/ 600
520

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 305

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 27.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu

 

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”, trang 357, từ dưới đếm lên hàng thứ sáu.

Ở trước vẫn còn một câu. “Dĩ thượng cái biểu Bồ Tát dĩ thiện căn lực. Cảm đắc sanh sanh tôn quý, đức cao vọng trọng, tài phú sung túc. Nãi chí hoặc vi nhân vương, hoặc tác thiên đế, thượng hoằng hạ hoá, năng mãn sở nguyện”.

Câu này là giảng tiếp cõi trời lục dục ở trước, nói đến Đại Phạm Thiên. Đều lấy đa thiện căn, đa phước đức để thành tựu. Con người sống ở đời không thể không tu thiện căn. Thiện căn của thế gian có ba loại là không tham, không sân, không si. Đức Phật dạy tất cả thiện pháp trong thế gian đều từ ba thiện căn này sanh ra. Tương phản của nó gọi là tam độc, thâm sân si gọi là tam độc. Cũng chính là nói tất cả các pháp bất thiện, tất cả tội nghiệt của thế gian đều từ tham sân si mà sanh ra.

Từ đó cho thấy, thiện căn sanh thiện ra thiện pháp, bất thiện sanh ác pháp. Đức Phật dạy nhất định phải tu ba thiện căn, không có ba thiện căn thì chẳng thể vào cửa Phật. Trong kinh Di Đà Đức Thế Tôn nói, không thể thiếu thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh về cõi đó. Nói cách khác, điều kiện cơ bản để vãng sanh về thế giới Cực Lạc là phải đầy đủ đa thiện căn, đa phước đức, đa nhân duyên. Quý vị thấy thế gian có người đại phước đức. Hoặc là làm vua của cõi người, hoặc là làm vua của cõi trời. Đây là đại phước đức. Thiện căn phước đức như vậy mới có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc, cần phải đầy đủ các điều kiện. Không có điều kiện này làm sao có thể vãng sanh được.

Phước đức nên tu từ đâu? Tu từ lục độ ba la mật. Tứ nhiếp pháp, lục độ là tu phước. Chúng ta có nỗ lực làm chăng? Nhiều nhất là thực hành một ít bố thí. Tài thí, pháp thí, vô uý thí mà chúng ta thường nói. Nhưng sáu ba la mật, một tức là sáu, sáu tức là một. Chúng ta chỉ tu bố thí, còn rất sơ sài đối với trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Do vậy trong ba loại bố thí, người đời chỉ đạt được một chút ít phước báo, ít của cải, một chút thông minh trí huệ, một ít sức khoẻ trường thọ. Chỉ đạt được những thứ này. Còn những lợi ích chân thật không đạt được.

Nếu mỗi một độ trong sáu độ đều đầy đủ, viên mãn lục độ ba la mật thì đây là đại phước báo. Ở cõi người thì làm vua, còn ở cõi trời thì làm vua trời, ở trong pháp xuất thế là Bồ Tát. Những điều nói trên đây, đều là nói rõ thiện căn lực của Bồ Tát. Chỉ có sức mạnh của thiện căn, thiện căn và phước đức mới chiêu cảm được đời đời sanh vào gia đình tôn quý. Sống một ngày thì phải tu một ngày, nhất định phải mở rộng tâm lượng, có thể bao dung vũ trụ, điều này không phải là khoa trương.

Trong kinh điển Đức Thế Tôn nói, tâm lượng bổn tánh của mỗi người đều lớn như vậy. “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Chư Phật Như Lai đều là như vậy, tất cả chúng sanh cũng như vậy không sai khác. Chỉ có chúng sanh mê mất tự tánh, phạm vi khởi tâm động niệm của họ quá nhỏ. Chỉ biết lợi ích chính mình, chứ không biết lợi ích chúng sanh. Phàm là người đều thương yêu. Đây là lợi ích nhỏ, tâm lượng vẫn chưa lớn. Mười pháp giới y chánh trang nghiêm, họ chỉ nghĩ đến pháp giới người. Trong mười phần chỉ nghĩ đến một phần, còn chín phần khác họ không nghĩ đến. Tâm lượng của họ có thể gọi là lớn sao? Tâm lượng quá nhỏ. Người tâm lượng nhỏ như vậy nhưng hiện nay cũng rất khó tìm. Con người bây giờ chỉ biết bản thân, tự tư tự lợi. Ngoài bản thân mình ra, cha mẹ con cái của họ họ cũng không nghĩ đến. Tâm lượng nhỏ biết bao! Tâm lượng càng nhỏ thì tầng lớp quả báo đạt được càng thấp. Thấp đến cuối cùng chính là địa ngục vô gián. Nên cổ nhân thường nói lượng lớn thì phước lớn. Lời này rất có lý. Lượng nhỏ phước báo nhỏ, lượng lớn phước báo lớn.

Trì giới có phải là bố thí chăng? Là bố thí. Là làm thật tốt để mọi người xem. Làm gương cho chúng sanh, làm mẫu cho chúng sanh. Như vậy sao có thể nói không phải bố thí? Trong đó tài thí, pháp thí, vô uý thí đều bao hàm tất cả. Nhẫn nhục là bố thí, tinh tấn cũng là bố thí. Thiền định, bát nhã vẫn là bố thí. Hy vọng trong một pháp bố thí, sẽ bao hàm tất cả năm pháp khác. Thật sự là một tức tất cả, tất cả tức là một. Đây gọi là Bồ Tát đạo, là pháp bồ đề. Họ chiêu cảm được, bất luận là cõi nào, nơi nào, ở đâu đều sanh vào gia đình tôn quý, có đạo cao đức trọng được mọi người tôn kính.

/ 600