/ 600
578

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 335

Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Nguyên Thanh

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày: 21.03.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải trang 390, hàng cuối cùng.

“Hựu thử độ tu hành, nhược sanh ma chướng, tắc dĩ niệm Phật trị chi. Kiến Chỉ Quán cửu chi nhị”.

Đã nói ra chỗ xuất xứ, đây là tông Thiên Thai. Thiên Thai Trí Giả đại sư người nhà Đường, cuối cùng Ngài cũng niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ. Cho nên các vị tổ sư của tông Thiên Thai, cuối cùng rất nhiều người niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ. Giống như thời cận đại pháp sư Đế Nhàn, Pháp sư Đàm Hư, và pháp sư Bảo Tĩnh. Các ngài đều là bậc trưởng thượng của tông Thiên Thai. Bậc tổ sư của tông Thiên Thai, chẳng có người nào là không niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.

Những lời nói này, đặc biệt là thời nay, chúng ta phải để tâm lưu ý, bởi vì thường xuyên gặp phải những việc như vậy, gặp rồi không biết phải giải quyết như thế nào, đó là việc ma dựa, mê muội. Thông thường người ta nói là tinh thần không được bình thường, nói năng lung tung, cử chỉ thất thường, khổ không tả xiết. Nếu như gặp phải trường hợp này, phần lớn đều là oán thân trái chủ, kiếp trước có, bây giờ có, họ đến báo thù. Quý vị nghĩ xem, bất luận công phu của quý vị đủ hay không, ma lớn, đối với những việc nhỏ này của quý vị nó không để tâm, nhưng oan thân trái chủ nhỏ, họ không hiểu, họ đến để báo thù, hoặc là lấy đây làm cách để xin siêu độ, xin quý vị cứu giúp. Những tình huống này không phải là nhất định. Chúng ta cần phải bình tĩnh, cần phải dùng trí huệ quan sát, giúp đỡ họ giải quyết vấn đề. Phương pháp giải quyết căn bản, thực sự không gì hơn niệm Phật, pháp sư Quán Đảnh cũng nhận định như vậy.

Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn đã nhiều lần dạy bảo chúng ta, chúng ta tự hiểu rõ. Trong tâm chỉ có Phật A Di Đà, ngoài Phật A Di Đà ra, tất cả mọi thứ đều buông bỏ hết, thì cuộc đời này của quý vị chắc chắn không bị chuyện ma, ngay cả ma vương không đến tìm quý vị. Vì sao vậy? Bởi không có ai không tôn kính Phật A Di Đà. Một lòng cầu sanh về thế giới Cực Lạc, muốn thân cận Phật A Di Đà, chư Phật Như Lai đều tôn trọng quý vị, chúng ta tin tưởng có lý do, yêu ma quỷ quái cũng rất tôn trọng quý vị, không khó dễ với quý vị nữa, nếu quý vị phát tâm như vậy. Đối với thế gian này còn một niệm tham sân, ma sẽ đến tìm quý vị. Nó đến tìm quý vị thì làm thế nào? Phải nhanh chóng buông bỏ, tâm khởi chánh niệm, thì vấn đề sẽ được giải quyết. Chánh niệm là nhất hướng chuyên niệm, cho nên dùng phương pháp niệm Phật để đối trị.

“Hựu Tịnh Độ Tu Chứng Nghi vân, thập thừa chi lý quán, năng phát cửu cảnh chi ma sự, dĩ ngũ uẩn sanh tử mê ám chi pháp vi cảnh cố”. Đây là phương pháp tu hành quan trọng của tông Thiên Thai. Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ trích dẫn ở đây, chúng ta cũng tùy duyên đem Thập Thừa Quán Pháp giới thiệu sơ lược với mọi người, cũng cung cấp cho quí vị tham khao, thì có thể thật sự hiểu được Tịnh Độ là dễ hành đạo. Trong Phật pháp pháp nào cũng tốt, nhưng không dễ bằng niệm Phật, hiệu quả niệm Phật hết sức thù thắng.

Chúng ta dùng phần tài liệu này, được rút từ Tam Tạng pháp số, Tam Tạng pháp số dựa theo Ma Ha Chỉ Quán của tông Thiên Thai. Chúng ta gọi là Đại Chỉ Quán, nó còn có Tiểu Chỉ Quán.

Đây là một đoạn văn trong Ma Ha Chỉ Quán: “Thập thừa giả, thập thừa quán pháp dã”. Thập thừa là gọi tắt, nói cho đủ là Thập Thừa Quán Pháp.

“Thử thập thông danh thừa giả”. Trước hết giải thích thế nào gọi là Thập thừa. Thập là chữ số, nghĩa là mười, mười điều này đều gọi là thừa. Thừa nghĩa là gì? Là vận tải chi nghĩa, ngày nay chúng ta gọi là vận chuyển, như chiếc xe ở đời có thể chuyên chở, xe chở người, chở hàng hóa. Xe khách chở người, xe hàng chở hàng hóa. Bây giờ trong các loại xe, chuyên chở được nhiều nhất là xe lửa, nó ví cho đại thừa. Xe ô tô chở ít người hơn, được ví cho tiểu thừa. Thời xưa, đại thừa là chỉ cho xe ngựa, xe ngựa chuyên chở số lượng lớn. Tiểu thừa là xe dê, xe nai, xe dê, xe nai nhiều nhất chỉ có hai người ngồi, hai người thân thể nặng thì nó kéo không nổi. Cho nên Phật gọi là xe trâu trắng lớn, xe trâu trắng lớn là xe ngựa. Lấy xe ngựa, xe nai, xe dê để làm ví dụ. Đây là ý nghĩa của hai chữ vận tải.

/ 600