng của các pháp”, cũng là ba điều trong Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán. Nương nơi sự phát tâm bồ đề này, phát bốn thệ nguyện lớn, thì có thể khai ngộ.
“Sở vị, như lý tư duy, hốt nhiên ngộ lý, nhập phàm thánh vị”. Đây là căn tánh của mỗi người không giống nhau, người căn tánh cao vào địa vị thánh, thấp một chút vào địa vị phàm phu. Nói như thế nào về phàm và thánh? Đã ra khỏi luân hồi lục đạo, pháp giới tứ Thánh, đại thừa giáo gọi là ngoại phàm, tức là chứng A La Hán, Bích Chi Phật, quyền giáo Bồ Tát, địa vị phàm phu là ngoại phàm.
Nếu quý vị đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, quý vị vào địa vị thánh, vượt qua mười pháp giới, quý vị sanh về cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai, thì đây là Thánh. Địa vị phàm thánh là nói như vậy, thật sự phát tâm bồ đề. Từ đó cho thấy, ngày ngày chúng ta phát bốn thệ nguyện lớn, là giả không phải thật. Độ chúng sanh, “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ’, quý vị có thệ nguyện này thật sao? Nếu ta thích chúng sanh này, ta thương họ, quý vị có thể độ họ chăng? Không thể độ họ. Vì sao vậy? Tình cảm quý vị chấp vào đâu? Quý vị thương họ, quý vị làm sao độ được họ? Sẽ ngụp lặn trong luân hồi lục đạo!
Nếu ta ghét chúng sanh kia, ta hận họ, quý vị có thể độ họ chăng? Quý vị cũng không thể độ họ, không thương không hận, quý vị càng không thể độ họ. Cho nên là giả, không phải thật. Thật, đó là cảnh giới của chư Phật pháp thân Bồ Tát, các Ngài thực sự mỗi niệm đều không bỏ chúng sanh, nhìn thấy chúng sanh chịu khổ, trong tự tánh gợi lên lòng từ bi, lòng đại bi thương xót tất cả chúng sanh, cứu giúp tất cả chúng sanh hết khổ được vui. Có phải ngày nào quý vị cũng khởi ý niệm này không? Ngày nào cũng nghĩ đến danh dự lợi dưỡng cho mình, cũng nghĩ cách tổn người lợi mình, gọi là tâm bồ đề gì đây? Tâm bồ đề đâu có tổn người lợi mình? Cho nên là giả, không phải thật.
Nếu thật sự phát tâm bồ đề, nhất định phải thực hiện ba điều sau, vì sao? Vì dứt trừ phiền não, phiền não không dứt trừ, chính mình không thành tựu, lấy gì để độ chúng sanh? Độ chúng sanh cần đức hạnh, đức hạnh là cắt đứt phiền não. Độ chúng sanh cần trí huệ, cần phương pháp, đó là pháp môn phải học. Muốn độ hết tất cả chúng sanh, bao gồm Tam Hiền, Thập Địa, quý vị nhất định phải thành Phật, quý vị không thành Phật, quý vị sẽ không độ được họ. Đức hạnh, trí huệ của quý vị không bằng người ta, quý vị làm sao độ người ta?
Vì sao Bồ Tát chuyên cần, không giải đãi, tự hóa độ người như thế? Đó đều là năng lượng của điều thứ nhất. Chúng ta nói là động lực, sức mạnh gì đã thúc đẩy họ, để họ ở nơi đó, siêng năng nỗ lực làm như vậy? Đó chính là nguyện lớn. Ta thành tựu sớm một ngày, thì có thể cứu giúp chúng sanh sớm được một ngày. Ta thành tựu chậm một ngày, thì chúng sanh phải chịu khổ thêm một ngày. Đây là lòng đại từ bi, là do lòng đang thôi thúc, không chút lòng riêng tư, nếu có chút lòng riêng tư thì tâm bồ đề không còn nữa, tuy rằng có phát tâm, nhưng phát ra lại mất đi.
Đó là nói sự phát tâm của chúng ta, không thể hốt nhiên ngộ được, đạo lý ở chỗ này. Chúng ta không phải làm thật, là làm giả. Vì sao chúng ta làm giả? Bởi vì quý vị không hiểu rõ chân tướng sự thật, tức là đối với điều thứ nhất nói, cảnh giới mà chư Phật Bồ Tát đã vào, hoàn toàn không biết, cảnh giới của chư Phật Bồ Tát, ở trong mười quán pháp này, cảnh giới không thể nghĩ bàn, trong kinh Bát Nhã nói là thật tướng của các pháp.
Các nhà khoa học hiện nay, đã dần dần phát hiện ra. Trong này có mấy câu quan trọng: “sắc từ tâm tạo, toàn thể là tâm”. Giáo lý đại thừa nói là “vạn pháp chỉ có tâm”. Pháp Tướng tông nói “ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm”, đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Như trong kinh nói: “tam giới vô biệt pháp, duy thị nhất tâm tác”. Trong kinh Hoa Nghiêm dạy rằng biến pháp giới, hư không giới, muôn sự muôn vật từ đâu mà có? Là tâm hiện, tâm sanh, thức biến, nói có sáu chữ, nói rất rõ ràng, minh bạch. Tâm hiện, chơn tâm hiện, chơn tâm sanh, vọng tâm biến. Cho nên trong tâm ấy có chơn có vọng, vọng là A Lại Da. Nói một cách đơn giản là tâm hiện, thức biến, hoặc là nói tâm sanh, thức biến cũng được, cùng một ý nghĩa. Quý vị phải thật sự hiểu, thật sự hiểu rồi, thì khai ngộ, thì rõ ràng.
Y báo, chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, tâm thanh tịnh thì cảnh giới thanh tịnh-Tịnh Độ. Tâm nhiễm ô thì biến thành uế độ. Tâm thiện thì biến thành thiện độ. Tâm bất thiện thì biến thành ác độ. Đây không phải là đạo lý sao? Hoàn toàn rõ ràng rồi, họ đã biết, buông bỏ tất cả tâm nhiễm ô, tâm bất thiện. Vì sao vậy? Vì đó là giả, đó không phải thật, cái thật là thiện.
Tổ tông của chúng ta biết, Phật pháp chưa đến Trung Quốc, họ đã biết. Cho nên, tổ tông chúng ta nói tánh của con người vốn là thiện, “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, bổn thiện đó là thật, là vốn có của mình. Bổn thiện là gì? Bổn thiện tức là Phật Bồ Tát. Thời nay hương linh rất nhiều, trong nước, nước ngoài chúng ta thường gặp, tình trạng dựa thể rất nhiều, ma dựa là thật, không phải giả. Nhưng những hương linh dựa thể này là thông báo tin tức, quý vị phải hiểu rõ, nhất định không được hiểu lầm. Hiểu lầm thì quý vị bị mắc lừa, quý vị dùng trí huệ, khéo hiểu được ý của họ thì họ là Phật, là BồTát. Không khéo hiểu được họ, thì họ đều là ma vương ngoại đạo.
Cảnh giới bên ngoài, nên nhớ, đức Phật dạy không Phật cũng không ma. Phật và ma từ đâu mà có? Từ tâm của quý vị sanh ra, tâm của quý vị là trí huệ, thì tất cả là Phật, tâm của quý vị là phiền não, thì tất cả là ma. Từ đó cho thấy, cảnh giới bên ngoài không phải Phật, cũng không phải ma. Tin tức đưa đến nói quý vị là BồTát tái sanh, Quý vị là Bồ Tát thật sao? Là Bồ Tát giả! Đừng nói Bồ Tát, người bên Bồ Tát, quý vị nghĩ xem, họ có 6 thần thông không? Người bên Bồ Tát, có 6 thần thông là cảnh giới nào? là cảnh giới tiểu thừa A La Hán.
Trong đại thừa Kinh Hoa Nghiêm dạy chúng ta, cảnh giới Bồ Tát địa vị Thất Tín, Thập Tín họ mới đến Thất Tín, có đủ 6 loại thần thông. Tôi hỏi quý vị, quý vị có 6 loại thần thông này không? Không có, quý vị là phàm phu, quý vị là Phật, Phật mê mờ điên đảo. Quý vị là Bồ Tát, Bồ Tát mê mờ điên đảo, mọi người đều như vậy. Trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật dạy rất rõ ràng: “tất cả chúng sanh vốn là Phật”, không người nào chẳng phải là Phật, ai ai cũng là Phật. Quý vị có phải Phật Thích Ca Mâu Ni không? Phải! Phật Thích Ca Mâu Ni có nghĩa là gì? Là năng nhơn, tịch mặc. Quý vị đối với người bằng tấm lòng từ bi, đối với mình thanh tịnh bình đẳng, đây là Phật Thích Ca Mâu Ni, quý vị giống như Ngài vậy.
Quý vị là Phật A Di Đà, Phật A Di Đà nghĩa là gì? nghĩa là trí huệ vô lượng, đức hạnh vô lượng, từ bi vô lượng, phương tiện vô lượng, các thứ đều vô lượng, vô lượng quang, vô lượng thọ, quý vị là như vậy. Tự tánh của quý vị vốn là vô lượng quang, vô lượng thọ. Nhưng ngày nay quý vị làm tự tánh mê mờ, quý vị mất đi vô lượng thọ, vô lượng quang, không gọi quý vị là Phật A Di Đà nữa. Quý vị vốn là Phật A Di Đà, hiện tại không gọi quý vị là Phật A Di Đà, mà gọi quý vị là phàm phu, ý nghĩa là như vậy. “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, chỉ cần hiện là tướng, bất luận là tướng như thế nào, nhìn thấy được là tướng, nghe được là tướng, âm thanh là tướng, mũi ngửi được cũng là tướng, tướng của mùi vị, lưỡi có thể nếm được tướng của chua, cay, mặn, ngọt, đắng, đều gọi là tướng, không có cái nào chẳng phải là hư dối. Sáu căn là hư dối, sáu trần là hư dối, sáu thức cũng là hư dối. Những thứ hư dối này từ đâu mà có? Là tự tánh sanh, là tự tánh hiện, tức là tâm hiện, trong chơn tâm.
Đại sư Huệ Năng nói rất hay: “đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”, trong tự tánh mỗi mỗi đều không thiếu, nhưng mỗi mỗi đều không có, mỗi mỗi không thiếu. Gặp duyên thì năng sanh vạn pháp, khi không có duyên thì thanh tịnh vắng lặng, không có gì cả, khi gặp duyên thì năng sanh vạn pháp, có thể sanh là thật, tự tánh thanh tịnh vắng lặng là thật, hiện tướng là tướng huyễn, là giả.
Giống như chúng ta xem trên màn hình ti vi vậy, màn hình là thật. Vì sao vậy? Vì nó mãi mãi không thay đổi, những hình ảnh hiện trên màn hình là giả, cái này mọi người đã biết, nó đang biến hóa trong từng sát na, không có một cái gì là thật, thật không trở ngại giả, không ảnh hưởng giả, giả cũng không trở ngại thật. Nhìn kỷ thì thật và giả là một không phải hai, đây gọi là trung đạo, gọi là quán trung. Chúng ta chỉ nhìn màn hình là nhìn không- quán không. Chỉ nhìn hình ảnh bên trong, đó là quán giả, biết được thật tức là giả, giả tức là thật, thật không rời giả, giả không rời thật, thật và giả là một không phải hai, đây gọi là quán trung.
Quý vị hiểu cặn kẻ, những tiết mục biểu diễn trên màn hình ti vi, thì quý vị có thể thành đạo vô thượng. Quý vị nhìn rõ điều này, nhìn hiểu được, thế giới hiện tiền của chúng ta và cái này giống nhau, hoàn toàn giống nhau. Chúng ta có thể tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, đây là nói lục căn, lục trần trong chánh báo, lục trần là cảnh bên ngoài, lục căn, lục thức là giả, lục trần bên ngoài cũng là giả, là trên màn hình hiện các tướng này.
Chỉ cần quý vị không khởi tâm, không động niệm, thì quý vị là Phật. Chỉ cần quý vị không phân biệt, thì quý vị là Bồ Tát. Chỉ cần quý vị không chấp trước, thì quý vị là A La Hán. Quý vị được chánh thọ. Thọ là hưởng thọ, chánh là bình thường, quý vị được hưởng thụ bình thường. Hưởng thụ bình thường như ngày nay chúng ta nói, là hưởng thụ sức khỏe. Quý vị không hiểu rõ chân tướng sự thật, quý vị ở trong hiện tượng này, sanh khởi thất tình lục dục, thất tình lục dục là hưởng thụ không bình thường. Thất tình là thích, giận, đau buồn, vui, thương, ghét, ham muốn, loại hưởng thụ này là không bình thường. Vì sao? vì trong tự tánh không có, nó hoàn toàn tương ưng với phiền não.
Ngũ dục là tiền tài, sắc đẹp, danh dự, ăn uống và ngủ nghỉ. Xấu là xấu ở chỗ quý vị không hiểu rõ chân tướng sự thật, lấy giả làm thật, quý vị thật sự hoàn toàn không biết, nếu quý vị thật sự nhận thức được, thì quý vị chẳng thể không cảm ơn chư Phật Bồ Tát. Vì sao vậy? Vì nếu không phải Phật Bồ Tát thị hiện dạy dỗ, làm sao chúng ta biết được chân tướng sự thật này! Chân tướng sự thật này ở ngay trước mặt chúng ta, chưa bao giờ rời xa chúng ta, chúng ta điên đảo mê mờ, khởi tâm động niệm sai, nói lời sai, thân làm sai, biến thành một thân bệnh trạng, chẳng những bệnh trạng, mà còn trôi lăn trong luân hồi lục đạo, luân hồi lục đạo là chính mình tạo ra. Luân hồi do đâu mà có? Là từ tâm tưởng sanh, tâm là tâm luân hồi, khởi tâm động niệm, đó chẳng phải gọi là nghiệp luân hồi sao? Tự làm tự chịu, không phải từ bên ngoài mà có.
Hàng thượng căn nghe đến những lời này, thật sự đã khai ngộ, thật sự buông bỏ, lục căn tiếp xúc với cảnh giới lục trần, cũng không khởi tâm động niệm, đây là gì? Là người này đã thành Phật, người thượng thượng căn. Cho nên, quán cảnh giới không thể nghĩ bàn thì họ khai ngộ. Phật Thích Ca Mâu Ni lúc ở dưới cây bồ đề. Đại sư lục tổ Huệ Năng khi ngài hai mươi bốn tuổi, ở trong phòng của ngũ tổ, đã vào cảnh giới này, nghe qua liền hiểu rõ, vừa hiểu rõ thì lập tức buông bỏ, sau khi buông bỏ thì không mê mờ nữa. Đây là Bồ Tát thật sự. Sau khi buông bỏ liền mê trở lại, mê lại là phàm phu.
Nếu khen ngợi quý vị, quý vị là căn tánh trung hạ, đây là lời khen ngợi quý vị, không phải khen ngợi, nói thật thì sao? Thực lòng mà nói thì quý vị là nhất xiển đề. Nhất xiển đề là tiếng Ấn Độ, là tiếng Phạn. Nghĩa là gì? Nghĩa là không có căn lành, mặc dù có căn lành nhưng rất yếu kém, nó không khởi tác dụng. Đạo lý này cần phải hiểu, hiểu rồi thì tánh đức hiện tiền. Trong tánh đức, tánh đức xử sự, đối nhân xử thế là khiêm tốn. Quý vị thấy bậc thánh nhân trong thế gian, Khổng Tử, Mạnh Tử khiêm tốn chừng nào. Quý vị thấy Phật, Bồ Tát khiêm tốn chừng nào.
Bồ Tát Phổ Hiền kính lễ chư Phật. Chư Phật là ai? Tất cả chúng sanh là chư Phật, quý vị gặp Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Phổ Hiền chào quý vị trước, Ngài biết quý vị vốn là Phật, cho nên kính lễ quý vị trước, Bồ Tát Phổ Hiền thấy cỏ cây hoa lá, Ngài cũng kính lễ, thấy sơn hà đại địa Ngài cũng kính lễ. Vì sao vậy? Vì bổn tánh của hoa lá cỏ cây là Phật tánh, bổn tánh của sơn hà đại địa cũng là Phật tánh, trong kinh điển gọi nó là pháp tánh, pháp tánh và Phật tánh là một tánh. Cho nên cung kính tất cả.
Chúng ta đã học kinh Hoa Nghiêm, đã học Hoàn Nguyên Quán, hiểu rõ rồi, không những ở trước nói tất cả là chư Phật, ngay cả ở trước chúng ta học kinh điển, đến một sợi lông, một hạt bụi, một sợi lông, một hạt bụi rất lớn! Một sợi lông măng trên thân của chúng ta, mũi nhọn lông măng dính theo một hạt bụi nhỏ, một chấm trong hạt bụi nhỏ.
Trong kinh này ở trước chúng ta đã học, trang 296 hàng thứ 3, “nhất mao nhất trần chi vi điểm, đô thị chư Phật”. Một chấm nhỏ của sợi lông hạt bụi này, tức là lời Bồ Tát Di Lặc nói, một niệm sanh ra hiện tượng, không phải Bồ Tát Di Lặc nói sao? Một niệm bất giác thì sanh ra hiện tượng tinh thần, chúng ta nói là chánh báo, có chánh báo thì y báo lập tức hiện tiền. Y báo là hiện tượng vật chất, chánh báo là hiện tượng tinh thần. Các nhà khoa học bây giờ đã biết, vật chất là do hiện tượng tinh thần biến hiện ra. Cho nên họ nói vật chất là giả, Phật pháp nói hiện tượng tinh thần cũng giả, cũng không phải thật.
Hiện tượng tinh thần là nghiệp tướng của a lại da biến hiện ra, nghiệp tướng của a lại da là hiện tượng tự nhiên. Chuyển tướng là hiện tượng tinh thần. Vật chất là cảnh giới tướng, đều không có thật. Cho nên nói vạn pháp đều không, không có một thứ nào thật cả. “Không” ở đây không phải là không có, nó có thể hiện ra vạn pháp, giống như màn hình ti vi của chúng ta là không, không có gì cả, nhưng nó có thể hiện ra, có thể hiện ra hiện tượng, có thể hiện ra vạn pháp. Khi không có duyên thì không thấy, khi có duyên thì nó hiện ra. Duyên do đâu mà có? Duyên cũng không có thật. Cho nên nó không thể nghĩ bàn! Bốn chữ không thể nghĩ bàn quá tuyệt vời. Quý vị không thể nghĩ, không thể bàn. Vì sao vậy? Bởi vì quý vị nghĩ và bàn đều động tâm, đều khởi tâm động niệm, không khởi tâm không động niệm, hoàn toàn hiểu rõ, thì quý vị có thể thấy được chân tướng sự thật. khởi tâm động niệm, quý vị thấy huyễn tướng sự thật, không thấy được chân tướng.
Chư Phật Như Lai, pháp thân Bồ Tát rất tuyệt vời, các Ngài đối với hiện tượng này, không khởi tâm, không động niệm, chân tướng rõ ràng, cho nên gọi là thành Phật. Còn chúng ta thấy là sẽ hỏi đây là gì? kia là gì? Vậy là hết, tất cả đều hết rồi. Khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, có đủ tất cả, chính xác là phàm phu lục đạo. Với những điều trong kinh giáo đại thừa nói, hoàn toàn không khớp nhau. Đây là chỗ khó của chúng ta khi học đại thừa, khó là ở chỗ này, không phải khó từ bên ngoài, khó là ở chỗ dùng tâm của chính mình. Toàn dùng tâm luân hồi để lý giải Phật pháp đại thừa, cái này làm không được.
Điều quý vị lý giải chỉ là bên ngoài của đại thừa, là kiến thức đơn giản của đại thừa. Tinh túy của đại thừa, quý vị đều không tiếp xúc được. Nếu không chấp trước, mới tiếp xúc được một chút bên lề mà thôi. Đó là ai? Là hàng A La Hán, là Bích Chi Phật, như đi vào cửa lớn, trong cửa lớn có hai lớp cửa nữa, qua hai lớp cửa mới có phòng lớn, mới có cung điện. A La Hán mới vào được cửa lớn, chưa vào được hai lớp cửa. Bồ Tát đã vào hai lớp cửa, nhưng chưa vào cung điện. Vậy ai mới là người vào trong cung điện? Đó là người chứng được thật tướng các pháp - Pháp thân Bồ Tát. Chúng ta ở đây là nói sơ trụ, vào địa vị sơ trụ, là sơ trụ của Viên Giáo, Pháp Hoa là Viên Giáo. Sơ địa của Biệt Giáo, sơ trụ của Viên Giáo, tức là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh.
Ở trước đã nói “như lý tư duy, hốt nhiên ngộ lý”, đây là đã vào cung điện. Đã vào cung điện là Bồ Tát đẳng giác, bốn mươi mốt địa vị pháp thân đại sĩ. Vào cung điện, tôi dùng ví dụ này để quý vị có thể hiểu được, đây là trình tự tu hành. Hôm nay tôi nói thật lời, ngay cả Tu Đà Hoàn cũng không làm được, mọi người gọi quý vị là Phật tái sanh, Bồ Tát tái sanh, là họ lấy lòng quý vị, khuyến khích quý vị đấy, quý vị không phải như vậy. Nếu như quý vị thật không biết mình là Bồ Tát gì tái sanh, thì nguy rồi, khẳng định bị đọa địa ngục. Vì sao vật? Vì mang tội đại vọng ngữ, quý vị không chứng đắc, quý vị cho rằng đã chứng đắc. Mặc dù quý vị không có tâm dối người, đó gọi là gì? Danh từ nhà Phật gọi là tăng thượng mạn, sanh lòng ngạo mạn, tự cho là đúng, ngạo mạn hiện tiền, thì phiền não khởi hiện hành. Quý vị không phải trí huệ hiện tiền, Quý vị là phiền não hiện tiền, cho nên con đường quý vị đi, không phải là đường Phật mà là đường ma. Con đường Phật là không, giả, trung. Quý vị chấp tướng, thì quý vị khởi phiền não, điều này thật ghê gớm! Chẳng bằng người không học, chẳng bằng ông lão bà già ở nông thôn, suốt đời thật lòng niệm Phật, họ thật sự có thành tựu. Cho nên nghiên cứu tôn giáo, dùng tâm bất thiện, là đi vào ngã rẽ, không phải đường vòng, đường vòng còn có thể quay trở lại, đi vào ngã rẽ rồi, mãi mãi không biết đường về.
Tâm bồ đề phát rồi, không ngộ, không khai ngộ. Nghĩa là vừa phát tâm bồ đề, tức là Bồ Tát Sơ Trụ. Quý vị nên biết, A La Hán không phát tâm bồ đề, Bích Chi Phật cũng không phát tâm bồ đề, Bồ Tát Quyền giáo cũng không phát tâm bồ đề. Tâm bồ đề chỉ cần vừa phát, tức là Bồ Tát Sơ Trụ của Viên Giáo. Vì sao vậy? Bởi họ dùng chơn tâm, không dùng vọng tâm, dùng chơn tâm gọi là pháp thân đại sĩ, vượt qua mười pháp giới, chúng sanh trong mười pháp giới, là dùng a lại da, lấy a lại da làm chơn tâm. Họ không biết thế nào gọi là chơn tâm, ở trong tình hình này họ mới biết được. Người căn tánh kém một chút, cần “thiện xảo an tâm”, ‘thiện xảo’ là pháp phương tiện.
“Thiện dĩ pháp tánh, tự an kỳ tâm”. Quá tuyệt vời! Họ dùng cái gì để an tâm? Họ dùng pháp tánh, trong đại thừa, họ là hạng người thứ ba, ở trong phàm phu của chúng ta, họ là hạng người thứ nhất, cao nhất. Vì sao vậy? Bởi dĩ pháp tánh, tự an kỳ tâm, như thế không đáng được khâm phục sao? pháp tánh la chân tánh.
“Dĩ pháp tánh vi sở an”, kiến giải như thế nào? lìa bỏ Phật pháp không bàn đến, chúng ta bàn về lời dạy của tổ tông, cũng có vị này. Câu đầu tiên trong “Tam Tự kinh” là: “nhân chi sơ tánh bổn thiện”, tánh bổn thiện đó có phải là pháp tánh không? Phải! Không sai chút nào! Ta biết tánh của ta vốn thiện, mỗi mỗi ta đều quay về cái vốn thiện đó thì chẳng phải tâm đã an rồi sao? Ta không thể làm điều ác, vì sao không thể làm điều ác? Vì điều ác không phải là bổn tánh của ta, bổn tánh của ta là thiện. Có ý nghĩ ác, nói ác, làm ác, đó là sai. Họ có thể trở về bổn thiện.
“Dĩ bổn thiện vi sở an, dĩ tịch chiếu vi năng an”. Tịch chiếu là phương pháp, “tịch” là tâm thanh tịnh, “chiếu” là trí huệ, tâm thanh tịnh có thể sanh trí huệ, cho nên tịch là chỉ, chiếu là quán. Tịch là gì? Là tâm không chạy theo bên ngoài. Bồ Tát Đại Thế Chí dạy chúng ta “đô nhiếp lục căn”, là dừng, “tịnh niệm tương tục” là quán. Dừng tức là buông bỏ, quán tức là nhìn thấu.
Đại sư Chương Gia Ngài dạy tôi, lúc đó tôi vừa mới xuất gia, chính thức tiếp nhận Phật giáo là buổi học đầu tiên. Nếu Ngài dạy tôi về chỉ và quán, tôi sẽ không hiểu gì cả, thì rất phiền phức. Cho nên Ngài đổi phương pháp khác, nói là nhìn thấu, buông bỏ. Tuy không hiểu hàm nghĩa sâu xa của nó, nhưng hình như có thể hiểu được. Tôi hỏi Ngài, nhìn thấu, buông bỏ bắt đầu thực hành từ đâu? Ngài bảo tôi từ bố thí, Ngài nói bố thí tiền tài được giàu có, bố thí pháp được thông minh trí huệ, bố thí vô úy được khỏe mạnh sống lâu. Ngài dạy tôi, dạy tôi sửa đổi vận mệnh, tôi vâng theo lời dạy, học xong liền thực hành. Trước tôi học buông bỏ, sau đó mới học nhìn thấu. Buông bỏ như thế nào? Nghĩa là tâm thật thanh tịnh, tâm tham, sân, si, mạn dần dần thu nhỏ lại, nó không phóng rộng ra nữa, thu nhỏ lại, buông bỏ thì nó nhỏ lại, có giới hạn, có phạm vi, nhưng quả báo của nó thật sự hiện tiền.
Bố thí tiền tài, càng bố thí càng nhiều tiền tài, thầy dạy là càng nhiều tiền tài càng bố thí, tuyệt đối không được giữ lại, giữ lại là không đúng. Giữ lại sẽ như thế nào? Giữ lại quý vị sẽ sanh lòng tham, quý vị sẽ sanh phiền não, có bao nhiêu bố thí bấy nhiêu, bố thí hết sẽ có lại, có lại còn nhiều hơn trước nữa. Bất luận có nhiều hay ít, cũng nên bố thí hết, đừng giữ lại. Quý vị không nên sợ rằng, tôi cho hết rồi ngày mai không có nữa. Như thế là quý vị vọng tưởng, đó là quan niệm sai lầm, quý vị không cần nghĩ chuyện ngày mai chưa đến, hôm nay quý vị bỏ hết, ngày mai sẽ được nhiều hơn.
Thầy dạy tôi điều này, tôi đã làm sáu mươi năm, tôi chứng minh cho mọi người thấy, thực sự là càng cho càng nhiều. Tôi không có gì cả, nhưng sáu mươi năm qua cũng không có ngày nào đói, không có ngày nào lạnh. Tuy không có đạo tràng, không có nhà, không có chỗ ở, nhưng tôi cũng chưa ngủ qua đêm bên ngoài một lần nào. Lời dạy của thầy hoàn toàn chính xác. Lời dạy ấy được rút ra từ trong kinh Phật, là đức Phật nói. Vì sao không làm? Vì sao chấp vào thân này? Vì sao không buông bỏ tham, sân, si? Tham, sân, si là gốc bệnh, tu đạo không những không thể chứng quả, mà ngay cả khai ngộ cũng bị nó làm chướng ngại. Chúng ta niệm Phật không thể nhất tâm, cũng bị nó chướng ngại, niệm Phật không thể vãng sanh cũng là do nó cản trở. Oan thân trái chủ lớn nhất, chướng ngại lớn nhất của chính chúng ta là tham, sân, si, mạn, nghi. Vì sao không buông bỏ? Ở đây nói rõ nguyên nhân của thiên tai, nguyên nhân không phải ở bên ngoài, mà ở chính mình, từ trong tâm của mình, nhổ sạch nguyên nhân của thiên tai này, thì thiên tai trong ngoài đều không có. Bên trong, thân tâm lành mạnh, bên ngoài sống ở chỗ không có thiên tai. Phật pháp là có lợi, Phật pháp là có ích, gọi là lợi ích chân thật, lợi ích không bờ bến, lợi ích không cùng tận. Điều tốt như vậy mà không muốn, đó gọi là ngu si. Lý Thế Dân gọi đó là ngu ngốc.
Dưới đây nói “nhược tín thử tâm, đãn thị pháp tánh”. Tuy tâm của chúng ta là vọng tâm, vọng tâm là do pháp tánh biến hiện ra, thể của nó là pháp tánh, chỉ là chúng ta không biết mà thôi. Cho nên chơn và vọng không hai, chúng ta không hiểu đạo lý này. Cho nên vấn đề là ở chỗ niềm tin, chỉ cần quý vị tin tưởng tánh này, tin tưởng những hiện tượng này. Hiện tượng tự nhiên, hiện tượng tinh thần, hiện tượng vật chất, đều là do tâm biến hiện ra.
“Tắc khởi thị pháp tánh khởi, diệt thị pháp tánh diệt”. Khởi và diệt này chúng ta phải biết rõ ràng. Khởi là gì? Là duyên hợp. Diệt là gì? là duyên tán. Duyên hợp thì sanh khởi, duyên tán thì mất đi, hợp tan vô thường. Sự sanh khởi hợp và tan đó không phải là khởi thật, sự diệt đi hợp và tan không phải là mất đi thật. Cho nên tất cả pháp không sanh không diệt. Chân tướng sự thật này ta có nhận ra được không? Các nhà khoa học nhận ra được. Tôi nghe giới khoa học có nói như vầy nên biết rằng họ đã thấy được. Họ nói trong vũ trụ chỉ có ba thứ, ngoài ba thứ này ra không có gì nữa, đó là họ đã thấy được. Ba thứ đó là gì? Là vật chất, tin tức và năng lượng. Ba thứ này là duyên, hợp thì hiện tướng, tan thì hiện tướng không, duyên hợp duyên tan. Hợp là nó mà tan cũng là nó, điều này nói không khác Phật pháp, chỉ danh từ không giống nhau mà thôi. Chúng ta nghe thì hiểu được, biết được biến pháp giới, hư không giới, tất cả hiện tượng đều là huyễn tướng.
Trong “Kim Cang kinh” nói: “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh”. Mộng huyễn bào ảnh là giả, không thật. Biết được những thứ này là giả, không thật, thì quý vị không nên chấp trước, không nên phân biệt, như vậy là đúng. Quý vị chấp trước, phân biệt là sai, tâm chấp trước là tâm luân hồi, luân hồi trong lục đạo, tâm phân biệt là pháp giới tứ Thánh, cao siêu hơn lục đạo nhiều, không phải chịu khổ trong lục đạo, nhưng họ chưa thấy tánh. Chưa thấy tánh thì họ không thể được đại tự tại, không gian hoạt động của họ chỉ giới hạn trong mười pháp giới, họ không thể vượt qua mười pháp giới. Nếu như không buông bỏ chấp trước, thì không gian hoạt động của họ giới hạn ở trong lục đạo, không thể vượt qua lục đạo.
Cuối cùng đức Phật dạy chúng ta, lục căn tiếp xúc với cảnh giới lục trần, không khởi tâm, không động niệm, đây là thành Phật. Cảnh giới của họ hoàn toàn bình đẳng, chư Phật Như Lai trong tất cả cảnh giới, quyết định không khởi tâm động niệm, đây mới gọi là rốt ráo viên mãn, rốt ráo triệt ngộ.
Sau đây nói “liễu kỳ thật bất khởi diệt, vọng vị khởi diệt ”, ‘liễu’ là hiểu rõ, hiểu rõ chân tướng sự thật. Thật sự nói với quý vị, không có khởi cũng không có diệt, huyễn tướng khởi và diệt này là do quý vị thấy sai. Ngày nay chúng ta xem phim, thấy những hình ảnh khởi diệt trên màn hình, chúng ta có nhìn thấy không? Cái mà chúng ta nhìn thấy là tướng thô, tướng trên giác quan, không nhìn thấy tướng thật. Tướng thật, chúng ta dùng thước phim, thước phim trước là do những tấm phim tập hợp thành, từng tấm từng tấm phim, quý vị sẽ thấy rất rõ ràng, ống kính máy chiếu phim mở ra, phim được chiếu lên màn hình, tướng này khởi lên, sanh ra. Ống kính máy chiếu đóng lại, tướng này mất đi. Đổi một tấm, đổi tâm thứ hai rồi mở ra, lại chiếu lên màn hình, sau đó đóng lại, lại đổi tấm khác, trong một giây thay đổi hai mươi bốn tấm.
Chúng ta thấy trên phim giống như là tướng liên tục, thật sự đó là giống như hình ảnh động, mỗi tấm không giống nhau, không có tấm nào giống nhau, cái đó rất dễ cho chúng ta giác ngộ, không tấm nào giống tấm nào. Quý vị hiểu được đạo lý này, bây giờ bảo quý vị, tốc độ máy chiếu phim nhanh thêm, từ hai mươi bốn tấm lên đến bao nhiêu? Mỗi giây lên đến một ngàn sáu trăm triệu tấm, quý vị có thể thấy từng tấm từng tấm phim không? Quý vị không thể thấy được, vì nó thay đổi quá nhanh, hoàn toàn không thể phát hiện được. Vậy mà cứ cho rằng nó là thật, làm cho nhận thức của quý vị sai lầm nghiêm trọng.
Chân tướng của pháp giới không có sanh diệt, quý vị lại cho rằng có sanh diệt. Một hình ảnh động, quý vị có thể quan sát thời gian là một giây, hình ảnh này trong một giây, đã sanh diệt thay đổi một ngàn sáu trăm triệu lần. Trong kinh Phật nói cho chúng ta về chân tướng, các nhà khoa học cũng biết được hiện tượng này, nhưng nhà khoa học không nói chữ số, chỉ nói vô cùng nhanh chóng mà thôi. Trong kinh Phật nói ra chữ số, cho nên cần hiểu rõ! Sanh diệt tức là không sanh diệt. Vì sao vậy? Vì tướng của sanh diệt quý vì tìm không thấy, tức là tốc độ của nó quá nhanh, trong ý niệm quý vị mới có diệt, thì nó đã sanh rồi, khi mới sanh, nó đã sớm diệt đi rồi.
Hiện tượng này, trong kinh giáo đại thừa nói, Bồ Tát Bát Địa có thể nhận ra được, vì Bồ Tát Bát Địa tâm đã định, định công của Thất Địa không thể được, không thể thấy được. Từ Bát Địa trở lên, định công này có thể lãnh hội được, có thể thấy được chân tướng sự thật. Do đó Phật không phải dựa vào khoa học, số học và những thiết bị khoa học, không phải dựa vào những thứ này, mà hoàn toàn dùng định công. Cái quan sát được trong thiền định là cảnh giới hiện lượng, không phải tỷ lượng, không phải phi lượng.
“Như thị thể đạt công thành, pháp giới câu tịch”. Như thị ở đây như trước đã nói “pháp tánh vi sở an, tịch chiếu vi năng an”, “thể đạt công thành”. Thể là lãnh hội, đạt là đạt được, là công phu đã thành tựu. Bồ Tát Bát Địa, “pháp giới câu tịch”, nghĩa là biến pháp giới, hư không giới, thanh tịnh vắng lặng. Tướng thanh tịnh vắng lặng này ở đâu? Ở ngay trước mắt. Bây giờ trên địa cầu thiên tai nhiều như vậy, ở Bắc Phi hiện nay xảy ra chiến tranh, rất nhiều liên quân quốc gia, khai chiến với Li-Bi. “Pháp giới câu tịch” chúng ta chưa nhìn thấy, chúng ta nhìn thấy là loạn động, loạn động là tướng thô. Bồ Tát nhìn thấy là tướng cực nhỏ. Cực nhỏ là tướng như thế nào? Là tướng không động, tức là nói phàm phu chúng ta nhìn thấy, hình ảnh này là tướng liên tục, Phật Bồ Tát nhìn thấy là thước phim, tướng của từng tấm từng tấm, không động. Tâm của chúng ta xốc nổi, tâm của Bồ Tát là định, định là chơn tâm, xốc nổi là vọng tâm. Vọng tâm thì nhìn thấy là tướng vọng, chơn tâm thì nhìn thấy là tướng chơn, chơn vọng không hai, đó là thật tướng trung đạo.
“Nhược quán sát thử tâm thể thị vô minh”. Quý vị có thể phát hiện được chúng ta ngày nay, tâm khởi tâm động niệm, tâm phân biệt, tâm chấp trước, tâm tự tư tự lợi, tâm tham, sân, si, mạn. Thể của tâm này là gì? Là vô minh, trong Phật pháp gọi đó là tâm thức, tức là a lại da, cũng gọi là thức thứ tám.
“Vô minh” nghĩa là không có trí huệ, là ngu si, si hoặc, mê hoặc. Tâm tánh vốn là minh, bây giờ vô minh, sự việc này tổ tông của chúng ta cũng biết được. Trong sách Đại học có câu: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức”. Quý vị xem ba chữ minh minh đức trong câu nói này, đức là pháp tánh, pháp tánh vốn là minh, minh tánh. Bây giờ trên đầu lại thêm một chữ minh nữa, như vậy có nghĩa là gì? Ý nói rằng minh đức đã không minh rồi, bây giờ hồi phục minh, minh minh đức. Nếu như vốn là minh, thì chữ minh trên đầu này không cần thêm nữa, chỉ là minh đức thôi. Thêm chữ này thì chúng ta biết, minh đức không còn minh nữa. Bây giờ phải cho nó minh như cũ, chẳng phải ý nghĩa này sao?
Minh đức là thể, minh đức là bổn thiện, tánh bổn thiện, minh đức là bổn thiện. Không minh thì sao? Không minh thì bất thiện. Ở thế gian này có người nói, tâm người quá xấu. Tâm xấu thì bổn thiện của quý vị biến thành bất thiện, Quý vị vốn là thiện, bổn thiện là bổn tánh của quý vị. Minh đức là chơn tâm của quý vị, bây giờ chơn tâm bổn tánh của quý vị không có, chẳng phải không có, mà bị mê mờ, không khởi tác dụng nữa. Nó khởi tác dụng, hoàn toàn là bất thiện. Tâm người hiện nay là tâm gì? Là tâm danh lợi, thích danh thích lợi, tham danh tham lợi.
Bậc hiền thánh xưa nói chúng ta biết, tâm con người ở thời đại Tam Hoàng như thế nào? Là đạo. Nói cách khác, ở trong Phật pháp nói tương ưng với tự tánh là đạo, là tự nhiên vậy. Bổn thiện, minh đức, tự nhiên hiền tiền, không có ô nhiễm.
Đến thời đại Ngũ Đế, Từ Tam Hoàng đến Ngũ Đế cũng trên năm trăm năm, khoảng năm trăm năm đến một ngàn năm. Một ngàn năm là một kỷ nguyên lớn, đạo mờ dần, chỉ mờ nhẹ, nhưng còn có đức. Tam Vương, sau Ngũ Đế là Tam Vương, Tam Vương là nhà Hạ, nhà Thương và nhà Chu. Thời đại nhà Hạ, nhà Thương và nhà Chu, đức cũng đã yếu đi, mờ đi, nhưng lại có nhân từ, mọi người đều thương nhau, “hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”, con người biết tự thương mình, người người đều thương nhau, cái này rất khó có được, không dễ dàng.
Đến thời đại Xuân Thu Chiến Quốc, người và người không biết nhau. Nói cách khác, tự tư tự lợi tăng lên. Mạnh Tử viếng thăm Lương Huệ vương, Lương Huệ vương vừa gặp ông, liền xin ông chỉ bảo, nói rằng: “Tẩu bất viễn thiên lý nhi lai”. Tẩu là cách xưng hô tôn kính đối với người già, ý nói rằng: Cụ già Người không quản đường sá xa xôi, đến thăm nước tôi. “Diệc tương hữu dĩ lợi quốc hồ?” Đại khái là Ngài đã đem đến cho nước tôi rất nhiều lợi ích! Quý vị xem, đem lợi ích đặt ngay trước mặt, Mạnh tử trả lời rằng: “Vương hà tất viết lợi? diệc hữu nhân nghĩa nhi dĩ hỷ”. Ý nói rằng, tôi mang đến cho ông không phải lợi ích, mà là nhân là nghĩa. “Nhân giả ái nhơn, nghĩa giả tuân lý”. Nghĩa có nghĩa là gì? Là khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, hợp tình, hợp lý, hợp pháp, đây gọi là nghĩa, như lý như pháp. Cho nên, thời đại bấy giờ, mọi người đều trọng nghĩa, tức là nói nghĩa khí.
Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, mười lăm năm mất nước, nhà Hán lên thay thế, Trung Quốc mới được thống nhất. Nhờ Hán Võ Đế thông minh, quốc gia mới thống nhất, lãnh thổ này diện tích lớn như vậy, nhân khẩu nhiều như vậy, làm sao quản lý được? Vua lấy kiến nghị của Đổng Trọng Thư, ở trong bách gia chư tử chọn ra nhà Nho, lấy Khổng Mạnh làm tiêu biểu. Dùng học thuyết của Khổng Mạnh để trị quốc. Đây là Hán Võ Đế cống hiến cho Trung Quốc, ông rất có công. Ông lấy lễ trị dân. Đạo, đức, nhân, nghĩa, lễ, triều đại này đã ổn định, mãi đến triều đại nhà Thanh vẫn còn tuân thủ.
Triều đại, thay đổi triều đại nhiều quá! Mỗi người lên làm hoàng đế đều tuân thủ, dùng học thuyết Khổng Mạnh để trị quốc. Triều nhà Thanh mất, Dân Quốc hưng khởi, lại lơ là việc lễ nghĩa, mới tạo thành thế giới hỗn loạn như ngày hôm nay. Xã hội hỗn loạn, địa cầu biến cố tới tấp, nguyên nhân là ở chỗ này, chúng ta chẳng thể không biết. Con người bây giờ tôn sùng khoa học, không tin tưởng luân lý đạo đức. Ở Nhật Bản bị thiên tai lần này, chúng ta thấy tin tức, báo chí trên internet, tri sự của Đông Kinh, tức là thị trưởng của Đông Kinh, hình như ông không phải đương nhiệm, là nhiệm kỳ trước, ông nói rằng: “Thiên tai này là ông trời trừng phạt chúng ta”. Do vậy có một số người, không tán thành kiến giải của ông, mời ông ra khỏi Nhật Bản.
Có một phó huyện trưởng, cũng là quan viên của chính phủ. Một người bạn ở bên Đông Kinh gọi điện nói với tôi rằng, phó huyện trưởng này nói trước mọi người, ông ta nói: “Thiên tai là do nghiệp bất thiện chiêu cảm ra, nghĩa là do chúng ta làm việc bất thiện chiêu cảm ra”. Những kiến giải này đối với giáo lý trong kinh Phật, với lời dạy của Thánh nhân hoàn toàn giống nhau. Chúng ta thật sự đã hiểu rõ, bỏ ác làm lành, cải tà quy chánh, tâm niệm ngay thẳng, thì thiên tai sẽ được hóa giải. Đây là lời ông Bố Lai Đăng người Mỹ nói. Bố Lai Đăng là một nhà khoa học, ông ta nói rằng, hóa giải thiên tai cần phải dùng tâm thái, tâm niệm đoan chánh có thể hóa giải thiên tai, không phải dùng phương pháp khoa học.
Giới khoa học biết được hiện tượng vật chất được hình thành như thế nào? Cơ sở của hiện tượng vật chất là tinh thần, tức là tâm niệm. Kiến giải này là của nhà khoa học người Đức tên là Phổ Lãng Khắc, ông là học gia lượng tử lực học, là thầy của Ái Nhân Tư Thản, ông ta đã qua đời rồi. Ông ấy nói rằng: Ở thế gian không có những thứ vật chất này, vật chất là giả. Vật chất là gì? Là ý niệm tích lũy mà sanh huyễn tướng. Vì sao huyễn tướng này phức tạp đến thế? Dựa vào lời nói của ông ta, đây là tần số không tương đồng, đều là ý niệm của chúng ta, ý niệm cũng là một loại hiện tượng không ổn định, tần số chậm thì biến thành thể rắn, vật cứng. Tần số nhanh thì biến thành thể mềm, loại này giống như thể lỏng vậy. Tần số nhanh hơn, thì biến thành thể khí.
Ngày nay chúng ta thấy nhanh nhất là biến thành sóng điện từ, biến thành sóng ánh sáng, cái này nhanh nhất. Nói cách khác, sóng ánh sáng, sóng điện từ cũng là từ tâm niệm biến hện ra. Nói cách khác nữa là hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần đều không tách rời tâm niệm. Tâm niệm này là chuyển tưởng của a lại da. Vậy chuyển tướng của a lại da từ đâu mà có? Từ nghiệp tướng mà có. Nghiệp tướng là hiện tượng không ổn định, khoa học gọi nó là năng lượng.
Hiện nay những phát hiện của giới khoa học, đã chứng minh cho Phật pháp đại thừa. Ba ngàn năm về trước, những điều Phật Thích Ca Mâu Ni nói, bây giờ họ đã chứng minh. Đây là thật không phải giả.
Thế nào gọi là vô minh? Vô minh tức là không ổn định. Pháp tánh vốn là không, không cũng chẳng thể được, không là một khái niệm trừu tượng. Quý vị không nên cho rằng thật có cái không, rồi phân biệt cái không này, chấp vào không, như thế là sai hoàn toàn.
Vì sao nói nó là không? Bởi vì nó không có hiện tượng, nó không phải hiện tượng vật chất, cũng không phải hiện tượng tinh thần. Nhưng ba hiện tượng này đều từ nó mà biến hiện ra. Bản thân nó cái gì cũng không phải, nhưng nó có thể hiện ra ba hiện tượng này. Nó có thể hiện ra hiện tướng thứ nhất, là hiện tượng tự nhiên. Từ trong hiện tượng tự nhiên, biến hiện ra hiện tượng tinh thần. Từ hiện tượng tinh thần biến, hiện ra hiện tượng vật chất. Tốc độ rất nhanh, nhanh đến mức chúng ta không thể tưởng tượng được. Chúng ta cảm thấy như ba hiện tượng này phát sanh cùng một lúc. Thật ra nó có trước sau, cái trước sau này chúng ta tìm không thấy. Ba hiện tượng này đều là giả, là đương thể tức không, là liễu bất khả đắc. Cho nên phải nhớ rằng, không cũng bất khả đắc.
“Pháp giới động lãng, danh chi vi quán”. Đây là quán, thật sự quán thông suốt. Chúng ta nói nhìn thấu, thật sự đã nhìn thấu rồi.
“Pháp giới câu tịch”, là thật sự buông bỏ. Pháp giới thanh tịnh tịch diệt, thanh tịnh bình đẳng giác.
“Pháp giới câu tịch, nhất niệm bất sanh, chiếu kiến thị pháp giới động lãng”. Đây là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Đại sư Huệ Năng khai ngộ. Hình dáng pháp giới là ra sao? Ngài nói rất đơn giản, chỉ có hai mươi bốn chữ, Ngài nói tự tánh, tự tánh là pháp giới, tự tánh là chơn như, tự tánh là pháp tánh, tức là Phật tánh. Ngài nói câu thứ nhất: “đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh”, không ô nhiễm, chưa bao giờ bị nhiễm ô, sau này cũng sẽ không ô nhiễm. “Vốn không sanh diệt”, nó thật sự là không sanh không diệt. “Vốn tự đầy đủ”, tuy rằng nó không có gì cả, nhưng cũng có thể hiện ra tất cả. Cái gì cũng không có, nhưng quý vị không thể nói nó là không. Câu thứ tư Ngài nói “vốn không dao động”, đây ý nói tự tánh vốn là định, pháp giới vốn là thanh tịnh tịch diệt. Câu cuối cùng là “năng sanh vạn pháp”, vũ trụ vạn vật, trong kinh Phật nói là biến pháp giới hư không giới. Quốc độ của hết thảy chư Phật, y báo chánh báo trang nghiêm, đều là do nó biến hiện ra. Có thể sanh, có thể hiện cõi pháp tánh, thân pháp tánh.
Như chúng ta dùng một đoạn phim, chiếu lên màn hình, mãi mãi không thay đổi. Cho nên gọi là nhất chơn pháp giới. Chúng ta đem thật nhiều đoạn phim, đặt ở trong máy chiếu, thì biến thành bộ phim. Những hình ảnh trên màn ảnh là chuyển động, là vô thường. Một tấm phim, đương nhiên là mãi mãi không chuyển động, là thường, chúng ta nhìn thấy tướng thật. Ở trong phim, chúng ta không nhìn thấy tướng thật, là từng tấm từng tấm chuyển động, chúng ta nhìn thấy tướng huyễn, mộng huyễn bào ảnh. Cho nên, tấm phim đó thuộc cảnh giới nào? là cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật, mãi mãi không thay đổi, có thể sanh vạn pháp. Có thể sanh vạn pháp, đây là sự nhiệm mầu, không thể nghĩ bàn.
Sự việc này trong kinh giáo đại thừa dạy chúng ta, chỉ có chứng đắc mới biết được. Ý nói là khi nào quý vị đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước buông bỏ hết, thì quý vị hiểu rõ. Nếu quý vị không buông bỏ, cho quý vị nói, cũng không nói được. Nếu như nói không rõ ràng, sẽ sinh ra rất nhiều hiểu lầm, quý vị nói sai rồi. Người nói đúng nhất là chư Phật Bồ tát. Các Ngài nói cho quý vị, các Ngài nói với quý vị, người căn tánh trung hạ nghe rồi đều sanh ra hiểu lầm.
Bài kệ khai kinh nói rất hay: “vô thượng thậm thâm vi diệu pháp, bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ, ngã kim kiến văn đắc thọ trì, nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”. Thật sự có thể hiểu được nghĩa chân thật của Như Lai sao? Câu kệ này là của Võ Tắc Thiên sáng tác. Võ Tắc Thiên bây giờ ở địa ngục. Nếu bà ấy thật sự hiểu nghĩa chân thật của Như Lai, sao bà bị đọa địa ngục được? Làm kệ rất hay, quý vị xem, sau khi bài kệ được sáng tác, người đời sau bất luận là tại gia hay xuất gia, có muốn làm bài kệ khai kinh, cũng không cách nào hay hơn bà ấy được. Cho nên mãi mãi dùng bài kệ của bà, một tác phẩm quá tuyệt vời. Do vậy trong tâm bà muốn nguyện hiểu nghĩa chân thật của Như Lai, thật sự đã hoàn toàn hiểu sai. Có thể thấy được sự việc này rất khó!
Phật nói lời chân thật, câu này ngài đã nói rồi chỉ có chứng đắc mới biết được, quý vị nhất định phải chứng. Phải chứng điều gì? Quý vị nhất định phải buông bỏ, buông bỏ chấp trước, quý vị chứng A La Hán, quý vị có thể hiểu được ít phần, đọc kinh nghe pháp có thể hiểu được ít phần. Nếu có thể buông bỏ phân biệt, tất cả các pháp thế xuất thế gian đều không phân biệt, thì quý vị có thể hiểu được nhiền phần, nhưng không hiểu được toàn bộ.
Nhất định phải làm đến chỗ, không khởi tâm, không động niệm. Khởi tâm động niệm gọi là vọng tưởng. Buông bỏ vọng tưởng, không khởi tâm động niệm nữa, thì quý vị hiểu được tất cả. Vì sao vậy? Vì đó là cảnh giới của chư Phật. Quý vị đã thành Phật, quý vị hiểu rõ tất cả, quý vị mới thật sự hiểu được ý nghĩa lời nói chân thật của Như Lai. Bất luận là nói dài hay nói ngắn. Nói ngắn, Phật nói một chữ quý vị cũng hiểu được. Phật nói một bộ “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh”, quý vị cũng hiểu được. Một và nhiều không hai. Đây là ở điều thứ nhất nói, cảnh giới không thể nghĩ bàn.
Nhất định phải buông bỏ, không buông bỏ là sai. Vì sao vậy? Vì tất cả đều là giả, thân của chúng ta là giả, nhà là giả, địa cầu là giả, tất cả vạn vật đều là giả. Quý vị ở trong đó, khởi tâm động niệm để làm gì? khởi tâm động niệm là đã sai rồi, quý vị còn phân biệt, chấp trước, sai, quá sai rồi!
Đem nhất chân pháp giới, biến thành lục đạo luân hồi, biến thành ba đường ác. Đem thanh tịnh bình đẳng giác, biến thành phiền não, biến thành nghiệp chướng, biến thành tội nghiệt. Những cái này không chút liên quan với người khác. Phải biết rằng trong thế gian này, không có người hại quý vị. Yêu ma quỷ quái không hại quý vị, không hại quý vị được. Vậy thì ai hại quý vị? Tự mình hại mình, đây là sự thật. Yêu ma quỷ quái, kỹ năng của nó không có gì khác, chỉ là uy hiếp dụ dỗ mà thôi, nó chỉ làm chuyện này. Uy hiếp dụ dỗ, quý vị không quan tâm thì không có chuyện gì, họ không thể cưỡng bức quý vị, dụ dỗ quý vị, quý vị tự nguyện mắc lừa mà thôi. Không còn gì để nói nữa!
Mở một sòng bạc, sòng bạc đang dụ dỗ quý vị, quý vị đến đó, có thể buôn một lời mười, lập tức phát tài, nhưng quý vị sẽ khuynh gia bại sản, điều này chẳng lẽ quý vị không biết. Quý vị chịu không được sự cám dỗ, muốn thử xem sao, có gặp được vận may không. Cuối cùng không còn cách nào khác, phải tự sát, nhảy lầu tự tử, đáng đời! Quý vị không thể đổ tội cho sòng bạc, quý vị tình nguyện đi tìm cái chết. Nhưng người mở sòng bạc, người mở sòng bạc họ dùng tâm không tốt, quả báo đó chúng ta biết rất rõ, đọa địa ngục tam đồ, vả lại tương lai rất rất phiền toái. Tuy là họ tự sát nhưng là vì quý vị dẫn dụ họ tự sát, tương lai quý vị phải đền mạng cho họ, quý vị còn phải trả tiền cho họ. Do đó quý vị phải thật sự hiểu cho rõ ràng, hiểu cho minh bạch, thì quý vị biết nghề nghiệp này là không nên làm chút nào. Tuy rằng trước mắt được món lợi kếch xù, nhưng tai họa về sau không thể lường được. Quý vị phải trả giá đau đớn như thế nào, lợi không bằng hại! Cho nên, người tốt nhất trong thiên hạ, người thiện nhất là Phật, Bồ Tát. Phật Bồ Tát là ai? Mọi người đều là Phật Bồ Tát. Chỉ cần quý vị giác ngộ, hết mê đều là Phật Bồ Tát. Còn mê là yêu ma quỷ quái.
Trong Tả Truyện có câu rất hay: “Nhân khí thường tắc yêu hưng”. Ý nói là, nếu con người bỏ đi cái thường rồi, thì họ là yêu quái, yêu quái là do con người tạo ra. Thường là gì? Là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín gọi là ngũ thường. Nếu con người bỏ đi nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, thì họ là yêu quái. Trong Tả truyện nói như vậy. Cho nên, yêu quái ở đâu? ở chỗ bất nhân, bất nghĩa, vô lễ, không có trí huệ, không có chữ tín. Đó là yêu quái, đó là yêu ma quỷ quái.
Người xưa dùng tiêu chuẩn này, không phải nói ba đầu sáu tay, mặt xanh nanh vàng, không phải nói cái này. Quý vị nên biết, truyền thống văn hóa Trung quốc với Phật pháp đại thừa, trong đó không chút mê tín, chúng ta có thể tìm hiểu, có thể tin tưởng, có thể lý giải, có thể y giáo phụng hành. Chúng ta đối với các bậc thánh hiền xưa nay, trong ngoài, mới thật sự năm vóc gieo xuống đất, thật lòng bái phục, không lời để nói, quyết định y giáo phụng hành. Vì sao vậy? Vì các ngài là thật, giống như trong kinh điển nói, thực tế chân thật, thực tế chân thật, là thật tướng của các pháp, tức là pháp tánh. Trí huệ chân thật, lợi ích chân thật, không giả chút nào.
Thầy Phương Đông Mỹ dạy Phật pháp cho tôi, bảo tôi rằng, đây là sự hưởng thụ cao nhất của đời người. Tôi đã học 60 năm, đã hưởng thụ 60 năm, ngày ngày cảm ơn, đem tấm hình của thầy thờ ở giảng đường. Ở đây tôi chia sẻ với mọi người, gặp thầy, nếu như không có thầy dạy tôi, thì cuộc đời này của tôi khổ nạn rất nhiều! Chắc chắn sẽ tiếp tục trôi lăn trong luân hồi. Làm sao có thể vượt khỏi lục đạo, vượt khỏi mười pháp giới được? Lời dạy của thầy!
Tôi gặp được ba vị thầy thật sự giỏi. Đại sư Chương Gia giúp tôi đóng gốc. Đóng gốc giáo dục của tôi, ba năm đầu được đại sư Chương Gia giúp đỡ. Sau đó lại 10 năm, thân cận thầy Lý. Thầy Lý thấy được mệnh của chúng tôi quá mỏng, sanh lòng thương xót, không có phước báo, không có thọ mạng. Dạy chúng tôi sửa đổi vận mệnh, phương pháp tốt nhất để sửa đổi vận mệnh là giảng kinh dạy học, cũng hợp thời, đây là đại sư chương gia dạy tôi. Đại sư Chương Gia khuyên tôi xuất gia, dạy tôi học Phật Thích Ca Mâu Ni. Lên bục giảng kinh dạy học, là thầy Lý dạy vậy. Tất cả vận mệnh được thay đổi, thọ mạng cũng được thay đổi.
Một đời này tâm địa thanh tịnh, làm được một chút việc thiện. Việc tốt là kế thừa huệ mạng của Phật, hy vọng chánh pháp trụ thế lâu dài. Đối với pháp thế gian, đối với truyền thống của Trung Quốc, chúng ta phát tâm tiếp nối lời dạy của các bậc thánh xưa, vì thiên hạ mở thái bình, làm việc này. Phật giáo dạy chúng ta, buông bỏ hết danh dự lợi dưỡng. Chúng ta đối với danh dự lợi dưỡng, hoàn toàn không quan tâm, hoàn toàn không để ý. Những việc này thì chúng ta nên làm. Điều chúng ta cầu chỉ có một việc, là vãng sanh thế giới Cực Lạc, thân cận Phật A Di Đà. Ngoài điều này ra, không cần gì nữa. Tâm phải thanh tịnh.
Ỏ đây tổng kết cuối cùng, “nhược ly pháp tánh vô an tâm xứ ”. Thật sự, con người bây giờ tâm thường lo sợ, rời khỏi pháp tánh thực sự không có chỗ tâm an.
“Nhược ly chỉ quán, vô an tâm pháp”. Chỉ quán là nhìn thấu, buông bỏ. Quý vị hiểu được nhìn thấu, buông bỏ, quý vị có phương pháp an tâm. Đem tâm an trú trên tự tánh. Đại sư Huệ năng nói, năm câu này là tự tánh. Ba đoạn trước trong Vọng Tận hoàn Nguyên Quán, ba đoạn trước không dài, rất ngắn. Đó là nói về tự tánh, thể, tướng, và tác dụng của tự tánh, nói rất rõ ràng. kinh Kim Cang cũng rất hay, mọi người đều rất quen thuộc, đây là phương pháp an tâm, nhưng đơn giản nhất, thù thắng nhất, chắc chắn nhất và nhanh chóng nhất, không gì hơn Phật Thuyết A Di Đà kinh. Chúng ta không cách nào an tâm ở pháp tánh, chúng ta đem tâm an tại Phật A Di Đà. Đây bảo đảm hơn an tâm tại pháp tánh, thật dễ dàng!
Trong tâm tôi chỉ có Phật A Di Đà, ngoài Phật A Di Đà ra, không có bất cứ thứ gì. Tôi chỉ muốn thấy Phật A Di Đà, những thứ khác không cần thiết, buông bỏ hết. Đảm bảo được sanh về Tịnh Độ, tâm an rồi. Tôi không muốn sống ở thế giới Ta Bà này nữa. Tôi một lòng muốn đến thế giới Cực Lạc, tâm an rồi, thì tâm định rồi. Một phương hướng, một mục tiêu, lẽ nào quý vị không thành tựu?
“Do thượng phát tâm bất ngộ”. Phát tâm bồ đề, tâm của quý vị không được khai ngộ.
“Cố dụng thử phương tiện thiện xảo, linh tâm đắc an dã ”. Điều này cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã trích dẫn rồi. “Thập thừa chi lí quán, năng phát cửu cảnh chi ma sự”. Nếu quý vị không thể ngộ, thì biến thành việc ma. Khó lắm, tịnh độ thật dễ! Quý vị xem, Thiên Thai Chỉ Quán, dạy quý vị an tâm ở trên pháp tánh. Bây giờ Tịnh Độ tông, dạy quý vị an tâm trên Phật A Di Đà. Quý vị thấy, an tại Phật A Di Đà dễ hay an tại pháp tánh dễ? Pháp tánh hư vô lúc ẩn lúc hiện, không biết nó ở đâu? Phật A Di Đà rất hiện thực. Ngày ngày ta niệm Phật A Di Đà, ngày ngày ta lạy Phật A Di Đà. Phật A Di Đà tức là tâm của ta, tâm ta tức là Phật A Di Đà, thì tốt rồi, vấn đề được giải quyết rồi. Cho nên Thập Thừa Quán Pháp không sánh bằng niệm Phật A Di Đà, nhưng Thập Thừa Quán Pháp chúng ta phải biết, quý vị mới so sánh được, Tịnh Độ tông là thù thắng.
Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.
Hết tập 337