Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 313
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: ngày 03 tháng 03 năm 2011
Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”, hàng thứ hai ở dưới lên, trang 367.
“Thượng hiển pháp thân lý thể, chân thật chi tế. Hạ minh phương tiện phổ độ, chân thật chi lợi. Lý bất ngại sự, tịch nhi thường chiếu. Bi tâm vô tận, thuỳ tích độ sanh. Cố hạ vân, đãn dĩ thù nguyện độ sanh, hiện tại tây phương…v.v…”
Câu trước bộc lộ rất rõ ràng. Ở trên nói Như Lại không đến không đi, không sanh không diệt, đây là nói pháp thân lý thể, thuộc về chân thật thực tế. Chân thật thực tế chính là bản tánh chân như, là thật tướng các pháp. Đức Thế Tôn tuỳ thuận chân đế mà nói. Chân đế là cảnh giới Đức Phật đã thân chứng, không phải phàm phu có thể biết được.
Đoạn này từ “đãn dĩ thù nguyện độ sanh, hiện tại tây phương dĩ hạ”. Đây là phương tiện phổ độ, lợi ích chân thật. Là tuỳ thuận Tục đế. Chân đế là nói về lý, Tục đế giảng về sự, lý không trở ngại sự. “Tịch nhi thường chiếu”, đây là lý, là tự tánh khởi dụng.
“Bi tâm vô tận, thuỳ tích độ sanh”. Đây chính là thực hiện bổn nguyện. Bồ Tát trước khi thành Phật, đã từng phát đại nguyện phổ độ cúng sanh. Bây giờ Bồ Tát đã thành tựu, bổn nguyện này tự nhiên được viên mãn. Nguyện chắc chắn không phải nguyện suông, cũng có nghĩa là chẳng có nguyện nà không thể thực hiện được. Đạo lý này rất thâm sâu. Bất luận là ác nguyện hay thiện nguyện, Bồ Tát phát nguyện là thiện nguyện độ chúng sanh. Còn nguyện của lục đạo chúng sanh là báo ân báo oán, cũng giống như vậy đều thực hiện được. Đời đời kiếp kiếp tâm nguyện này đều đi theo nghiệp báo của chúng ta, nó sẽ không rời bỏ. Gặp được duyên quả báo liền xuất hiện. Nên phát nguyện không phải là trò đùa, không phải chỉ để nói chơi, phải thật sự thực hiện.
“Bồ Tát đãn dĩ thù nguyện độ sanh hiện tại tây phương. Thù giả, báo dã, đáp dã”. Tục ngữ chúng ta gọi là báo đáp. “Thù nguyện tức tục ngữ chi hoàn nguyện”. Trong nhân gian, đặc biệt là các vùng nông thôn. Mọi người đều hiểu, phát nguyện trước mặt Chư Phật Bồ Tát, thần linh. Nếu sự việc thành tựu họ sẽ đến tạ lễ, hoàn nguyện. Hoàn nguyện là báo đáp, “vị thực tiển kỳ bổn nguyện”. Nguyện của Bồ Tát Pháp Tạng, tức là chỉ 48 nguyện trong nhân địa. “Kim ký thành Phật”, hiện tại đã thành Phật. “Tắc bổn nguyện trung vô lượng quang thọ đẳng đẳng tam chủng trang nghiêm, vô nhất bất thực hiện dã”. Ba loại trang nghiêm này chính là trong Vãng Sanh Luận nói gồm có: Quốc độ trang nghiêm, Phật trang nghiêm, Bồ Tát trang nghiêm.
Chúng ta đổi thành danh từ khác để mọi người dễ hiểu. Quốc độ là đạo tràng, đạo tràng trang nghiêm. Phật là thầy, Bồ Tát là học sinh. Như vậy mọi người sẽ dễ hiểu hơn. Chúng ta đến thế giới Cực Lạc để làm gì? Chúng ta chẳng thể không biết! Đến thế giới Cực Lạc để học, để đi học. Sau khi tốt nghiệp ở trường này thì gọi là thành Phật. Cho nên đây là trường học để thành Phật, hiệu trưởng là Phật A Di Đà. Giáo thọ là mười phương chư Phật và pháp thân bồ tát. Không phải đến đó để làm việc khác. Sau khi học thành tựu rồi thi làm gì? Sau khi học thành tựu rồi sẽ ở nơi quốc độ của tất cả chư Phật trong biến pháp giới hư không giới, giúp Như Lai dạy học, giúp chúng sanh thành Phật, giúp chúng sanh lìa khổ để được niết bàn an vui. Sau khi học thành tựu họ làm những việc này.
Họ không giống với người thế gian. Người thế gian làm những việc này là họ có thù lao. Có danh có lợi có thù lao. Chư Phật Bồ Tát làm những việc này không có thù lao, không có danh lợi. Vì Sao? Người tốt nghiệp ở thế giới Cực Lạc, họ ở đâu? Họ ở cõi thường tịch quang. Quý vị nhất định phải biết, thường tịch quang ở mọi nơi mọi lúc. Cùng với biến pháp giới hư không giới khởi dụng cảm ứng đạo giao. Chúng sanh có cảm thì lập tức sẽ có ứng. Người có cảm, có tâm, họ là phàm phu. Nghĩa là họ có tâm có niệm. Ứng của Như Lai và pháp thân Bồ Tát, không có tâm, không có niệm. Vi diệu là ở chỗ này. Cảm và ứng là tuỳ duyên. Tuỳ duyên mà không chấp tướng, không khởi tâm động niệm. Đây gọi là diệu, gọi là tuỳ duyên diệu dụng. Quý vị nghĩ xem việc này có tốt hay không? Nếu cảm thấy không tốt, nghĩ rằng công việc này quá đơn điệu. Như vậy thì quí vị tiếp tục lăn lộn trong luân hồi lục đạo, luân hồi lục đạo rất náo nhiệt.