Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 299
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 23.02.2011
Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 352, hàng thứ tư, “thiện hộ khẩu nghiệp”, bắt đầu xem từ đây.
“Sáu câu bên dưới thiện hộ khẩu nghiệp, tượng trưng ba nghiệp thân khẩu ý của Bồ Tát thanh tịnh. Trong ba nghiệp, lấy thiện hộ ý nghiệp làm điều quan trọng nhất, nghĩa là chánh hạnh thiện hộ niệm của Bồ Tát. Do khế nhập thâm sâu trung đạo, chánh định thường tịch, thấu triệt chân nguyên, viễn ly sanh diệt, tự nhiên viễn ly tất cả cấu nhiễm của phiền não, là lấy ý nghiệp thanh tịnh vô nhiễm”. Chúng ta xem từ đây.
“Thiện hộ khẩu nghiệp, không tìm lỗi người. Thiện hộ thân nghiệp, không mất luật nghi. Thiện hộ ý nghiệp, thanh tịnh vô nhiễm”, chính là sáu câu này. Tam nghiệp sắp xếp thứ tự, không giống với các kinh luận khác. Thông thường trong kinh luận chúng ta thấy, sắp xếp theo thứ tự là thân khẩu ý, cũng chính là thiện hộ thân nghiệp xếp đầu tiên. Trong kinh này, Đức Phật đem “thiện hộ khẩu nghiệp” đặt lên hàng đầu. Trong này ý nghĩa rất sâu, chúng ta lãnh hội không khó lắm. Thân ngữ ý tạo nghiệp, trong kệ sám hối Bồ Tát Phổ Hiền nói rất rõ ràng. Căn là tham sân si mạn nghi từ vô thỉ kiếp đến nay, đây là căn, đây là nhân, nhân tạo nghiệp. Duyên tạo nghiệp thì sao? Chính là thân ngữ ý. Ở đây Niệm Lão giải thích cho chúng ta, ông đặt ý nghiệp lên hàng đầu, cũng có đạo lý, không phải không có đạo lý.
Sáu câu này là tam nghiệp thanh tịnh, chỉ cần có thể thiện hộ. Chữ thiện này quá hay, tam nghiệp thanh tịnh. Trong tam nghiệp, quả thật ý nghiệp làm chủ, đây là quan trọng nhất. Ý nghiệp là khởi tâm động niệm, có ý niệm này khẩu mới có ngôn ngữ, thân mới có động tác, cho nên ý niệm rất quan trọng.
“Tức là chánh hạnh thiện hộ niệm của Bồ Tát”. Ở trước nói rất hay, “do khế nhập thâm sâu trung đạo, chánh định thường tịch”. Đây là bốn câu ở trước, từ “trang nghiêm các hạnh, đầy đủ quỷ phạm, quán pháp như hóa, tam muội thường tịch”. Có công phu chân thật của việc tu hành này, cho nên tâm thái của họ đoan chánh, không có tà niệm, khế nhập thâm sâu trung đạo.
Hai câu trước, “liễu đạt chân nguyên”. Liễu là thấu triệt, đạt là thông đạt, không có chướng ngại. Chân nguyên nghĩa là thật tướng các pháp, thông đạt thấu triệt chân tướng của tất cả pháp. Tất cả pháp, trong Phật pháp quy nạp thành sáu chữ: Tánh- tướng. Tánh là năng sanh năng hiện, tướng là sở sanh sở hiện. Sự- lý. Sự là sở biến, lý là năng biến. Năng biến là tình thức, sở biến là mười pháp giới y chánh trang nghiêm. Hai chữ sau cùng là nhân- quả. Có nhân tất có quả, có quả nhất định có nhân. Sáu chữ này bao hàm tất cả các pháp.
“Liễu đạt chân nguyên, viễn ly sanh diệt”. Câu này tức là tự tánh bổn định, cũng chính là trong kinh nói tam muội thường tịch, đây là tự tánh bổn định. “Tự nhiên viễn ly tất cả cấu uế của phiền não”. Trong tất cả pháp tự nhiên không khởi tâm không động niệm, không phân biệt không chấp trước. Đây là cảnh giới gì? Là pháp thân Bồ Tát. Trú trong cõi thật báo, họ được thân pháp tánh, cõi pháp tánh, hoàn toàn khác với mười pháp giới. Tuy ứng hóa trong lục đạo, hòa quang đồng trần với tất cả chúng sanh, trên thực tế họ vẫn trú trong cõi báo.
3000 năm trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ứng hóa tại thế gian, kinh điển có ghi chép. Có người hỏi Phật, ngài trú ở đâu? Phật đang thiền định, liền để một chân xuống, đầu ngón chân ấn xuống đất. Đại chúng thấy thế giới này, giống như thế giới Cực Lạc vậy, thấy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi trên bảo tòa kinh cang, không phải trên tòa cỏ. Đây phải chăng là Đức Phật đang biến ảo thuật? Không phải, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thật sự đang trú trong cõi báo. Ở thế giới chúng ta thì sao? Đây là ứng hóa thân. Chúng sanh có cảm, Phật Bồ Tát có ứng, đó là ứng thân. Có nhân duyên với những chúng sanh này sâu hơn một chút, giúp họ thời gian dài hơn một chút, đây là ứng thân. Nếu thời gian rất ngắn, làm xong trong vài tiếng đồng hồ. Mười ngày nửa tháng có thể làm xong, đều dùng hóa thân, gọi là ứng hóa tại thế gian. Cõi báo của ngài gọi là cõi thật báo trang nghiêm. Thật là chân thật, không phải giả. Trang nghiêm, như ở trước nói: “Trang nghiêm chúng hạnh, đầy đủ quỷ phạm”, đây là sự nghiệp lợi tha của Phật.