/ 600
1.358

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 332

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày: 19.03.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”, trang 388, hàng thứ hai, bắt đầu xem từ đoạn “chư nạn”. Ở trước chúng ta đã học qua “Tam khổ bát khổ”, bây giờ xem “bát nạn”. Chư nạn chỉ cho bát nạn. Vị kiến Phật văn pháp hữu chướng nạn, hựu danh bát vô hạ, vị vô hữu nhàn hạ dĩ tu đạo nghiệp dã”. Trong pháp Đại thừa, “nạn” tức chỉ cho tai nạn, tai nạn nghiêm trọng nhất, tai nạn lớn nhất không thuộc về thiên nhiên và con người. Hiện nay xã hội loạn động, trên trái đất thiên tai dồn dập, rất nhiều người hoảng hốt lo sợ, điều này trong giáo lý đại thừa, xem là việc nhỏ. Thật sự đó chỉ là những chuyện ngoài da. Vậy thì cái gì mới là đại nạn? Chúng sanh trong thế gian này không có cơ hội gặp Phật, nghe Pháp, đó mới là đại nạn không gì sánh bằng. Vì sao phải nói như vậy? Chúng ta phải nghĩ đến hai câu Đức Phật thường nói trong kinh điển: “thân người khó được, Phật Pháp khó gặp”. Không nghe Phật Pháp tức là đã gặp đại nạn rồi. Vì Phật pháp có thể giúp chúng ta liễu sanh thoát tử, vĩnh viễn thoát khỏi lục đạo luân hồi. Trong thế gian và trong mười pháp giới, lợi ích này là điều thù thắng không gì sánh bằng. Chư Phật Bồ Tát thị hiện trong thế gian, chưa từng gián đoạn. Được thân người nhưng không nghe được Phật Pháp thì đó gọi là gặp nạn. Chư Phật Bồ Tát từ bi, trong sáu nẻo bất luận ở nẻo nào các ngài cũng đều hiện thân, vô cùng từ bi. Nhưng trong cõi người nghe pháp tu hành chứng quả là dễ nhất. Đây là chỗ đáng quí của thân người. Các cõi khác khó hơn cõi người. Nhưng nay tại thế gian này đã thay đổi rồi, thay đổi đến vô lý, thay đổi đến không thể tưởng được. Ngày nay chúng ta thường nghe nói, cõi ma quỷ nghe pháp tu hành còn dễ hơn là cõi người, cõi súc sanh nghe pháp tu hành cũng dễ hơn là cõi người. Nói cách khác, câu nói này rất là khó nghe, vậy người không bằng quỷ, người không bằng súc sinh rồi.

Kinh này đức Thế Tôn nói từ ba ngàn năm trước, Ngài nói cho con người nghe, chứ không phải nói cho quỷ hay cho súc sinh nghe. Chúng ta nên hiểu ý này.

Gặp Phật, Phật không còn tại thế nữa, có thể nhìn thấy tượng Phật, có thể nghe đến danh hiệu Phật Bồ tát, đó là người có phước rồi. Người vô phước thì suốt đời này không nhìn thấy hình tượng Chư Phật Bồ tát, cũng không nghe được danh hiệu Phật Bồ tát. Điều này cũng là sự thật vậy. Việc này ngay trước mắt. Chúng ta ở trong thành phố nhỏ này, ở đây đã mười năm rồi, các vị đi loanh quanh trong thành phố này nhìn xem, trong thành phố này được bao nhiêu người nhìn thấy hình tượng Phật Bồ tát, được bao nhiêu người nghe được danh hiệu Phật Bồ tát?

Học viện Tịnh Tông tại thành phố này đã mười năm rồi, tối thứ bảy hàng tuần chúng tôi đều tổ chức buổi tiệc ấm cúng, cúng dường miễn phí, tiếp đãi bạn bè đến học viện tham dự. Họ có phước đến được đây, nhìn thấy tượng Phật, nghe được danh hiệu Phật. Đó là “ nhất lịch nhĩ căn, vĩnh vi đạo chủng”. Người ở thành phố này có phước lắm, mười năm rồi chưa gián đoạn. Cho nên ở thành phố này người nhìn thấy tượng Phật cũng nhiều, người nghe được danh hiệu Phật Bồ tát cũng nhiều. Còn một số ít thường tham gia thời khóa sáng tối của chúng tôi, đến học viện làm công quả. Theo Pháp Đại thừa mà nói, thiện căn phước đức nhân duyên của họ không thể nghĩ bàn. Vậy thì có chướng ngại khi thấy Phật nghe pháp chính là gặp nạn vậy.

Chướng ngại từ đâu mà có? Rất nhiều nhân tố, rất phức tạp. Suy cho cùng thì vấn đề vẫn là phát xuất từ bản thân mình thôi. Bản thân thế nào? Trong đời quá khứ nếu gặp rồi, hủy báng Phật pháp, chướng ngại Phật Pháp, đó là nhân gây tạo từ quá khứ, đời này quả báo xuất hiện, nhân chúng ta tạo trong kiếp này, đời sau nhất định quả báo sẽ đến, nghiệp nhân quả báo chẳng mảy may sai khác. Thấy Phật nghe pháp sinh tâm vui mừng, sinh tâm cung kính. Tiến thêm bước nữa có thể hộ trì Phật Pháp, người này phước báo vô cùng, phước báo này thật lớn lao !

Chư Phật Bồ tát đại triệt, đại ngộ, giác ngộ không mê mờ. Các Ngài xuất hiện tại thế gian này, làm gương cho chúng ta noi theo, đại đa số đều thị hiện xuất gia tu hành, khai ngộ chứng quả. Các ngài thị hiện những hình tượng này cho chúng ta thấy. Chúng ta thấy rồi hiểu rõ, giác ngộ, y giáo phụng hành. Đặc biệt là nhân duyên thù thắng, quí vị có thể gặp được Tịnh Tông, có thể gặp được “kinh Vô Lượng Thọ”, đó mới là hi hữu. Đến nay bản kinh “ kinh Vô Lượng Thọ” được cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập. Cư sĩ này là người như thế nào? Có người thông linh nói với tôi rằng, cư sĩ Hạ Liên Cư là hiện thân của Bồ tát Phổ Hiền. Không bàn thật giả, tỉ mỉ quan sát sinh thời của Hạ lão cư sĩ, dùng mười đại nguyện vương để đối chiếu, ngài giống hay không? Nếu như có vài phần giống, thì ít nhất ông cũng học tập Bồ tát Phổ Hiền. Bồ tát Phổ Hiền có 51 cấp bậc:

/ 600