/ 600
470

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 306

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 27.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”, trang 359, hàng thứ 6. Chúng ta bắt đầu đọc từ đây, đây là một đoạn nhỏ.

“Như Duy Ma Kinh trung chi bảo thủ dữ diệu bích nhị Bồ Tát. La Thập đại sư viết, bảo thủ giả, thủ trung năng xuất vô lượng trân bảo dã. Hựu vân, dĩ thí báo cố. Thủ xuất vô tận vật bảo, như ngũ hà lưu, cố danh diệu bích”. Ở trước chúng ta đã học đến đây.

Bên dưới “Nghĩa Tịch sư phán thử vi thập địa Bồ Tát chi hành, dĩ trí độ thành cố”. Đứng về mặt nghĩa kinh mà xem. Trong kinh Hoa Nghiêm nói đây là cảnh giới sự sự vô ngại, chắc chắn không phải người thường có thể làm được. Pháp thân đại sĩ mới có năng lực này. Hành thập địa Bồ Tát và thập độ đã viên mãn. Trong Kinh Hoa Nghiêm đem thập ba la mật phối hợp với thập địa Bồ Tát. Sơ địa Bồ Tát bố thí ba la mật. Nhị địa Bồ Tát trì giới ba la mật. Tam địa Bồ Tát nhẫn nhục ba la mật. Lục độ phía sau còn thêm phương tiện, nguyện, lực, trí. Địa thứ mười sau cùng là trí ba la mật. “Trí độ thành cố”, nghĩa là đã tu viên mãn thập ba la mật, mới có năng lực này.

“Diệu trí dung thông, cố tuỳ ý vô ngại”. Tuỳ ý ở đây không phải tuỳ ý của Bồ Tát. Bồ Tát không có ý, điều này nhất định phải nhớ. Bồ Tát không có phiền não, không có khởi tâm động niệm, không có phân biệt chấp trước, tuỳ theo ý của chúng sanh. Trong kinh Lăng Nghiêm nói: “tùy chúng sanh tâm ưng sở tri lượng”. Tự nhiên xuất hiện không có chút miễn cưỡng nào. Chúng sanh muốn cầu điều gì thì tự nhiên hiện ra điều đó. Đây mới thật sự gọi là đại tự tại.

“Tịnh Ảnh viết, thủ xuất cúng cụ, cúng dường chư Phật”. Ngài Huệ Viễn đời nhà Tuỳ, trong chú giải Ngài nói trong tay hiện ra công cụ để cúng dường. Trên cúng chư Phật. Công cụ cúng dường này từ đâu mà có? Chắc chắn không phải từ Phật sanh ra. Tâm Phật thanh tịnh, tịch nhiên bất động. Tâm Bồ Tát cũng thanh tịnh. Phật và Bồ Tát đều ở trên sân khấu biểu diễn, chúng ta biết là các ngài biểu diễn cho mọi người xem, không sai chút nào. Những vị Bồ Tát này đều là pháp thân đại sĩ trong cõi thật báo trang nghiêm. Các ngài diễn xuất như vậy là để chúng sanh trong mười pháp giới xem. Nói cách khác là giáo hoá chúng sanh trong mười pháp giới. Phải đem tâm chí thành cung kính cúng dường Tam Bảo và phổ thí chúng sanh. Chính là ý này. Nên những thứ công cụ cúng dường này hầu như mỗi thứ đều có. Như hương hoa, bảo cái cần thứ gì có thứ đó. Công cụ trang nghiêm của tất cả chúng sanh trong mười pháp giới, đều xuất hiện trong tay Bồ Tát. Chúng sanh trong mười pháp giới đều nhìn thấy, họ cũng đã học được. Học được hiếu dưỡng phụ mẫu, học được phụng sự sư trưởng, học được cúng dường chư Phật, học được bố thí chúng sanh. Chúng sanh bao gồm hữu tình và vô tình đồng viên chủng trí.

“Nghĩa Tịch vân, thí chư hữu tình, cúng dường Tam Bảo”. Cúng dường Tam bảo là thế gian trú trì Tam bảo. Đức Phật không còn trú thế, chỉ còn tượng Phật và Bồ Tát. Điêu khắc tượng Phật cũng tốt, đắp tượng Phật cũng tốt, họa tượng Phật cũng được. Cúng dường tượng Phật, cúng dường tượng Bồ Tát, tượng A la hán. Đây là cúng dường Phật bảo và Tăng bảo, lưu thông kinh giáo là cúng dường Pháp bảo. Đức Thế Tôn tại thế là thì nương Phật làm thầy, Phật không tại thế thì nương pháp làm thầy. Nương pháp làm thầy chính là lấy dạy học làm thầy. Điều này nhất định cần phải biết.

Kinh điển nếu không có dạy học, chỉ đọc mà không biết ý nghĩa. Như vậy nó sẽ không khởi tác dụng. Không những cần phải hiểu ý nghĩa của kinh điển, mà còn phải thâm nhập kinh tạng. Vì sao? Bởi nó giúp chúng ta khai ngộ. Nó giúp ta minh tâm kiến tánh. Đọc hằng ngày, nếu biết đọc cũng được. Then chốt là ở chỗ có biết đọc hay không. Then chốt học tập kinh điển cũng ở chỗ biết học hay không biết. Người biết học sẽ không chấp trước tướng văn tự, không chấp trước tướng danh tự, không chấp trước tướng tâm duyên, đây gọi là biết học. Người biết đọc là đo nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục, đây là biết đọc. Người biết đọc biết học đều được tam muội, đều được khai ngộ, đều có thể minh tâm kiến tánh, đây thật sự bảo.

/ 600