/ 600
792

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 296

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 22.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 351, hàng thứ năm, bắt đầu xem từ câu thứ hai. Hàng thứ năm, câu thứ hai.

Lại Hội Sớ nói: “chữ quán này tức tam quán, gọi là tam đế tam quán, là then chốt của vạn hạnh, gan mật của Bồ Tát”. Chúng ta học đến đây, trong Pháp Hoa Kinh Huyền Nghĩa của Thiên thai tông nói về tam đế, chúng ta đã học. Trong Tam Tạng Pháp Số, Kinh Nhân Vương Bát Nhã cũng nói về tam đế, không giống với Thiên thai tông nói, rất đáng cho chúng ta làm tham khảo, chúng tôi cũng trích dẫn ra đây.

“Tam đế. Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Kinh Sớ nói: đế nghĩa tức là thẩm thực, thẩm tra”. Ngày nay chúng ta gọi là nghiên cứu. Chư vị cổ đức dạy rằng: “bác học, thẩm vấn, thận tư, minh biện”. Hai chữ thẩm thực có thể bao hàm bốn điều này, hiểu rõ chân tướng sự thật. “Quán thế gian, tất cả các pháp xuất thế gian, không ra ngoài không, sắc và tâm”. Đây là trong kinh Phật nói, căn nguyên của tất cả pháp giữa vũ trụ, không ra ngoài ba điều này.

Cũng như các nhà khoa học vậy, vũ trụ này không có gì cả, ngoài ba thứ, giới khoa học nói đến ba thứ, họ nói là vật chất, vật chất tức là sắc pháp, tin tức, tin tức đại khai là tâm pháp, năng lượng ở đây gọi là không. Họ nhìn thấu suốt vạn sự vạn vật trong vũ trụ, đạt được một tổng kết.

Chúng ta xem tổng kết trong Kinh Nhân Vương, thứ nhất là “không đế. “Không tức nghĩa là hư huyễn”. Chữ “không” này không gọi là vô, không mà cái gì cũng không có gọi là ác thủ không, trong kinh Phật nói về “không” không phải ý này. “Không” là có, tuy có nhưng nó không thực tại. Nó không có tự tánh, không có tự thể, cho nên nó là một huyễn tướng, nhưng giấc mộng vậy. Khi nằm mộng ta không thể nói nó không có, cũng không thể nói nó có. Cảnh giới trong mộng quả thật không có gì ta có thể đạt được. Dùng điều này ví dụ quan sát thế gian chúng ta, tất cả pháp thế gian và xuất thế gian. Thế gian thông thường chỉ cho lục đạo, xuất thế gian chỉ cho tứ thánh pháp giới, đây là cách thường hay nói.

Trong Phật pháp đại thừa không phải ý này, trong đại thừa Phật pháp thế gian này bao gồm mười pháp giới. Nghĩa là lục đạo và tứ thánh pháp giới đều là thế gian, ra khỏi mười pháp giới mới gọi là xuất thế gian. Xuất thế gian là nhất chân pháp giới, là cõi thật báo trang nghiêm của chư Phật Như Lai. Pháp thế gian, pháp xuất thế gian đều là giả, không có gì là thật. Cho nên không ra khỏi sắc, không và tâm, không ra khỏi sắc và tâm.

Cách nhìn này, rất giống Thiên thai tông nói về chân đế, là cảnh giới hiện lượng của Như Lai, không phải phàm phu. Phàm phu không nhìn thấy chân tướng sự thật.

“Gọi là đế thẩm tất cả chúng sanh và các pháp trong thế giới”. Tất cả chúng sanh là hữu tình thế gian. Các pháp thế giới là thế gian vật chất. Phật pháp gọi là khí thế gian. Tất cả chúng sanh là tình, các pháp thế gian là vô tình, tình và vô tình “tánh tướng vốn không”. Tướng là giả, tuy tánh năng hiện năng sanh, nó liễu bất khả đắc. Vì nó không phải hiện tượng, không phải hiện tượng vật chất, không phải hiện tượng tinh thần, cũng không phải hiện tượng tự nhiên. Nó tồn tại, tồn tại khắp mọi nơi mọi lúc. Nó là bản thể của tất cả loài hữu tình và vô tình, cho nên không thể nói nó là vô. Sáu căn chúng ta không duyên đến được nên nói nó là không.

Nó không phải vật chất, nhãn nhĩ tỷ thiệt thân không duyên đến được, nghĩa là không cảm xúc được. Nó không phải hiện tượng tinh thần, thức thứ sáu của chúng ta cũng không duyên đến được. Đối với nó tưởng tượng của chúng ta cũng đành chịu. Vì thế dùng chữ “không” để tượng trưng, tánh tướng vốn không.

“Hư giả không thật”, hư giả không thật này là đặc biệt nói về tướng. Tướng là sở sanh, là sở hiện. Ở trước nói tánh tướng vốn không, đều là liễu bất khả đắc, sáu căn không duyên được. “Gọi là không đế”. Dây là người chứng được pháp thân Bồ Tát trở lên. Chúng ta biết đại thừa viên giáo trong Kinh Hoa Nghiêm, sơ trụ Bồ Tát chứng được, nhập vào cảnh giới này. Họ lý giải về thế giới này, họ nhìn thấy thế giới này, chân tướng đúng như vậy.

Trong thập pháp giới đều gọi là phàm phu, lục đạo là nội phàm, nội ngoại đều lấy lục đạo làm giới hạn. Bên trong lục đạo gọi là nội phàm, bên ngoài lục đạo như Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật, họ chưa kiến tánh, vẫn dùng a lại da, cho nên gọi là ngoại phàm, phàm phu bên ngoài lục đạo. Chỉ gọi phàm phu, là bao gồm tất cả mười pháp giới. Trong kinh luận khi chúng ta thấy chữ phàm phu hay danh từ này, phải xem kỷ đoạn văn trước sau. Nếu không bao gồm tứ thánh, đó chính là phàm phu lục đạo. Không phải thật, đều là hư giả, gọi là “không đế”.

/ 600