/ 600
766

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 336

Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Nguyên Thanh

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày: 21.03.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải trang 391, hàng thứ nhất.

Thập thừa chi lí quán, năng phát cửu cảnh chi ma sự, dĩ ngũ uẩn sanh tử mê ám chi pháp vi cảnh cố”. Chúng ta đem Thập Thừa Quán Pháp của tông Thiên Thai, giới thiệu sơ lược cho các bạn đồng học, hiểu được nguyên tắc, nguyên lý tu hành. Không cùng tông phái, không cùng pháp môn, nhưng nguyên lý, nguyên tắc hoàn toàn giống nhau, phương pháp không giống nhau. Sau khi học xong, chúng ta đem so sánh với phương pháp Tịnh Độ tông, quý vị mới biết được sự thù thắng thật sự.

“Thập thừa lý quán”. Chúng ta đã học điều thứ nhất “quán bất tư nghì cảnh”, thực sự mà nói, trong cảnh giới bất tư nghì, là nói về thật tướng của các pháp, vũ trụ vạn pháp, chân tướng con người. Nếu như ở trong pháp quán này được phá vỡ, thật sự hiểu rõ, giác ngộ, thì vấn đề của quý vị sẽ được giải quyết. Không những vượt qua lục đạo, mà còn vượt qua mười pháp giới, quyết định vãng sanh về cõi Thật báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai, thật sự đã thành Phật, không phải giả.

Tông Thiên Thai gọi là phần chứng tức Phật, không phải là hàng thượng thượng căn. Tuy chúng ta đã học rồi, hiểu được ý nghĩa rồi, nhưng không chuyển được cảnh giới, không chuyển được cảnh giới thì chúng ta vẫn là phàm phu. Do đó phải dùng những phương pháp sau đây. Đây là chín phương pháp, chín phương pháp này học rồi mà không thể thành tựu, thì chúng ta phải chân thành niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ. Thế mới biết tu hành Phật pháp thật là khó, khó ở chỗ không dễ buông bỏ.

Thứ hai “Phát chân chánh bồ đề tâm”. Câu này nói rất hay. Vì sao vậy? Bởi thông thường ngày nào chúng ta cũng nói phát tâm bồ đề, không phải thật sự. Nếu là thật sự thì sẽ khởi tác dụng, vì không phải thật tâm bồ đề, nên không chuyển được cảnh giới. Khởi tâm động niệm, lời nói hành động, như trong kinh Địa Tạng nói: “không gì chẳng phải tội, không gì chẳng phải nghiệp”, vẫn là mỗi ngày tiếp tục tạo nghiệp. Có thể vãng sanh được không? Không thể được, vãng sanh cần phải thật sự phát tâm bồ đề.

Quý vị xem kinh Vô Lượng Thọ phẩm 24, bây giờ chúng ta chưa học đến, “Tam bối vãng sanh, vãng sanh chánh nhân”, đều nói đến phát tâm bồ đề, một hướng chuyên niệm. Nhiều vị đồng học một hướng niệm Phật, có một chút xíu như vậy, không phát bồ đề tâm, tâm không chuyển được. Như tôi thường dạy cho mọi người, hãy để Phật A Di Đà ở trong tâm, đổi lại đem những thứ linh tinh trong tâm ra ngoài, chỉ đem Phật A Di Đà vào trong. Thưa quý vị, đây là tâm bồ đề chân chánh, quý vị niệm Phật, không có người nào không được vãng sanh. Bây giờ trong tâm chúng ta có Phật A Di Đà không? Không có! Sao biết được? Vì từ chỗ khởi tâm động niệm của quý vị, quý vị mở miệng nói là biết, trong tâm của quý vị, trong tâm quý vị không có Phật A Di Đà, các thứ linh tinh quá nhiều, niệm Phật như vậy, công phu đến bao giờ mới có hiệu quả? Khó lắm!

Bây giờ trên thế giới rất nhiều thiên tai, xã hội lại rối loạn, quý vị không phát tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thì quý vị sẽ đi về đâu? Phải nói thật với quý vị, ngày nay chúng ta chỉ có hai con đường, một con đường là thế giới Cực Lạc, một con đường là địa ngục A Tỳ. Tôi không tạo tội nghiệp, làm sao tôi đọa địa ngục A Tỳ được? Không, quý vị không biết, người xuất gia mà không làm sự nghiệp xuất gia. Sự nghiệp xuất gia là gì? Là hoằng pháp lợi sanh, không phải thành tâm thành ý hoằng pháp, cũng phải thành tâm thành ý hộ pháp, cả hai đều không làm được, hoằng pháp và hộ pháp đều không làm được, đây là tạo nghiệp địa ngục. Vì sao vậy? Vì khiến cho mọi người trong xã hội hủy báng Phật pháp, xem thường Phật pháp, không tôn trọng Phật pháp, là do chúng ta làm nên, chúng ta làm không tốt, quý vị nghĩ xem đây có phải là nghiệp không?

Nếu như đệ tử của Phật đều giống thái độ, tâm lý của người xưa, đều có thể giữ giới tu định, đều có thể làm tấm gương tốt nhất, cho mọi người trong xã hội, khiến mọi người trong xã hội đối với Phật pháp, cung kính tán thán, xã hội yên ổn, thế giới hòa bình, Phật pháp hưng thịnh, đây mới không có lỗi với đức Phật.

/ 600