/ 600
614

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 315

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 04.03.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”, trang 370, hàng thứ sáu từ dưới đếm lên. Chúng ta bắt đầu xem từ câu cuối cùng.

“Chí ư Cực Lạc đồng cư, trì lưu nhập đức, thọ doanh thất trân, bảo liên phật quang, biến mãn quốc độ. Thuỷ điểu thọ lâm, diễn thuyết diệu pháp. Chư thượng thiện nhơn, nhập chánh định tụ, vĩnh ly chúng khổ. Duy thọ đại thừa pháp lạc, thị vi đồng cư tịnh độ”.

Ở trước chúng ta thấy cõi phàm thánh đồng cư của thế giới Ta bà, đặc biệt là ở thời đại hiện nay, thực sự như trong kinh đã nói, tràn đầy sự bất tịnh. Hỗn loạn độc ác có thể nói là đạt đến cực điểm. Tạo thành xã hội động loạn, địa cầu tai biến khác thường. Chúng sanh sống trên địa cầu này không có cảm giác an toàn, thì lấy đâu ra niềm vui? Phú quý bần tiện đều không hưởng được niềm an vui. Những gì họ nhận được đều là khổ, so với cõi đồng cư của thế giới Cực Lạc thì hoàn toàn không tương đồng.

Cõi đồng cư của thế giới Cực Lạc, “trì lưu bát đức”. Đây là nói về nước. Bất luận ở đâu, nước trong ao báu đều là nước tám công đức. Tám công đức trước đây đã học qua. Trên địa cầu của chúng ta hiện nay, nước sạch ngày càng ít. Nước biển bị ô nhiễm, sông hồ bị ô nhiễm, đại địa bị ô nhiễm. Nên nước từ trong lòng đất đều không thanh tịnh, đều bị ô nhiễm nghiêm trọng, đem đến độc hại cho tất cả chúng sanh. Đây thật sự là bi thảm cho thế giới. Chúng ta thấy cây cối ở thế giới Cực Lạc, “Thọ doanh thất trân”. Doanh là đầy khắp. Khắp cây đều là trân bảo. Còn cây cối hiện nay của chúng ta đều dùng thuốc và phân bón, nên trái cây xem ra thì hình như tốt hơn trước kia. Vừa lớn vừa đẹp, nhưng ăn lại không có mùi vị gì. Không tươi ngon như loại trái cây trước đây.

Cùng một đạo lý đó, chúng ta sẽ biết được, bây giờ hoa quả cây cối không nuôi người. Thậm chí đối với lúa gạo, do nước và đất đai bị ô nhiễm độc tố. Nên trồng trọt ra những lương thực, trái cây đều có vấn đề. Đó là nguyên nhân vì sao người bây giờ bệnh nhiều như vậy? Cổ nhân nói bệnh vào từ miệng. Do những thứ chúng ta ăn không được tinh sạch, nước uống không tinh sạch, nên bệnh từ đây mà có. Bây giờ các nhà khoa học thường đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng.

Thế kỷ trước tiến sĩ Thang Ân Tỷ người nước Anh, cực lực đề xướng việc trồng trọt của nhân công trước đây. Không dùng máy móc, không dùng thuốc hay phân bón. Có lý chứ không phải là vô lý. Nhưng người bây giờ vì muốn lợi nhuận nhiều mà không từ thủ đoạn. Chỉ cần cây cối vừa lớn vừa dễ nhìn, còn đối với thân thể con người có bị tổn hại hay không họ chẳng quan tâm. Họ chỉ cần thành phẩm có thể tiêu thụ, kiếm được nhiều lợi ích là họ cảm thấy vừa ý rồi. Vì sao? Vì con người mất đi lòng yêu thương. Đầy tự tư tự lợi, không biết thương người khác. Thật như người xưa nói, khởi tâm động niệm đều là tổn người lợi mình. Quý vị nghĩ xem quan niệm này đáng sợ biết bao! Nhưng quan niệm này đã đầy khắp trên địa cầu. Nếu không tăng cường thay đổi, cư dân trên địa cầu không thể quay đầu. Tôn giáo tây phương nói ngày tận thế, rất có thể là không tránh được.

Người học Phật chúng ta rất may mắn, có thể di dân đến thế giới Cực Lạc. Môn học này, bộ kinh này là giới thiệu cho chúng ta vãng sanh thế giới Cực Lạc. “Bảo liên Phật quang”, đây là hoa sen trong ao thất bảo. Hoa sen là chỗ ở của mười phương chúng sanh khi vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, gọi là liên hoa hoá sanh. Hoa sen có bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì, nên nó có ánh sáng của Phật “biến mãn quốc độ”. Ao hoa sen bảy báu biến khắp thế giới Cực Lạc. Phật quang cũng biến khắp thế giới Cực Lạc.

“Thuỷ điểu thọ lâm”, âm thanh nước chảy cũng thuyết pháp. Tiếng gió thổi lay cây cũng nói pháp. Cây ở thế giới Cực Lạc đều là cây báu. Do một loại châu báu thành tựu, hai loại châu báu thành tựu, cũng có nhiều châu báu thành tựu. Đẹp không sao tả hết. Gió thổi vào rừng cây, khi lá cây xào xạc, âm thanh của nó giống như chuông gió vậy. Chẳng những âm thanh mỹ diệu, mà nó còn “diễn nói diệu pháp”. Chim chóc ca hót. Lắng nghe tiếng hót của nó, sẽ thấy toàn là kinh luận. Nên đến thế giới Cực Lạc, bất luận ở đâu. Những điều ta thấy, những điều ta nghe đều là đại thừa diệu pháp.

/ 600