596

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 328

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 16.03.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Chúng ta tiếp tục xem những điều Thiên Thân Bồ Tát nói trong Vãng Sanh Luận.

“Phật quốc độ thập thất chủng trang nghiêm công đức lực bất khải tư nghị”. Mười bảy loại này chúng ta học đến loại mười hai: chủ trang nghiêm.

Chúng ta bắt đầu học tiếp thứ mười ba quyến thuộc trang nghiêm. Chủ là thầy giáo, quyến thuộc là học sinh. “Chư Bồ Tát chúng, do Như Lai chánh giác chi hoa hoá sanh dã”. Quyến thuộc này từ đâu đến? Thế giới Cực Lạc có thể nói là thuần mà không tạp, mỗi người vãng sanh đều đầy đủ những điều kiện mà thế giới Cực Lạc yêu cầu. Điều kiện không phù hợp thì không thể vãng sanh. Bất luận là chúng sanh như thế nào, chúng ta biết nơi thế giới Cực Lạc có Bồ Tát, có nhị thừa, có thiên nhân, có tu la, la sát. Trong nhân đạo cũng có thiện nhân, ác nhân, có nam nữ già trẻ. Còn có súc sanh vãng sanh, quỹ đạo vãng sanh, địa ngục vãng sanh, rất nhiều. Bất luận là đường nào vãng sanh, đều cần phải đầy đủ những điều kiện mà trong kinh điển đã nói.

Điều kiện này chủ yếu nhất là phát tâm bồ đề một lòng chuyên niệm. Trong phát tâm còn có điều kiện. Trong kinh Di Đà Đức Thế Tôn giới thiệu cho chúng ta, là thiện căn phước đức nhân duyên. Không thể thiếu thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh về nước này. Có thể thấy đây là điều kiện rất quan trọng. Là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc của tất cả chư Phật giáo hoá chúng sanh. Phật A Di Đà cũng tuyệt đối không làm trái với những điều này. Đây là điều kiện cơ bản. Đó là gì? Giới định tuệ tam học. Tam học, lục độ, lục hòa là điều kiện cơ bản. Bất luận tu pháp môn nào đều cần phải đầy đủ. Không thể nói pháp môn tịnh độ là ngoại lệ, không cần giới định tuệ, không cần lục độ. Điều này không thể có, không làm được. Điều này trong kinh giảng rất nhiều.

Pháp môn tịnh độ là pháp môn Phổ Hiền, có sự liên quan mật thiết nhất với Phổ Hiền. Phẩm thứ hai trong kinh này “Đức Tôn Phổ Hiền”. Trước đây ở Mỹ, tôi quen cư sĩ Hoàng Niệm Tổ. Ông ta chỉ ở Mỹ một tháng. Khi trở về Bắc Kinh, tôi đến Bắc Kinh thăm ông, ông hy vọng tôi ở Mỹ, Ca Na Đa, ở hải ngoại kiến lập Tịnh Tông học hội. Đây là hy vọng cả một đời của Hạ Liên Cư. Điều này ở trong nước làm chưa thành công, chỉ có đề xuất đến mà chưa thành lập. Tôi vô cùng hoan hỷ tiếp nhận ý này. Thực sự mà nói thì Tịnh Tông Học Hội chính là Liên Xã ngày xưa, chỉ đổi danh từ mới, nội dung không có gì sai biệt, chính là Liên Xã. Bây giờ nói Liên Xã có rất nhiều người không lý giải được, đặc biệt đây đều là danh xưng của tôn giáo, rất đậm bản sắc của tôn giáo.

Hạ Liên Cư rất có trí, ông nói đạo tràng Phật giáo chúng ta, đều nên dùng học viện, học hội. Học viện là nơi bồi dưỡng nhân tài. Học hội là đạo tràng tu tập. Suy nghĩ này rất hay. Tịnh Tông học hội đầu tiên của chúng ta thành lập tại Uân Ca Hoa. Tôi đến đó giảng kinh một tháng, sau khi giảng xong họ đã thành lập Tịnh Tông học hội Canada_là cái đầu tiên. Tôi từ Canada về đến Gia Châu, ở đó giảng kinh, các vị đồng học nơi đó thành lập Tịnh Tông học viện ở Mỹ, không phải ở thành phố Tam Phiên. Thành phố Tam Phiên có một trấn nhỏ là Tang Ni Duy Nhĩ, do nhóm đồng tu của Dương Nhất Hoa tổ chức, bây giờ vẫn còn. Đây là Tịnh Tông học hội đầu tiên tại Mỹ. Về sau đến nhiều nơi giảng kinh, hình như ở Mỹ và Canada, tất cả có hai ba mươi hội. Bây giờ có mấy nơi mà tôi không biết. Trước khi tôi rời Mỹ, tôi biết có hơn ba mươi hội. Bây giờ trên toàn thế giới, chỗ Tịnh Tông học hội nhiều nhất là Malaysia. Nghe nói Malaysia có đăng ký của chính phủ, có hơn năm mươi hội. Không có đăng ký đại khái có thể gần một trăm hội. Tịnh Độ Tông ở Malaysia đặc biệt thù thắng, không có khu vực nào hơn nơi đây. Họ rất nhiệt tâm, đây là việc tốt. Người học Phật chân chánh rất đông. Chỗ này rất tốt, xã hội an định, ít thiên tai. Âu Châu cũng có không ít, cũng có mấy tịnh Tông học hội. Âu Châu là nơi đất nhiều người ít, nhân khẩu cư trú đều tập trung dọc quanh biển. Ở giữa đất liền rất ít người trú. Cho nên ở vùng ven biển có mấy đô thị lớn, đều có Tịnh Tông học hội.

Tịnh Tông học hội khi mới thành lập, tôi đã viết phần duyên khởi. Đưa ra phương pháp tu học cụ thể, có năm khoa mục. Những gì chúng tôi căn cứ là Tịnh Độ Ngũ Kinh Nhất Luận. Lý luận và phương pháp đều y cứ kinh giáo. Năm khoa mục, khoa mục trên việc hành trì này. Thứ nhất là Tịnh nghiệp tam phước. Đây là nguyên tắc chỉ đạo tối cao của Tịnh tông, xuất phát từ “Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh”. Đức Phật nói với phu nhân Vi Đề Hy. Điều thứ nhất: “Hiếu đưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Điều thứ hai: “Thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi”. Điều thứ ba: “Phát bồ đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng đại thừa, khuyên tấn hành giả”. Tiếp đó Phật lại nói, ba điều này là tịnh nghiệp chánh nhân của chư Phật ba đời. Câu này rất quan trọng. Ba đời là quá khứ, hiện tại, tương lai. Phàm phu, Bồ tát tu hành thành Phật đều y theo ba điều này. Ba điều này là Tịnh Nghiệp Chánh Nhân, là nguyên tắc chỉ đạo tối cao. Rất rõ ràng chúng ta có thể lãnh hội được.