357

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 295

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 21.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 351, hàng thứ ba, chúng ta bắt đầu xem từ câu “quán pháp như hóa”.

“Quán pháp như hóa, quán tất cả đều như huyễn hóa”. Ở trước chúng ta học về chân đế và tục đế. Đây là nói về chân đế, cái nhìn của chư Phật Bồ Tát đối với thế gian này, thế gian này không có gì, tất cả và tất cả đều giống như mộng huyễn bào ảnh, lục đạo như vậy, mười pháp giới cũng không ngoại lệ, không có pháp nào là thật.

Trong Phật pháp, định nghĩa đối với chân và vọng rất đơn giản. Phàm những gì vĩnh hằng bất biến, được gọi là chân. Nếu nó có biến hóa chính là giả, không phải thật. Động vật, như con người, nó có sanh lão bệnh tử, cho nên nó không phải thật. Thực vật có sanh trụ dị diệt. Khoáng vật có thành trụ hoại không. Đây là cách giải thích thông thường. Đức Phật dạy chúng ta, không có một pháp nào là chân thật, bao gồm thân thể của mình.

Có người nói, đây là nhà triết học phương tây nói, họ biết thân thể không phải chính mình. Thân thể là vô thường, không phải tôi. Ông cho rằng có thể tư duy tưởng tượng, đây mới là cái tôi, nói là “tôi tư duy tức là tôi hiện hữu”. Tôi có thể tư duy, tôi có thể tưởng tượng, trong Phật pháp đại thừa gọi đây là đệ lục ý thức. Đệ lục ý thức phân biệt, đệ thất thức là chấp trước, nó cũng không phải thật. Vì sao vậy? Vì những gì mình nghĩ, niệm trước và niệm sau không giống nhau, niệm niệm không tương đồng. Niệm trước diệt, niệm sau sanh, nó cũng không phải thật. Vì sao giống như nó đang tồn tại? Rất đơn giản, những hiện tượng này là tướng tương tục.

Các nhà vật lý học lượng tử hiện đại nói giống Phật nói, hết thảy vạn pháp trong vũ trụ đều không tồn tại, họ nói ra ba thứ, giữa vũ trụ chỉ có ba thứ, một là năng lượng, hai là tin tức, ba là vật chất. Tuy nó sát na sanh diệt, niệm trước diệt niệm sau sanh, vĩnh viễn liên tục không gián đoạn. Hình như chỉ có ba thứ này là thật, ngoài ra tất cả vạn sự vạn vật đều từ ba thứ này biến hiện ra.

Phật pháp giải thích đây là chân vọng, cách nói có thể nói hoàn toàn nhất trí, nhưng so với họ Phật pháp nói càng triệt để. Ba thứ này cũng là giả, cũng không phải thật. Đối với trình độ thông thường, Đức Phật đều dùng cách nói này, cảnh giới cao hơn một bậc, cách nói sẽ khác. Năng lượng, tin tức, vật chất cũng không tồn tại, cũng là giả, đây là tam tế tướng của a lại da. Năng lượng là nghiệp tướng của a lại da, tin tức là chuyển tướng của a lại da, vật chất là cảnh giới tướng của a lại da. Nhận thức đến giai đoạn này, họ không phải là người thường, đây là cảnh giới của Bồ Tát, A la hán chưa đạt đến. A la hán chỉ đạt đến đệ lục ý thức, chưa đạt đến đệ bát thức, đây là nói đến a lại da, cảnh giới của Bồ Tát đại thừa.

Bồ Tát đến cảnh giới cao hơn, trong Phật pháp đại thừa nói là bát địa trở lên, nhìn thấy ba thứ này cũng không tồn tại, chỉ có thứ gì? Chỉ có chân tánh là thật, tự tánh là thật. Đại sư Huệ Năng minh tâm kiến tánh, nói rằng: “đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”. Tự tánh không phải hiện tượng vật chất, nó cũng không phải hiện tượng tinh thần, đến hiện tượng tự nhiên đều không phải.

Bây giờ chúng ta đem ba hiện tượng này, phối vào trong a lại da thức. Hiện tượng tự nhiên là nghiệp tướng của a lại da, một niệm bất giác mà có vô minh. Hiện tượng tinh thần là chuyển tướng của a lại da, cũng chính là mạt na thức, đệ lục ý thức, đây đều là chuyển tướng. Hiện tượng vật chất là cảnh giới tướng của a lại da, tướng phần của a lại da. Nếu từ tam phần mà nói, nó là kiến phần, kiến phần là tự thể, là tự tánh chân như, đây là chân vọng hòa hợp. Tướng phần chính là hiện tượng vật chất, kiến phần là hiện tượng tinh thần. Tự chứng phần, chứng tự chứng phần, giới khoa học không nói đến điều này. Tự chứng phần tức là tâm thanh tịnh của tự tánh. Chứng tự chứng phần chính là Phật tánh. Chúng ta dùng Phật tánh và pháp tánh để nói, mọi người càng dễ hiểu. Tự chứng phần là pháp tánh, chứng tự chứng phần là Phật tánh. Chứng tự chứng phần là trí tuệ bát nhã trong tự tánh.