/ 600
867

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 312

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 02.03.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”, kinh văn hàng thứ nhất, trang 366.

“A Nan văn Phật sở thuyết, bạch Thế Tôn ngôn. Pháp Tạng bồ Tát, thành bồ đề giả. Vi thị quá khứ Phật da, vị lai Phật da. Vi kim hiện tại, tha phương thế giới da”.

Tôn giả A Nan sau khi nghe Đức Thế Tôn nói xong, ngài đưa ra một vấn đề. Pháp Tạng Bồ Tát hiện nay đã thành Phật. Ngài là Phật quá khứ, Phật vị lai hay là Phật hiện tại? Phật hiện nay chắc chắn không ở thế giới ta bà, vì một thế giới chỉ có một vị Phật. Đức Thế Tôn là Phật hiện tại, như vậy Bồ Tát Pháp Tạng thành Phật khẳng định là ở thế giới tha phương. Bên dưới là Đức Thế Tôn trả lời ngài.

“Thế Tôn cáo ngôn, bỉ Phật Như Lai, lai vô sở lai, khứ vô sở khứ. Vô sanh vô diệt, phi quá hiện vị lại”.

Trả lời này hoàn toàn thuận theo chân đế. Cũng chính là nói, Chư Phật Như Lai và cảnh giới của pháp thân Bồ Tát. Chứng đắc vô thượng bồ đề, thời gian và không gian đều đã đột phá. Đột phá thời gian chính là không có quá khứ hiện tại vị lai. Không gian nếu không tồn tại thì không có thế giới này và thế giới tha phương. Nên đây là chân tướng sự thật. Không thể nói là quá khứ hiện tại hay vị lai. Đồng thời Bồ Tát đã thành Phật, cũng không có đến đi, không có sanh diệt. Thành Phật như thế nào? Đã giác ngộ. Giác ngộ viên mãn gọi là thành Phật, gọi là thành bồ đề. Thành tựu bồ đề, bồ đề là đại triệt đại ngộ.

Bên dưới là nương theo tục đế mà nói. “Đãn dĩ thù nguyện độ sanh hiện tại tây phương”. Hiện là thị hiện. “Khứ Diêm phù đề, bách thiên câu chi na do tha Phật sát, hữu thế giới danh viết Cực Lạc, Pháp Tạng thành Phật, hiệu A Di Đà. Thành Phật dĩ lai, ư kim thập kiếp, kim hiện tại thuyết pháp, hữu vô lượng vô số Bồ Tát thanh văn chi chúng, cung kính vi nhiễu”.

Đây là thuận theo tục đế. Thực sự có một nơi như vậy, Đức Phật ở trong đó giảng kinh dạy học, giáo hoá chúng sanh. Thật có việc này.

Chúng ta xem chú giải của Hoàng niệm Tổ. “A Nan tùng sự khởi vấn”. Hoàn toàn là tuỳ việc mà xét. “Thế Tôn như lý chánh đáp”. Năm câu hàng thứ nhất ở trước, Thế Tôn là từ cảnh giới hiện chứng của Chư Phật Như Lai mà trả lời. “Sự lý vô ngại, diệu hiển trung đạo”.

“Thế Tôn cáo A Nan viết, bỉ Phật Như Lai, lai vô sở lai, khứ vô sở khứ. Thử dữ Kim Cang Kinh trung, Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai”. Chỉ một vị không sai khác, hoàn toàn là cùng một ý nghĩa.

“Linh Phong đại sư” chính là Ngẫu Ích đại sư. Ngài ở Mục Sơn Tây Thiên, đạo tràng gọi là Linh Phong Tự. Người đời sau tôn kính ngài, nên gọi ngài là Linh Phong đại sư.

“Kim Cang Phá Không Luận giải chi viết”. Kim Cang Phá Không Luận là của ngài Ngẫu Ích đại sư trước tác. “Dĩ chân như vô biệt xứ sở, khả tùng bỉ lai. Sanh tử vô biệt xứ sở, thả tùng thử khứ. Cố dĩ hữu duyên tắc hiện, thí như thuỷ thanh nguyệt hiện, nguyệt thật bất lai. Duyên tận tắc ẩn, thí như thuỷ trược nguyệt ẩn, nguyệt thật bất khứ cố. Thử diệc chánh thị bổn kinh, thử tam cú kinh van chi giải”.

Đây là thật tướng các pháp, chân tướng của tất cả pháp đều như vậy. Chân như vô biệt xứ sở, sanh tử cũng vô biệt xứ sở. Nó ở đâu? Ngay tại đây, ngay hiện tiền. Cách nói này của chúng tôi, các vị đồng tu sẽ không phản đối, sẽ không có nghi vấn. Vì sao? Quý vị có nền tảng Pháp Hoa. Huống gì chúng ta đã học qua hai lần “Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán” của quốc sư Hiền Thủ.

Trong kinh Hoa Nghiêm nói, thật tướng các pháp không có đối lập. Quá khứ, hiện tại, vị lai là đối lập. Không có đối lập nghĩa là không có thời gian. Không có xa gần nghĩa là không có không gian. Cho nên ý niệm vừa động liền biến pháp giới hư không giới. Vì sao? Bởi không có cự ly. Một là tất cả, tất cả là một, đây mới là chân tướng sự thật. Hiện tượng này từ đâu có? Vũ trụ từ đâu có? Năng sanh vạn pháp, vạn pháp từ đâu có? Trong kinh Lăng Nghiêm Đức Thế Tôn dạy rằng: “đương xứ xuất sanh, tuỳ xứ diệt tận”. Cách nói này của đức Thế Tôn trong kinh Bồ Tát Xứ Thai, là đối thoại giữa Thế Tôn và Bồ Tát Di Lặc, đã nói một cách tường tận thấu triệt. Sao gọi là đương xứ xuất sanh? Cái gì gọi là đương xứ diệt tận? Bồ Tát Di Lặc nói, một khảy móng tay có 32 ức trăm ngàn niệm. Mỗi niệm thành hình, đó chính là xuất sanh, là “hình giai hữu thức”.

/ 600