Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 298
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 23.02.2011
Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 351, hàng thứ ba từ dưới đếm lên. Bắt đầu xem từ câu sau cùng, ba chữ sau cùng.
“Cho nên Tịnh Ảnh Sớ nói, tam muội thường tịch, chỉ hành thâm sâu”. Niệm Lão có chú thích nhỏ về chỉ hành: “Chỉ hành, tức tu hành thiền định, dừng tâm một chỗ gọi là chỉ, là tên khác của Thiền định”. Tam muội là tiếng Phạn, tiếng cổ Ấn độ, khi phiên dịch dùng âm dịch. Khi giải thích ý nghĩa của nó, tam muội thường tịch. Tam muội chính là thiền định, cũng dịch là thiền định.
Tịnh Ảnh Sớ là chú giải Kinh Vô Lượng Thọ của đại sư Huệ Viễn thời nhà Tùy, đối với câu này ngài giải thích rằng: “chỉ hành thâm sâu”. Phật pháp có rất nhiều phương pháp tu hành, gọi là tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, phương pháp nhiều đến như vậy. Nhưng quy nạp những phương pháp này lại, không ngoài hai loại lớn, một là quán, hai là chỉ. Quán chính là nhìn thấu. Chỉ tức là buông bỏ.
Khi tôi mới học Phật, lần đầu tiên gặp người xuất gia là đại sư Chương Gia. Tôi thỉnh giáo ngài rằng: khi thầy Phương giới thiệu Phật pháp cho con, con đã hiểu, Phật pháp không phải mê tín, Phật pháp là đại học vấn. Con thỉnh giáo đại sư, có phương pháp nào khiến chúng con nhanh chóng khế nhập chăng? Ngài nói: có. Nhìn phải thấu, buông phải được. Nhìn thấu chính là quán, buông bỏ chính là chỉ. Lúc đó đại sư không dùng chỉ quán, nếu dùng chỉ quán tôi sẽ hồ đồ, không biết thế nào gọi là chỉ, thế nào gọi là quán, càng nói càng không rõ ràng. Đây là đại sư dùng phương tiện thiện xảo, nói như thế tuy tôi không hiểu một cách thấu triệt, cũng có ấn tượng mơ hồ, nhìn thấu, buông bỏ.
Nhìn thấu là gì? Hiểu rõ ràng minh bạch chân tướng sự thật, gọi là nhìn thấu. Sau khi nhìn thấu ta sẽ buông bỏ. Buông bỏ cái gì? Buông bỏ chấp trước, buông bỏ phân biệt, buông bỏ vọng tưởng. Điều này trong kinh luận đại thừa Đức Phật không ngừng nhắc nhở chúng ta. Vì sao vậy? Câu ở trước quán pháp như huyễn hóa, chúng ta đã hiểu. Quán pháp như huyễn hóa là nhìn thấu, tam muội thường tịch chính là buông bỏ, thấy rõ chân tướng sự thật.
Thế gian này, không phải là thế gian này, trong giáo lý đại thừa thường nói về lục đạo thập pháp giới. Là giả, không phải thật, tất cả mọi hiện tượng đều là huyễn tướng, liễu bất khả đắc. Vấn đề này, mãi đến nay, cũng có thể nói là 30 năm gần đây, các nhà khoa học phát hiện, giải trừ nghi vấn của chúng ta. Vì quá khứ chúng ta tin, không hoài nghi, nhưng luôn có chút nghi hoặc.
Trong kinh đại thừa Đức Phật nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Hiện tượng này hiện rõ ràng trước mắt, sao lại là hư vọng? Người thời xưa thật thà, nghe lời, Phật là thánh nhân, tuyệt đối không gạt người. Phật nói là hư vọng, nhất định chính là hư vọng, nhưng chúng ta không nhìn thấy hư vọng.
Giống như chúng ta xem film, thấy hình ảnh trên màn hình, hình như rất chân thật, không biết là hư vọng. Nếu xem máy chiếu, mới biết đó là hư vọng. Thì ra từng tấm từng tấm film nhựa trong máy chiếu, không phải thật. Là do tốc độ di động của những tấm film nhựa này, chúng ta bị hoa mắt, tưởng rằng là thật. film ảnh hiện nay tiến bộ hơn, không cần băng nhựa, không dùng phim đèn chiếu, dùng kỹ thuật số. Tần suất hiện nay của ti vi, so với film tần suất cao hơn nhiều. Film một giây chỉ có 24 tấm, 24 lần sanh diệt chúng ta đã bị nó đánh lừa. Ti vi hiện nay, film kỹ thuật số hiện nay, như CD mà chúng ta đang dùng, tốc độ nhanh hơn quá nhiều so với máy chiếu film. Cho nên hình ảnh ngày càng chân thật, chúng ta không nhận ra chỗ sơ hở của họ.
Các nhà khoa học nói với chúng ta, tất cả những hiện tượng này. Hiện tượng vật chất cũng được, hiện tượng tinh thần cũng được, đều là ý niệm. Một ý niệm ví như một tấm film đèn chiếu, ý niệm này khởi lên hiện tượng liền xuất hiện, nhưng nó lập tức biến mất, đạo lý rất tương tự với hình ảnh trên film. Quý vị xem film, chúng ta dùng film trước đây, không thể dùng film bây giờ. Mở ống kính ra, một tấm film đèn chiếu phát ra trên màn hình, film đèn chiếu chiếu lên màn hình một tấm, đóng ống kính lại, đổi sang tấm thứ hai. Mỗi tấm không giống nhau, giống nhau nó sẽ bất động, mỗi tấm đều khác nhau.