/ 600
464

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 292

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Vạn Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 20.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quí vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 348, hàng thứ ba từ dưới đếm lên. “Cung kính Tam Bảo, phụng sự sư trưởng”. Bắt đầu xem từ đoạn này.

“Tự khiêm viết cung, tôn nhân chi đức viết kính”. Trước giải thích ý nghĩa hai từ cung kính. Tất cả pháp thế xuất thế gian, nếu chúng ta muốn học, muốn tu, muốn thành tựu, thì then chốt là ở hai câu này. Chúng ta thật sự có thể làm được tám chữ này, thì tu học pháp thế xuất thế gian, đều không thể không thành tựu. Nói cách khác, những gì chúng ta học tập, đều không thể thành tựu, không có kết quả, vấn đề chính là khiếm khuyết ở hai câu này. Không hiểu cung kính, không biết phụng sự, vấn đề là từ đây mà sinh ra. Tám chữ này nếu làm được rồi, xã hội sẽ hòa giải, thế giới sẽ đoàn kết. Hai câu này nếu không có, xã hội khẳng định sẽ loạn động, hoàn cảnh cư trú chắc chắn tai biến dồn dập. Cho nên hai câu này rất quan trọng, chúng ta không thể không cố gắng học tập.

Đầu tiên là khiêm nhường, không có khiêm nhường tức là ngạo mạn. Ngạo mạn là phiền não nghiêm trọng, làm chướng ngại đức hạnh, chướng ngại học tập. Chẳng những không thể thành tựu công đức, nó còn rất dễ phá hoại công đức, tất cả công đức đều không thể thành tựu, vấn đề sinh ra từ đây. Cho nên khiêm nhường quan trọng hơn so với những thứ khác.

Năm đức của Khổng Tử, nhìn nhận của học sinh đối với thầy, đều thừa nhận thầy chúng ta có năm đức: ôn, lương, cung, kiệm, nhường. Thầy ôn hòa, thiện lương.

Cung kính tức là khiêm tốn, tiết kiệm, nhường nhịn, điều này tất cả bậc thánh hiền đều đầy đủ, chư Phật Bồ Tát không một ai thiếu điều này. Từ đây biết được, trong tự tánh vốn có sẵn năm đức này, thấy được tự tánh thì toàn bộ sẽ hiện ra.

Người học tập thật sự giác ngộ, năm đức này tuy không thể giống như thánh hiền hiện ra trọn vẹn, nhưng trong sinh hoạt thường ngày, có thể nhìn thấy được, nó đều biểu hiện ra ngoài. Người có đức hay không nhìn qua là thấy rõ. Khiêm nhường hay không? Đối với người, sự, vật, có tâm cung kính hay không? Ở đây nêu ra là Tam bảo, Tam bảo là Phật Pháp Tăng, là tự tánh Tam bảo, có thể không cung kính sao?

Biến pháp giới hư không muôn sự muôn vật, đều duy tâm sở hiện, duy thức sở biến, nó có thể tách rời Tam bảo sao? Không có pháp nào có thể tách rời Tam bảo. Tam bảo là tự tánh của nó, đại diện cho Giác Chánh Tịnh. Phật nghĩa là tự tánh giác, giác mà không mê. Pháp nghĩa là tự tánh chân chánh, chánh mà không tà. Tăng là tự tánh thanh tịnh, thanh tịnh mà không nhiễm.

Sau khi đức Phật diệt độ, lấy trụ trì Tam bảo làm biểu pháp, ở phía sau đều có nói đến. Nhìn thấy hình tướng của Tam bảo, nghe thấy âm thanh của Tam bảo, tâm cung kính thừa sự, tự nhiên sẽ khởi lên, nó có tác dụng lớn như vậy.

Ngày nay tác dụng này không còn nữa, do đó Phật pháp suy yếu. Phật pháp suy yếu không cần lo lắng, cần lo lắng điều gì? Cần lo lắng là chúng ta sẽ đọa đường ác. Nói lời không dễ nghe, là chúng ta sẽ đọa địa ngục. Vì sao vậy? Cạo tóc, mặc lên bộ đồ này, là đại diện cho Phật pháp. Phật pháp hưng thịnh, chúng ta được vẻ vang, Phật pháp suy yếu, chúng ta mang tội nghịch. Đó là sự thật, không phải giả.

“Tôn nhân chi đức viết kính”. Nhìn thấy người khác đang hành đạo, phía trước có đọc rồi, “hành Bát Nhã Ba La Mật”, biểu hiện của người này là trí tuệ, là đức tướng, chúng ta nhìn thấy có thể không tôn kính sao? Học tập đều ở trong đời sống hàng ngày. Người có thiện hạnh, thiện ngôn, chính là đối tượng để chúng ta tôn kính. Họ không có thiện hạnh, thiện ngôn, chúng ta cũng nên tôn kính họ. Vì sao vậy? Vì là tôn kính tánh đức của họ. Hiện tại tánh đức của họ bị phiền não chướng ngại, không hiển lộ được. Họ không biết, nhưng chúng ta biết. Phiền não tập khí, không phải là thật.

/ 600