/ 600
465

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 290

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 19.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 347, hàng thứ tư, câu cuối cùng.

Thứ tám. “Thế nào gọi là Bồ Tát bất bức não nhẫn? Nếu nhân duyên sân, phiền não chưa khởi, không gọi là nhẫn. Nếu khi gặp nhân duyên sân, quyền đánh đao trượng, tay đấm chân đá, ác khẩu mắng nhiếc, trước những điều đó, tâm vẫn bất động, thì gọi là nhẫn”.

Như thế nào gọi là bất bức não nhẫn? Đầu tiên nói rõ, giả như gặp phải nhân duyên gây ra sân nhuế, gặp phải nhưng phiền não chưa khởi lên. Hành vi của sân hận, không có hành vi, có ý niệm này, không có hành vi, như vậy không gọi là nhẫn. Không phải nhẫn là gì? Thông thường người ta gọi đây là hàm dưỡng, người học Phật gọi là công phu. Đến khi nào mới thuộc về bất bức não nhẫn? Cần phải có hành động.

Bên dưới nói: “Nếu khi gặp nhân duyên khởi sân nhuế”, thật sự có hành động. “Quyền đánh đao trượng”, đánh nhau. “Tay đấm chân đá”, đánh ta nằm dài trên đất. Quyền đánh chân đá, ác khẩu mắng nhiếc. Trong tình huống này, không hề động tâm, đây gọi là nhẫn. Lúc này cần phải nhẫn, vì sao vậy? Vì nếu không nhẫn được, lập tức khởi xung đột, song phương đều bị tổn thương rất lớn.

Hóa giải xung đột quả thật là phương pháp hay nhất, chính là nhẫn nhục. Nhẫn được, vấn đề lập tức hóa giải. Chúng ta gặp tình huống này phải làm sao? Chưa từng trải qua, không học được nhẫn nhục ba la mật.

Về phương diện này, khi tôi chưa học Phật, sau khi kháng chiến thắng lợi, tôi đi học tại Nam kinh. Cùng cấp với chúng tôi có ba lớp, ba lớp A B C. Lúc đó tôi học năm thứ ba cấp hai, cùng khối khác lớp. Tôi học lớp A, người bạn tôi học lớp B. Chúng tôi cũng rất hợp, thường chơi với nhau. Nhưng tuổi trẻ, tôi rất thích trêu đùa bạn bè. Trong trường cử hành cuộc thi vẽ tranh, đề mục là vẽ phong cảnh trường học, đến trường vẽ khung cảnh của trường mình, nhà trường tổ chức hoạt động này. Tác phẩm của tôi, vẽ bức tranh này, đứng thứ ba trong cuộc thi toàn trường, có rất nhiều bạn học đến khen ngợi. Tôi nói với các bạn học, tôi hỏi các bạn có biết vì sao tôi đứng thứ ba chăng? Nghe tôi hỏi như thế, mọi người không hiểu gì cả nói, tại bạn vẽ đẹp. Tôi nói, không phải tôi vẽ đẹp, mỗi đồng học nội dung vẽ đều là trạng thái tĩnh, đều vẽ cây cỏ hoa lá, kiến trúc trường học, đều vẽ những điều này. Tôi không phải, tôi vẽ những người bạn học của mình, bạn đó đang vẽ, tôi liền vẽ bạn đó. Tôi nói, các bạn vẽ là thực vật, trạng thái tĩnh. Tôi vẽ là động vật, tôi chế diễu bạn đó như thế. Bạn ấy nghe xong không nổi giận, cho nên chúng tôi không phát sinh xung đột. Tình huống như bạn đó không gọi là nhẫn. Người bạn học này thường khen tôi sau lưng, tôi thường đưa bạn đó vào trường hợp bối rối. Một năm, thời gian một năm tôi bị bạn này cảm động, liền xin lỗi và sám hối với bạn. Thật đáng nể! Tôi từ bản thân bạn đó, đồng nghĩa nói bạn dùng thời gian một năm, dạy tôi biết nhẫn nhục ba la mật, từ đó về sau tôi có thể nhẫn.

Tôi ở Đài Loan, làm việc tại cơ quan nhà nước. Có một lần gặp một việc hiểu lầm, tôi hoàn toàn không có ác ý, là do ngôn ngữ, thái độ khiến một đồng sự ngộ nhận. Anh ta lớn tiếng mắng nhiếc, tay đánh chân đá tôi. Tôi không nói lời nào, anh ta đánh cứ để anh ta đánh, tôi không đánh trả. Anh ta đánh tôi ngã xuống đất, tôi làm như không có việc gì xảy ra, anh ta dù muốn đánh nữa cũng không đánh được. Bên cạnh có một đồng sự kéo dậy, khuyên nhủ, liền bỏ đi.

Ngày mai, anh ta đến xin lỗi, nói mình quá lỗ mãng. Tôi nói, anh rất giỏi, cách một ngày đã biết đến xin lỗi. Tôi nói, tôi bắt nạt bạn học, một năm sau tôi mới xin lỗi họ, anh giỏi hơn tôi nhiều. Không những không kết oán thù, còn trở thành bạn tốt. Quý vị xem, chỉ trong một niệm. Nếu tôi không học được bản lĩnh này, nhất định khởi xung đột. Nghiêm trọng hơn, hai người đều nhớ lỗi lầm của nhau, tổn thương này lớn biết bao.

Gặp tình hình này, cần phải biết nhất định phải nhẫn. Nhẫn không phải là thua đối phương, nhẫn là thật sự chiến thắng. Đây là việc nhỏ, trong cuộc sống hằng ngày thường gặp phải. Trong xã hội xung đột lớn, xung đột chủng tộc, xung đột quốc gia, đa phần là đều nhỏ không nhẫn mà hư việc lớn, trả một giá rất thảm khốc, kết thâm thù đại hận. Nếu không hóa giải được, trong Phật pháp nói, đời đời kiếp kiếp oan oan tương báo không bao giờ dứt, đây là sai lầm lớn.

/ 600