/ 600
611

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 297

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 22.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 351, hàng thứ sáu, bắt đầu xem từ câu cuối, xem từ câu “như hóa”.

Hội Sớ nói: “phi không phi giả, mà không mà giả, tức là trung đế. Nghĩa là đã nói như hóa, tức không phải tuyệt đối không vô, nên nói là phi không. Nếu nói là có, tức chỉ như huyễn hóa mà thôi, chứ không thật có”. Chúng ta xem đến đây. Ý này là nói “như hóa”. Hóa là huyễn hóa, đương nhiên không phải tuyệt đối không có, tuyệt đối không có, trong đó không thể phát sanh huyễn hóa. Nếu nói nó có, có là huyễn hóa, không phải thật có. Ý này chúng ta lãnh hội được đôi chút, có thể thấu triệt được.

“Đã nói như huyễn hóa, là không có mà hiện giả có. Đã là huyễn hóa, thì thể hiện ra là không”. Hai câu này nói rất hay, nếu thấu triệt thông đạt ý nghĩa, có thể giúp ta buông bỏ.

Đã nói là huyễn hóa, “quán pháp như huyễn hóa”, các pháp này là không có mà hiện giả có. Đây là chân tướng, chân tướng sự thật. Đích thực không có, nhưng những hiện tượng này ngay trước mắt, giống như giấc mộng vậy. Cảnh giới trong mộng quả thật không có, khi ta vào trong cảnh mộng, giống như vạn pháp đều ngay trước mắt. Nếu bản thân không biết là đang nằm mộng, ta hoàn toàn xem nó là thật, coi nó là thật, thì nhất định sẽ tạo nghiệp. Nghiệp cũng không phải thật, khởi nghiệp nhất định hiện ra quả báo, dẫn ra quả báo, quả báo cũng không phải thật. Vì bản thân không biết chân tướng sự thật, cũng chịu khổ hưởng lạc trong quả báo. Đâu biết rằng chịu khổ là giả, hưởng lạc cũng là giả, đến khi tỉnh mộng mới biết hoàn toàn là giả.

Đến khi nào chúng ta mới tỉnh khỏi giấc mộng luân hồi lục đạo này. Nghĩa là nói, nếu chúng ta buông bỏ chấp trước, phân biệt không còn nặng nề. Đối với vấn đề trong lục đạo không còn phân biệt, không còn chấp trước, nghĩa là mộng sắp tỉnh. Sau khi tỉnh mộng mới biết, luân hồi lục đạo là một ác mộng.

Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, họ thông minh hơn chúng ta, họ đã buông bỏ. Tuy thân thể vẫn còn trong lục đạo, họ chấp trước lục đạo, không phân biệt lục đạo. Cho nên lục đạo đối với cá nhân họ mà nói, không có chướng ngại, thân thể vẫn còn. Tình trạng này trong Phật pháp có danh từ gọi là hữu dư y Niết Bàn, họ thật sự nhập vào cảnh giới niết bàn, nhưng họ vẫn còn thân thể. Hữu dư chính là có thân thể tồn tại, tuy thân thể tồn tại, nó không chướng ngại. Họ vẫn có thể lợi dụng thân thể này để giáo hóa chúng sanh, hành đạo Bồ Tát. Nhưng phàm phu hoàn toàn tương phản với họ, tưởng rằng đây là thật. Tạo thiện nghiệp được quả báo an vui, hưởng phước, tạo ác nghiệp được khổ báo. Chúng ta phải biết điều này, chịu khổ là thật, hưởng niềm vui là giả. Nếu hưởng niềm vui cũng là thật, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng hưởng niềm vui, không cần thị hiện khổ hạnh, nó là giả. Mà khi hưởng niềm vui, chúng ta quan sát tường tận, có ai không tạo nghiệp! Khi con người đang chịu khổ tạo nghiệp ít hơn, vì sao vậy? Vì không có cơ hội. Khi hưởng phước có cơ hội tạo nghiệp, sát đạo dâm vọng, họ tạo tội nghiệp này. Quả báo sau cùng của những tội nghiệp này là đại ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Chúng ta thấu suốt chân tướng sự thật này, ở thế gian tu phước có đúng chăng? Không đúng. Lão tử nói rất hay: “Phúc hề họa sở phục”, họa ở trong phước. Nhất định phải học Phật Bồ Tát, tu phước, không hưởng thụ phước báo.

Quý vị xem Đức Phật tu ba loại bố thí, tài bố thí, Đức Phật dùng nội tài bố thí, vì đại chúng phục vụ. Phương pháp phục vụ của ngài là dùng cách dạy học, dùng thân thể làm ra tấm gương tốt nhất cho mọi người noi theo. Dùng ngôn ngữ giáo hóa chúng sanh, dùng thân hành cảm hóa chúng sanh, cảm hóa và giáo hóa cùng đến. Không hưởng thụ phước báo nhân thiên, danh văn lợi dưỡng đều không hề vướng mắc.

Chúng ta phải biết điều này, phải học tập theo ngài. Vướng mắc tức tạo nghiệp, không vướng mắc gọi là tịnh nghiệp, nghiệp thanh tịnh. Tịnh nghiệp là gì? Là không có nhiễm tịnh. Đừng nói là thiện ác, không có thiện ác, đến nhiễm tịnh cũng không có, nhiễm tịnh không có mới thật sự thanh tịnh. Đó chính là kinh điển đại thừa thường gọi là tam luân thể không, làm mà không làm, không làm mà làm.

/ 600