/ 600
532

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 314

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 03.03.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”, trang 368, hàng thứ ba từ dưới đếm lên.

“Khứ Diêm Phù Đề bách thiên câu chi na do tha Phật sát, hữu thế giới danh viết Cực Lạc”.

Đây chính là chỉ phương lập hướng. Đức Phật A Di Đà vì tiếp dẫn chúng sanh trong mười phương thế giới mà thị hiện như vậy. “Thượng cú thị Tống dịch văn”, bản dịch của thời nhà Tống. “Nguỵ dịch vi thập vạn ức sát”, phiên dịch này đơn giản hơn nhiều. “Đường dịch vi thập vạn ức Phật sát, Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh”. Đây là tiểu bổn kinh A Di Đà do ngài Huyền Trang phiên dịch. “Đồng Tống Dịch”, hoàn toàn tương đồng với bản dịch của chúng ta ở đây. “A Di Đà Kinh đồng Nguỵ Đường lưỡng dịch, chư dịch bất đồng”. Năm loại bản dịch này phiên dịch không giống nhau. “Kỳ cố hữu nhị”, đây là nguyên do có hai loại bất đồng.

“Nhất giả, như Pháp Hoa sở thuyết, tuỳ chúng sanh căn khí sở thuyết danh tự bất đồng, niên kỷ đại tiểu. Thị cố lưỡng độ cự ly diệc khả bất đồng”. Ấn Độ cổ và Trung Quốc đo lường đong đạc không giống nhau. Đây đều đứng về sự mà nói. “Thật giả Cực Lạc ta bà giai biến nhất thiết xứ, hổ dung hổ nhiếp, bổn vô cự ly chi khả ngôn”. Đây là xưng tánh mà nói. Cũng chính là dùng thật tướng các pháp để nói, dùng chân tướng của tất cả pháp để nói. Nó không có cự ly, không có xa gần. Vì sao? Vì thế giới Cực Lạc biến khắp mọi nơi, biến pháp giới hư không giới. Thế giới ta bà cũng biến khắp mọi nơi. Chúng ta khởi tâm động niệm cũng như vậy biến khắp mọi nơi.

Hiền Thủ đại sư trong Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán nói rất rõ ràng. Đoạn đầu tiên ngài nói với chúng ta về bản thể. Điều này ngày nay khoa học và triết học còn chưa phát hiện. “Tự tánh thanh tịnh viên minh thể”. Rối cuộc nó là cái gì? Chưa có ai có thể nói ra được. Đức Phật có cách nào nói ra chăng? Phật cũng không thể nói ra. Giới khoa học đối với điều này cũng mù mờ, không biết. Đây là nguồn gốc của muôn pháp trong vũ trụ. Muôn pháp trong vũ trụ từ đâu mà có? Là từ tự tánh mà có. Nhưng nó không phải vật chất, không phải là tinh thần, cũng không phải là hiện tượng tự nhiên. Nên bất cứ máy móc nào của khoa học cũng không cách nào đo lường được nó. Đức Phật nói “duy chứng phương tri”. Chứng nhập cảnh giới này thì sẽ biết.

Biết được cũng không nói được. Bởi nói ra người khác cũng không hiểu, chỉ có người chứng được cảnh giới giống như vậy mới hiểu được. Kỳ thật Phật nói ra “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” chính là những gì ngài Huệ Năng nói. Vốn tự thanh tịnh, vốn không sanh diệt, vốn tự đầy đủ, vốn không dao động, có thể sanh vạn pháp. Chúng ta nghe rồi cảm thấy thế nào? Hình như đã hiểu. Nhưng thực tế thì sao? Thực tế không hiểu. Vốn tự thanh tịnh, nhưng thanh tịnh đến trình độ nào thì không biết. Bất sanh bất diệt, nhưng tại sao bất sanh bất diệt cũng không biết. Nên đây là bản thể mà trong triết học nói.

Từ thể khởi dụng, khởi lên hai dụng. Một là y báo, nghĩa là vũ trụ xuất hiện. Một tác dụng khác là chánh báo. Chánh báo là gì? Chánh báo là chỉ chính mình, là ta xuất hiện, chứ không phải chỉ cho người khác. Người khác là chánh báo của họ, họ là y báo của ta. Ta là chánh báo, tất cả mọi người đều là y báo của ta. Y báo cũng chính là cảnh sinh tồn của ta. Trong môi trường có môi trường nhân sự, có môi trường vật chất, có môi trường tự nhiên. Nên chánh báo nghĩa là nói đến chính mình. Ta xuất hiện, ta với vũ trụ đồng thời xuất hiện. Còn việc này thì sao? Trong đối thoại của Thế Tôn và Bồ Tát Di Lặc nói rất rõ, “nhất niệm bất giác”. Nhất niệm bất giác không có nguyên nhân. Không có quá khứ, cũng không có vị lai. Nói cách khác, cũng chính là không có hiện tại. Không có quá khứ, không có vị lai thì làm gì có hiện tại? Nên niệm này gọi là vọng niệm, gọi là vô thỉ vô minh. Niệm này là duyên khiến A lại da xuất hiện.

A lại da là năng biến. Tất cả vạn pháp nghĩa là mười pháp giới y chánh trang nghiêm là sở biến. Hư không pháp giới cũng là sở biến của nó. Tánh là năng hiện năng sanh, thức là năng biến. Ở đây nói rất rõ ràng. Hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần với ta. Ta và vật chất, là y báo và chánh báo. Nó đang chấn động rất nhanh, đều là hiện tượng dao động. Bất động thì hiện tượng sẽ không có. Tinh thần là hiện tượng dao động, vật chất cũng là hiện tượng dao động. Hiện tượng dao động của tinh thần nhanh hơn hiện tượng vật chất. Nhưng bất luận là tinh thần dao động hay vật chất dao động, nhất định có ba loại hiện tượng phát sanh. Chính là ba loại chu biến.

/ 600