/ 600
541

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 307

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 28.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải” trang 361. Bắt đầu xem từ hàng thứ ba, hàng thứ ba câu thứ hai.

“Nhất thiết tự tại, tức nhất thiết vô ngại, diệc tức nhất thiết viên thành hỷ. Viên mãn thành tựu, dung thông vô ngại, tài viết tự tại”.

Đức Thế Tôn tổng kết đoạn văn trước, Ngài tán thán Pháp Tạng tỳ kheo tu mười nguyện của đại hạnh Phổ Hiền, mới có thể tích luỹ vô lượng vô biên chủng chủng công đức. Đây là tu nhân, chiêu cảm được quả đức là đối với tất cả pháp được đại tự tại. Nhất thiết tự tại nghĩa là tất cả đều vô ngại. Chướng ngại đều không có, có thể tuỳ ý biến hoá. Tất cả viên mãn thành tựu. Đây là điều mà trong đại thừa giáo thường dạy chúng ta. Chúng ta có thể buông bỏ tất cả, cần phải biết rõ tất cả pháp trong thế xuất thế gian. Tất cả pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc.

Pháp thế gian bất khả đắc, Phật pháp cũng bất khả đắc. Vì sao? Tự tánh không phải là hiện tượng vật chất, không phải hiện tượng tinh thần, cũng không phải là hiện tượng tự nhiên. Như vậy thì được điều gì? Tự tánh là cái chân thật duy nhất tồn tại. Nó không phải nghiệp tướng nên không có sở đắc. Chúng ta có ý niệm được mất, đây chính là vô thỉ vô minh, là nguồn gốc của tất cả phiền não chướng ngại. Chỉ cần buông bỏ những điều này liền được kiến tánh. Như thế nào gọi là kiến tánh? Được đại tự tại chính là kiến tánh. Cũng chính là tất cả pháp đều đã viên mãn thành tựu. Tất cả chúng sanh trong biến pháp giới hư không giới có cảm, chúng ta có thể đồng thời ứng với tất cả chúng sanh. Đây là đại tự tại!

Vô lượng chúng sanh có cảm, ta có thể ứng với vô lượng chúng sanh. Cũng giống như màn hình trước mắt chúng ta vậy. Màn hình chính là tự tánh, hình ảnh trong đó thiên biến vạn hoá, là huyễn tướng. Cũng ví như mười pháp giới y chánh trang nghiêm, chỗ nào có cảm thì nơi đó liền có ứng. Mỗi tấc vuông, mỗi điểm trên màn hình nó đều ứng, thiên biến vạn hoá. Trong Hoàn Nguyên Quán nói xuất sanh vô tận. Xuất sanh vô tận là ứng. Kỳ thật chúng ta với Chư Phật Như Lai không có gì khác biệt. Chư Phật nói lời chân thật nhưng do chúng ta nghe không hiểu. Lời chân thật là gì? Tất cả chúng sanh vốn là Phật, vốn là thành Phật. Thành Phật nghĩa là sao? Chính là hai câu này, thêm vào ở trước một câu là ba câu. Tất cả tự tại, tất cả vô ngại, tất cả viên thành. Đây gọi là thành Phật. Ba câu này ở trước mặt chúng ta, ngay tại đây. Đáng tiếc là chính chúng ta không biết. Đây gọi là mê. Mê nó vẫn khởi tác dụng, nó vẫn là tất cả tự tại. Vì chúng ta mê, vì có phân biệt chấp trước nên không tự tại. Quý vị thử nghĩ xem, đoạn tận phân biệt chấp trước liền được tự tại, có phân biệt chấp trước là không tự tại.

Tất cả vốn là vô ngại, hiện nay có phân biệt chấp trước nên nó bị chướng ngại. Vô lượng vô biên chướng ngại. Tất cả vốn viên thành, tất cả đều viên thành là giống như cõi thật báo. Cũng chính là vì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên tất cả viên thành đều đã biến chất. Biến thành mười pháp giới, biến thành lục đạo, biến thành tam đồ. Hoàn toàn bị biến chất. Biến chất là giả, là hư huyễn. Viên thành mới là thật. Nhất chân pháp giới là thật, không thay đổi. Là chính mình nhìn sai chứ không phải thật sự biến. Thật thì làm sao thay đổi được? Là do chính mình ngộ nhận.

Chúng ta đem màn hình ví với tự tánh. Tự tánh đầy đủ ba đức: tự tại, vô ngại, viên thành. Người mê thì sao? Hình ảnh trên màn hình xuất hiện, người này lo sợ: Ôi da! Tôi đã bị nhiễm ô. Tôi không thích hình ảnh này, hình ảnh này làm nhiễm ô tự tánh. Tình trạng giống như vậy. Trong khoảng sát na, hình ảnh này lại thay đổi. Họ trước sau đều chưa giác ngộ, cho rằng lâu nay đều đang nhiễm ô. Không biết rằng vốn không nhiễm ô. Ngài Huệ Năng nói tự tánh vốn tự thanh tịnh không nhiễm ô, vốn không dao động, không động_tự tánh không động. Lý và sự này đều rất thâm sâu. Là người tu tập lâu năm, nghe kinh nhiều năm rồi, cách nói này quý vị sẽ lãnh hội được một chút. Người mới học nghe không hiểu, không biết tôi nói gì.

“Viên mãn thành tựu, dung thông vô ngại, tài viết tự tại”. Đây là giải thích hàm nghĩa của hai chữ tự tại. Viên mãn thành tựu chính là viên thành. Thông là không có chướng ngại, không có trở ngại. Đây gọi là đại tự tại. Người minh tâm kiến tánh gọi là được đại tự tại.

/ 600