/ 600
531

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 327

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình minh

Thời gian: 16.03.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời mọi người xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”, trang 386 hàng thứ 4, chúng ta bắt đầu xem từ đầu.

“Cố viễn ly hư nguỵ điên đảo, thị vi chân thật công đức”. Cái gì là hư nguỵ điên đảo? Trong giáo lý đại thừa, Đức Thế Tôn thường nói vọng tưởng phân biệt chấp trước. Vọng tưởng là hư nguỵ, phân biệt chấp trước chính là điên đảo. Viễn ly là đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước buông bỏ hết. Đây chính là công đức chân thật. Hay nói cách khác, công đức chân thật là nhất niệm bất sanh. Vì sao nhất niệm bất sanh là công đức chân thật? Nhất niệm bất sanh là chân tâm. Chân tâm vốn không dao động, chân tâm vốn tự thanh tịnh. Chân tâm vốn tự đầy đủ, có thể sanh ra muôn pháp. Đây là công đức chân thật.

Buông bỏ hư nguỵ điên đảo không phải là vô tưởng định. Điều này nhất định phải hiểu cho rõ ràng minh bạch. “Cái gì tôi cũng không nghĩ đến”, đây là vô tưởng định. Tại sao? Trong tâm có “cái gì tôi cũng không muốn”. Nhưng thật sự ta vẫn là đang muốn_muốn cái gì cũng không muốn đó. Cho nên đây là giả chứ không phải là thật. Vô tưởng định cũng rất đáng sợ. Họ ở cõi trời Sắc giới. Tứ thiền, Đệ tứ thiền, Tứ thiền thiên. Tứ thiền có cửu thiên, trong đó có trời vô tưởng. Định này tu thành công, sẽ vãng sanh đến đó. Thiên này là Thiên nhân, đều là cái gì cũng không muốn, nhập vào Vô tưởng định. Họ không thể ra khỏi tam giới, không thể ra khỏi luân hồi. Sau khi định công mất đi, vẫn phải luân hồi trong lục đạo. Điều này chúng ta nhất định phải biết. Viễn ly hư nguỵ điên đảo, đây là chân công phu. Điều này cần phải luyện, nhưng luyện ở đâu? Chính là trong cuộc sống hằng ngày, trong công việc của, trong cách đối nhân xử thế tiếp vật của chúng ta.

Trong Phật pháp nói, lục căn chúng ta tiếp xúc cảnh giới lục trần. Đầu phải luyện không chấp trước. Tôi nhìn rất rõ ràng, nghe rất rõ ràng không còn chấp trước. Và từ chỗ này bắt đầu luyện. Luyện thành công không chấp trước rồi thì thật đáng nể. Không chấp trước luyện thành công thì thật là không còn chấp trước. Pháp trong thế xuất thế gian tất cả không còn chấp trước, như vậy là chứng quả A la hán, ra khỏi luân hồi lục đạo.

Hay nói cách khác, lục đạo từ đâu mà có? Lục đạo là từ chấp trước mà có. Có chấp trước là có lục đạo. Không chấp trước thì lục đạo không có. Đạo lý này cần phải hiểu. A la hán siêu việt luân hồi lục đạo, chính là vì những gì trong lục đạo họ hoàn toàn buông bỏ, không còn chấp trước. Nhưng họ vẫn còn phân biệt, còn vọng tưởng. Nên họ có thể ra khỏi lục đạo nhưng không ra khỏi mười pháp giới. Bên ngoài lục đạo còn có tứ thánh pháp giới. Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật họ không vượt ra được. Trong lục đạo, phàm phu gọi là nội phàm. Bên ngoài lục đạo, tứ thánh vẫn là phàm phu gọi là ngoại phàm- phàm phu ngoài lục đạo. Phàm thánh dùng tiêu chuẩn nào để chia ra? Dùng chân tâm và vọng tâm.

Dùng chân tâm là thánh nhân, dùng vọng tâm là phàm phu. Hay nói cách khác, tứ thánh pháp giới cũng là dùng vọng tâm. Vọng tâm chính là A lại da. Cho nên A la hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, Phật là Phật trong mười pháp giới. Đều chưa viễn ly A lại da, vẫn là dùng A lại da. Chỉ là tứ thánh pháp giới dùng chơn chánh, còn lục đạo dùng tà nguỵ, dùng sai lệch. Là vọng tâm, nhưng là vọng tâm sai lệch tà nguỵ. Tứ thánh pháp giới dùng vọng tâm, nhưng là vọng tâm thuần chánh. Thuần chánh từ đâu mà có? Do Phật Bồ Tát giáo huấn mà có. Thật sự y giáo phụng hành. Đã rời ngã tướng, đã buông bỏ, nhưng chưa rời ngã kiến. Tứ thánh pháp giới đều đã phá tứ tướng, nhưng chưa phá tứ kiến.

Trong kinh Kim Cang nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến. Nếu phá được tứ kiến họ sẽ vượt ra mười pháp giới, đó chính là pháp thân Bồ Tát. Họ ở nơi cõi thật báo trang nghiêm của Như Lai. Cõi thật báo trang nghiêm của Như Lai, cũng chính là cõi thật báo trang nghiêm của chính mình. Điều này chẳng thể không biết. Ở chỗ này nói công đức chân thật. Địa vị này rất cao, nhất niệm bất sanh. Cảnh giới này là cảnh giới của viên giáo sơ trụ Bồ Tát và biệt giáo sơ địa trong Kinh Hoa Nghiêm, cũng chính là những gì trong thiền tông nói, phá nhất phẩm vô minh chứng nhất phần pháp thân. Thường nói đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Cảnh giới này là kiến tánh thành Phật, pháp thân Bồ Tát chân thật công đức.

/ 600