/ 600
645

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 339

Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Nguyên Thanh

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày: 23.03.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 391, hàng thứ nhất.

Thập thừa chi lý quán, năng phát cửu cảnh chi ma sự”. Ở đây chúng ta sơ lược giải thích thêm về Thập thừa quán pháp.

Thập Thừa Quán Pháp, ở trước chúng ta học đến quán thứ 5 “Thức thông tắc”. Câu cuối cùng rất quan trọng: “Phục khủng ư thông khởi tắc, ư tắc vô thông, sở dĩ lập thử thông tắc nhất môn, kiểm bỉ phá pháp biến, linh ư tắc đắc thông, ư thông vô tắc, cố danh thức thông tắc dã”. Hôm qua chúng ta học đến đoạn này, vì hết giờ nên không giảng kỹ. Những câu này vô cùng quan trọng. Do đây có thể biết, tuy nhiều pháp môn, nhưng các pháp môn khác đều không dễ học. Nếu như không có thiền định trí huệ, thì không đoạn được tập khí phiền não. Pháp môn vốn là tốt, rốt cuộc chúng ta tu làm nó xấu đi.

Trong Tịnh Độ Tu Chứng Nghi, ý nghĩa những câu này rất thâm sâu. Thập thừa lý quán của tông Thiên Thai, tức là Thập thừa quán pháp. Quý vị xem câu dưới đây nói: “năng phát cửu cảnh chi ma sự”. Thập thừa quán pháp đều như vậy, giúp chúng ta minh tâm kiến tánh. Chúng ta không biết tu, chẳng những không thể kiến tánh, mà còn dẫn đến ma sự. Gây ra ma sự, thì quả báo không tốt rồi. Phần nhiều đều là ở ba đường ác, một số ít ở nhân gian, quý vị nghĩ xem có đáng thương không.

Vì sao như vậy? Những câu dưới đây, rất đáng cho chúng ta cảnh giác. “Phục khủng” nghĩa là sợ rằng ở nơi thông, lại sanh tắc nghẽn. Quý vị cảm thấy mình không tệ, không tệ là sao? Quý vị sanh tâm cống cao ngạo mạn, tự cho là đúng, thì đã rắc rối rồi. Quả báo của quý vị không phải là đại triệt đại ngộ, không phải là minh tâm kiến tánh. Quả báo là cống cao ngạo mạn. Cống cao ngạo mạn, có liên quan đến danh dự lợi dưỡng, càng lún càng sâu. Đây là ở nơi thông lại sanh khởi tắc nghẽn. “Ư tắc”, tắc là tuyệt đối không thông. Quý vị khởi phiền não, sanh tâm danh lợi, đem Phật pháp làm như một phương tiện, một phương pháp, một công cụ để cầu danh cầu lợi, tạo nghiệp càng nặng, khiến cho một số người đối với Phật pháp có sự hiểu lầm lớn. Phật pháp để làm gì? Chẳng phải là để được danh dự lợi dưỡng sao!

Cho nên tôi nghe rất nhiều người hủy báng Phật giáo rằng, lập nên những ngôi chùa huy hoàng tráng lệ như vậy, để làm gì? Là để chùa mở tiệm, đem Phật pháp ra buôn bán. Đây là sự hủy nhục chánh pháp rất nghiêm trọng. Tội này sẽ đọa vào địa ngục A Tỳ. Vì lý do này “sở dĩ lập thử thông tắc nhất môn”, để quý vị “kiểm bỉ phá pháp biến”. Kiểm tra xem phá pháp biến ở trước, có phải là “ư tắc đắc thông, ư thông vô tắc” hay không, đúng rồi! Biết được thông và tắc, cũng có nghĩa là biết được chánh và tà. Chánh pháp là gì? Tà pháp là gì? Nghĩa là biết được tội là gì, phước là gì? Từ một điều có thể suy ra vô số điều, để quý vị thật sự giác ngộ, thật sự hiểu rõ, không đến nỗi đem chánh pháp, trong quá trình tu học làm cho nó biến chất. Thật sự mà nói, từ xưa đến nay, tu hành biến chất đã quá nhiều quá nhiều rồi! Tông Thiên Thai mới có phương pháp như vậy, để cho chúng ta có năng lực tự mình kiểm tra.

Quán thứ sáu sau đây là: đạo phẩm điều thích.

Đạo tức năng thông chi nghĩa, phẩm loại bất đồng, xưng chi vi ‘đạo phẩm’”. Thông thường chúng ta gọi là 37 phẩm trợ đạo.

Dưới đây nói: “Vị tam thập thất đạo phẩm, nhi năng thông chí niết bàn dã”. Đây cũng là giúp cho chúng ta thành tựu.

“Điều thích”, điều là sắp xếp, điều chỉnh. Thích là thích đáng, thích nghi. Cũng có nghĩa là thích hợp.

Tùng biệt ngôn chi, cố hữu tam thập thất phẩm”. Từ mỗi cái riêng của nó mà nói, tổng cộng có 37 loại.

Nhược tùng tổng ngôn chi, thử tam thập thất phẩm, bất xuất giới định huệ”. 37 phẩm trợ đạo từ đâu mà có? Là từ giới, định huệ nói rộng ra.

Nói cách khác, “Tức thị dĩ giới, định, huệ nhi điều thích dã”. Giới, định, huệ là cương lĩnh chung, là nguyên tắc chung. 37 phẩm trợ đạo xuyên suốt tất cả pháp. Ở trong đại thừa, tông Thiên Thai đem nó chia thành Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáp và Viên giáo. Cũng là 37 phẩm trợ đạo của Tạng giáo. Thông giáo cũng có 37 phẩm trợ đạo. Biệt giáo và Viên giáo cũng như vậy. Tên gọi giống nhau, nhưng sâu cạn rộng hẹp không đồng. Càng lên cao càng sâu càng rộng. 37 phẩm trợ đạo là chung cho tất cả pháp môn. Trong sự tu tập, bất luận tu pháp môn nào, tông phái nào, bắt buộc phải học.

/ 600