Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 331
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Giảng ngày: 18.03.2011
Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”, trang 387, bắt đầu xem từ câu cuối cùng của hàng thứ hai.
“Tam, hành khổ”. Điều thứ ba trong tam khổ là Hành khổ. Phi khổ phi lạc, nhân niệm niệm thiên lưu, cố danh vi hành. Chung quy biến diệt, cố viết hành khổ”. Đây là thiên nhân trong cõi trời vô sắc giới. Nên Phật nói Tam giới đều khổ. Ở dục giới, ba loại khổ đều đầy đủ. Chính là khổ khổ, hoại khổ, hành khổ. Cõi trời sắc giới, không có khổ khổ, vì định của họ đã chế ngự được tập khí phiền não. Họ chưa đoạn, mà là chế ngự. Chỉ cần có định phiền não sẽ không khởi hiện hành, nên họ không có bát khổ, khổ khổ. Họ có hoại khổ và hành khổ.
Cao hơn nữa là chư thiên trong cõi trời vô sắc giới. Ngay cả thân thể cũng đều không có, nên chúng ta có thể gọi họ là linh giới, họ không có thân thể. Họ cũng không cần chỗ ở như cung điện phòng nhà. Họ không cần những thứ này, nên không có hoại khổ. Nhưng họ có hành khổ. Hành khổ nghĩa là, cảnh giới của họ không thể duy trì vĩnh viễn. Chư thiên trong cõi trời vô sắc giới, họ tu vô sắc giới định. Còn sắc giới thiên tu tứ thiền. Chư thiên ở cõi trời vô sắc giới có tứ định, hợp lại gọi là tứ thiền bát định. Công phu thiền định của họ có kỳ hạn, có hạn chế về thời gian. Cao nhất là trời phi tưởng phi phi tưởng. Định công của họ có thể duy trì tám vạn đại kiếp. Hết tám vạn đại kiếp thì định của họ sẽ mất đi. Chỉ cần mất định, thì tập khí phiền não lại xuất hiện. Nên họ không thể vĩnh viễn duy trì không thay đổi, nên gọi là hành khổ.
Đức Phật dạy, tam giới đều khổ. Trong kinh Pháp Hoa so sánh tam giới như nhà lửa, nghĩa là nói khu vực này không an ổn. Trời phi phi tưởng, sau tám vạn đại kiếp vẫn phải bị tiêu diệt. Cuối cùng rồi cùng bị biến diệt. Trong mắt phàm phu chúng ta, thì thời gian tám vạn đại kiếp quá dài. Nhưng trong cảnh giới của họ, tám vạn đại kiếp như là một sát na. Như người thế gian chúng ta nhìn côn trùng phù du trên mặt nước, chúng có thể đi lại trên mặt nước, nhưng thọ mạng của con phù du chỉ có mấy tiếng đồng hồ. Mấy tiếng đó là một đời của chúng. Chúng thấy con người trên thế gian của chúng ta có thể sống đến 100 tuổi, cũng như chúng ta thấy chư thiên ở cõi trời phi tưởng phi phi tưởng vậy, không có gì khác biệt. Quý vị xem, cõi nhân gian của chúng ta, khi con người sống đến tám chín mươi tuổi, họ cảm thấy 100 năm quá nhanh. Giống như một khảy mong tay vậy. Đúng như thế. Cho nên chúng ta có thể lãnh hội được, chư thiên ở cõi trời phi tưởng phi phi tưởng xứ. Trong cảm giác của họ, tám vạn đại kiếp cũng chỉ là một sát na. Cảm nhận không giống nhau. Nên đức Thế Tôn vì chúng ta mà tổng kết, thế gian này là vô thường, thế gian này là khổ, là không. Vô thường, khổ, không. Thật bất khả đắc. Điều gì cũng không đạt được.
Nếu không gặp được Phật pháp, gặp được sự giáo huấn thánh hiền cũng không được. Vì giáo huấn của thánh hiền không rốt ráo, nó chỉ giúp chúng ta sanh thiên mà thôi. Như trời Dục giới, trời Sắc giới, trời Vô sắc giới. Thánh hiền ở thế gian này chưa ra khỏi luân hồi lục đạo. Nên gặp được Phật pháp, đó là phước báo lớn! Có mấy ai có thể gặp được. Gặp được nhưng bây giờ phải nói bổ sung thêm một câu, phải là thật chứ không phải giả. Vì giả thì cũng vô ích, gặp được thật thì đó là niềm vui lớn! Thật sự có thể giúp ta giải quyết vấn đề luân hồi lục đạo, giúp chúng ta liễu sanh thoát tử, ra khỏi ba cõi. Đây là đại sự nhân duyên, không phải là việc nhỏ. Từ trên khả năng mà nhìn, trên bài kệ khai kinh có nói: “trăm ngàn vạn kiếp khó gặp được.” cư sĩ Bành Tế Thanh cho chúng ta biết, việc này là vô lượng kiếp đến nay, hy hữu khó gặp được ngày này. Vậy ta làm sao gặp được!
Chúng ta quay đầu nhìn lại, hiện nay cư dân cư trú trên địa cầu. Giới khoa học dự tính, có khoảng 65 ức đến 67 ức. Nhiều nhân khẩu như vậy, nhưng có được mấy người trong đời này được nghe Phật pháp? Quá ít. Chúng ta ngày này dùng công cụ của khoa học kỷ thuật cao như vệ tinh, internet, đĩa. Khiến số người có cơ hội nghe được Phật pháp nhiều hơn. Nếu không có những thứ này, quý vị thử nghĩ xem, được mấy người có thể nghe pháp? Thật sự quá khó. Đem Phật pháp viết thành kinh điển, viết thành chú giải lưu thông số lượng không nhiều. Quý vị trang bản quyền có in, cũng chỉ là một ngàn hai ngàn cuốn. Nhưng toàn thế giới có đến 65 ức người, mấy ngàn cuốn sách này tính vào đâu? Quá ít. Huống gì, hai ngàn cuốn in ra, có được hai ngàn người xem chăng?. Hai ngàn cuốn sách xuất bản, nếu có được hai trăm người xem thì cũng không tệ rồi. Đây là một phần mười, mười cuốn sách có một người xem. Nếu văn tự hơi khó một chút, nghĩa lý thâm sâu một chút. Người ta xem không hiểu, sẽ không hứng thú. Như vậy người xem ngày càng ít, ít đến đáng thương. Đừng tưởng rằng ngày nay người niệm Phật rất nhiều. Quý vị tỷ mỷ quan sát mà xem, người thật sự niệm Phật không nhiều, người giả niệm thì rất nhiều.