Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 288
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 18.02.2011
Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 345, bắt đầu xem từ hàng thứ bảy. Bắt đầu xem từ câu “Chí nguyện vô quyện”.
“Quyện là mệt mỏi, là chán ghét. Phổ Hiền đại sĩ thập đại nguyện vương trong Kinh Hoa Nghiêm, khái quát ý nghĩa sau cùng của nguyện này là, hư không giới tận, chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, thì lễ cho đến hồi hướng của con cùng tận. Nếu hư không giới cho đến phiền não không cùng tận, lễ cho đến hồi hướng của con không có cùng tận. Niệm niệm tương tục, không có gián đoạn, nghiệp thân khẩu ý, không hề mệt mỏi. Đây là ý nghĩa chí nguyện không mệt mỏi”.
Ở trước chúng ta học đến đây, nói sơ lược về mười nguyện. Vì ở trước đều đã học, trong Kinh Hoa Nghiêm cũng đã học. Tuy có học nhưng không thực hành, cho nên không sợ học nhiều lần, càng nhiều càng tốt, ấn tượng sâu sắc. Tham thấu nghĩa lý trong đó, tự nhiên sẽ thực hành. Bởi vậy phàm không thể thực hành, là về phương diện tri kiến chúng ta có vấn đề, đối với nó trình độ nhận thức chưa đủ, nếu đủ tự nhiên làm được. Đây là kinh nghiệm học tập nhiều năm của chúng tôi. Cổ nhân cũng dạy chúng ta như vậy, đọc sách ngàn biến, tự hiểu nghĩa của nó. Nghe giảng tuyệt đối không phải nghe qua một lần là đủ, nghe qua một lượt quả thật như gió thổi qua tai, thôi qua rồi là hết. Khi người ta hỏi thì nói tôi từng nghe, nghĩa chân thật trong đó có mấy người tham thấu? Không thể y giáo phụng hành, là không được lợi ích chân thật.
Biếng nhác là thông bệnh của tất cả chúng sanh từ xưa đến nay, Bồ Tát cũng không ngoại lệ. Cho nên Phật dạy Bồ Tát sáu khoa mục, chính là lục ba la mật, trong đó có tinh tấn ba la mật, dụng ý rất sâu sắc. Tinh tấn chuyên để đối trị giải đãi, tinh tấn là thiện căn duy nhất của Bồ Tát.
Thiện căn của pháp thế gian có ba loại, đầy đủ ba thiện căn này, là có thể thành tựu tất cả thiện pháp. Ba thiện căn này là không tham không sân không si, thiện của pháp thế gian đương nhiên Bồ Tát đầy đủ. Bồ Tát có thể thành Phật hay không, đoạn phiền não được hay không, then chốt ở chỗ tinh tấn. Vì thế thiện căn của Bồ Tát chỉ có một điều là tinh tấn.
Tinh tấn bắt đầu từ đâu? Vẫn là từ nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu, nghĩa là sao? Phàm những ai giải đãi biếng nhác đều do thiếu nhận thức. Đại sư Chương Gia nói: “Phật pháp đại thừa khó hiểu dễ hành”. Chúng ta tự biết mình chưa đủ nhận thức, như vậy phải hạ thủ công phu vào phương diện nhận thức, tinh tấn cầu trí tuệ. Cổ nhân nói rất hay, là thật không phải giả, có đạo lý: Đọc sách ngàn biến, tự hiểu nghĩa của nó. Cái biết đầy đủ rồi. Đọc xong một ngàn biến, họ được tam muội.
Nếu đọc Kinh Vô Lượng Thọ một ngàn lần, phải đọc như thế nào? Một ngày đọc ba biến, một năm khoảng gần 1000 biến, không được bỏ qua dù chỉ một ngày. Mỗi ngày đọc ba biến có thể được niệm Phật tam muội, có thể được tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh sanh trí tuệ. Sau đó đọc lại kinh này, sẽ hiểu được ý nghĩa trong đó. 1000 biến trước không hiểu ý nghĩa, không sao, đừng nôn nóng. Không cần cầu hiểu nghĩa, chỉ cầu tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh, trong cuộc sống hằng ngày, không bị hoàn cảnh sáu trần bên ngoài quấy nhiễu, là đạt được tâm thanh tịnh. Phải biết rằng, tâm thanh tịnh là mỗi người đều vốn có, tâm ta vốn là thanh tịnh. Đạt được đừng hoan hỷ, đạt được đừng kiêu ngạo, người người đều có. Khởi tâm kiêu ngạo, khởi tâm hoan hỷ, tam muội lập tức mất đi. Đáng tiếc! Có được không dễ, mất rất nhiều công phu.
Lúc này làm cách nào giữ gìn nó, để vĩnh viễn đừng mất? Đó chính là câu ở sau: “nhẫn lực thành tựu”. Ta phải nhẫn nhục, tuyệt đối không có tâm ngạo mạn, tuyệt đối không có tâm đố kỵ, quý vị thật sự đạt đạo. Người đã đạt đạo, đạo ở đây chính là tam muội, chính là trí tuệ. Tam muội là con đường đạt đạo, ta đã vào cửa. Trí tuệ là đăng đường nhập thất, ta đạt được lợi ích chân thật, lợi ích chân thật tức là trí tuệ. Nếu giữ gìn được, qua một thời gian sau, tất nhiên đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, trí tuệ bát nhã trong tự tánh viên mãn hiện tiền, đây gọi là thành tựu.