412

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 289

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 18.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 346, hàng thứ tư, bắt đầu xem từ đoạn giữa.

Thứ hai. “Ngoại nhẫn, thế nào gọi là ngoại nhẫn của Bồ Tát? Bồ Tát nghe lời ác, mại lị, hủy nhục, phỉ báng của người, hoặc hủy nhục cha mẹ anh em chị em quyến thuộc, hòa thượng a xà lê, thầy trò đồng học, hoặc nghe hủy báng Phật pháp tăng, có vô số cách hủy báng như thế. Bồ Tát nhẫn nhục, không sanh sân nhuế, gọi là ngoại nhẫn”.

Khổ não nói ở trước là có từ bên trong, như đói khát lạnh nóng, vui buồn đau khổ, thân tâm bức bách đều phát ra từ bên trong. Đặc biệt là bệnh hoạn, già yếu, bệnh khổ, gọi là già khổ, bệnh khổ.

Ngoại nhẫn là nói những thứ từ nên ngoài, những nghịch cảnh này do bên ngoài tạo ra. Như người khác dùng lời ác hủy báng, sỉ nhục, thậm chí hãm hại đều phải nhẫn nhục. Hoặc nghe người hủy báng cha mẹ, anh em chị em, quyến thuộc của mình, bất luận có ý hay vô tình. Người xuất gia học Phật, họ hủy báng thầy mình_A xà lê đều là thầy, hòa thượng là thân giáo sư. Tuy họ không đích thân dạy mình, khi họ giảng kinh dạy học ta từng đến nghe, chúng ta gọi người này là A xà lê. Trước mặt chúng ta hủy báng thầy trò, đồng học. Hoặc là hủy báng Phật pháp, hủy báng Phật pháp tăng. Trong tình huống này, người tu Bồ Tát đạo đều phải nhẫn.

Nhiều năm trước, hơn 50 năm trước, khi tôi chưa xuất gia, ở Đài Trung học kinh giáo với thầy Lý. Lúc đó thầy Lý phân công tôi đến làm việc tại thư viện Từ Quang, thư viện này do thầy sáng lập. Tôi đến làm quản lý ở đây, nhân viên quản lý có ba người, tôi là một người trong số đó, đều làm công quả.

Một hôm gặp được người đồng hương, không quen biết, anh ta nói là người An huy, đồng hương, là một tín đồ kiền thành của Cơ đốc giáo. Thấy tôi học Phật, hình như rất xót thương tôi đã đi sai đường, sao lại mê tín như vậy? Đối với Phật giáo phê bình rất nặng nề. Tôi thấy vậy cứ mặc kệ anh ta, anh ta phê bình thế nào tôi cũng gật đầu, vâng vâng dạ dạ. Nói hơn 1 tiếng đồng hồ, anh ta rất mệt, tôi rót cho ly trà uống, sau đó nói tiếp, ít nhất nói hai tiếng đồng hồ.

Tôi nói, thật quý quá, anh đã nói ra rất nhiều điều, Phật giáo vốn là như vậy. Anh thật sự đã cứu rất nhiều Phật tử, khiến họ quay đầu là bờ, cho nên tin đạo Cơ đốc là việc tốt. Tôi nói tôi có vấn đề muốn thỉnh giáo anh. Được, vấn đề gì, anh cứ hỏi. Tôi nói chúng ta muốn phê bình một bài văn, phải chăng cần phải xem qua văn chương trước? Đó là điều đương nhiên. Vậy xin hỏi, anh đã từng xem kinh Phật chưa? Câu hỏi này, anh ta chưa từng xem.

Tôi nói ở thư viện này của chúng tôi, thứ tư hàng tuần thầy đến đây giảng kinh, anh có đến nghe chăng? Không có. Tôi nói vậy là không được, biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Anh chưa từng xem kinh, cũng chưa từng nghe giảng, vậy mà dám phê bình Phật giáo như thế, đúng là gan không nhỏ. Trong phòng đọc sách có rất nhiều người, anh không sợ những người đó cười chê ư? Tôi nói mấy câu này, mặt anh ta đỏ lên, quá ngại nên đứng dậy ra về.

Ngày thứ hai anh ta đến, dẫn theo một vị mục sư, rất khách sáo. Có chút phong độ của quân tử, không tệ, đến xin lỗi. Tôi nói hoan nghênh, hoan nghênh quý vị đến nghe kinh, hoan nghênh quý vị đến nghe giảng. Tìm ra tất cả những khuyết điểm của Phật giáo, sau đó quý vị chỉnh sửa từng điều một. Như vậy quý vị cứu được không biết bao nhiêu Phật tử, công đức này vô lượng!

Sau khi họ ra về, bên cạnh chúng tôi có hai vị đồng tu lâu năm, nói với tôi. Họ nói những lời phê bình của những người kia, chúng tôi thấy anh vừa nghe vừa không ngừng gật đầu, chúng tôi thật sự lo lắng cho anh, không ngờ sau cùng anh lại dùng phương pháp đó. Tôi nói tôi vừa nghe là biết họ không hiểu gì về Phật giáo, để họ nói, cho nói thoải mái, lúc này đánh trả một đòn, sức mạnh này rất lớn.

Tôi nói với mọi người rằng, Phật giáo chịu được sự phê bình. Tôi nói đối với những người này, đừng biện luận với họ. Họ chưa từng xem, cũng chưa từng tiếp xúc, không biết gì cả, chỉ nghe người ta nói mà thôi. Những người này cứ để họ nói, sau đó hỏi lại. Chúng ta hỏi họ là rất hợp lý, chúng tôi hoan nghênh quý vị phê bình, không phải cự tuyệt. Cũng không phải nói quý vị không nên phê bình thế này thế nọ, nhưng quý vị nhất định phải hiểu rõ về Phật giáo. Không hiểu thấu đáo, không đủ tư cách nói chuyện. Đây là thái độ cầu học, không thể không biết.