/ 600
576

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 286

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 17.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện – Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 344, bắt đầu xem từ hàng thứ nhất.

“Bất kế chúng khổ, thiểu dục tri túc”. Hai câu này là kinh văn. Dưới đây là chú giải của Niệm lão.

“Kế” nghĩa là so đo chấp trước vậy. Trong kinh Phật thường dùng đến chữ này, chính là so đo mà chúng ta thường nói. Phật Pháp nói là chấp trước, chấp trước chính là so đo. Cho nên so đo từng chút là chấp trước nghiêm trọng.

Khổ, “bất kế chúng khổ”. Khổ, trong Phật Địa Kinh quyển thứ năm nói: “bức não thân tâm gọi là khổ”. Dùng cách nói hiện nay chính là áp lực, áp lực về tinh thần, áp lực về môi trường vật chất, đây gọi là khổ.

“Chúng khổ”, là khổ nhiều, khổ quá nhiều. Kinh Phật phân loại nó có nội khổ và ngoại khổ. Nội chính là thân thể. Ngoại là hoàn cảnh của quí vị, gây áp lực cho quí vị.

“Tam khổ” là danh từ chuyên môn của Phật học. Nó phân khổ thành ba loại lớn. Chữ khổ sau là danh từ “khổ khổ, hoại khổ, hành khổ”. Chữ trước là động từ, thuộc về thân tâm khổ não là loại khổ này, gọi là khổ khổ. Trong khổ khổ lại chia thành tám loại, sanh lão bệnh tử đây là khổ khổ. Trong hoàn cảnh, có cầu bất đắc khổ, có oán tắng hội khổ. Oan gia đối đầu, những thứ không thích, không muốn nhìn thấy, không muốn nghe đến lại cứ khiến cho quí vị thường thấy, thường nghe, loại này gọi là oán tắng hội. Ái biệt ly, yêu thích, người yêu thích, việc yêu thích, hi vọng thường xuyên có thể ở cùng nhau, lại cứ phải rời xa, gọi là ái biệt ly khổ. Đây đều thuộc về khổ trên hoàn cảnh. Ngoài ra một loại khác là ngũ ấm xí thạnh khổ. Ngũ ấm này trong ngoài đều có, sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là vật chất, bao gồm cả thân thể. Thân thể có bệnh đau, đây đều là thân khổ. Tinh thần, thọ, tưởng, hành, thức, cảm thọ của quí vị, ý niệm của quí vị, những khổ này nó vĩnh viễn không rời xa quí vị, mọi lúc, mọi nơi đều gặp phải. Nó sẽ không dừng lại, đây gọi là hành khổ. Cuối cùng là thức, thức chính là khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước của quí vị, cho nên hợp lại là tám loại khổ. Trong kinh Phật thường nói: con người ở đời, tám khổ nung nấu.

Dưới đây nói, phân loại khác nhau, đều biểu thị khổ có nhiều loại. Bồ Tát hiểu thấu tất cả các khổ đều là hư vọng. Câu nói này quan trọng. Phàm có hình tướng đều là hư vọng. Tướng của tám khổ, tướng của hai khổ, tướng của ba khổ, rốt cuộc đều không thể nắm bắt. Ai đang chịu những khổ này? Thân thể, thân thể không phải là ta, đạo lý này rất sâu sắc. Tôi trên tinh thần chịu khổ, tinh thần cũng không phải là ta. Ta rốt cuộc là gì vậy? Ta có hay không? Thật có. Linh tánh là ta, nhưng không ai biết. Trong thế gian người thông minh một chút, họ cho rằng linh hồn là ta, cũng coi như rất tốt rồi. Linh hồn phải chăng là ta? Là ta, là cái ta mê hoặc điên đảo. Linh tánh mê rồi thì gọi là linh hồn, linh hồn không ra khỏi luân hồi. Phạm vi hoạt động của nó có giới hạn. Phạm vi của lục đạo tương đối lớn, phía trên đến 28 tầng trời, phía dưới đến A tỳ địa ngục. Không gian hoạt động lớn nhiều rồi, nhưng nó không ra khỏi lục đạo. Linh tánh thì vượt ra rồi, linh tánh vượt ra khỏi nó đến thập pháp giới, siêu việt hơn nữa đó chính là khắp pháp giới hư không giới, nó không còn bị chướng ngại nào nữa. Trong linh tánh thời gian và không gian đều không còn nữa. Nói cách khác, nó không có quá khứ, không có vị lai. Không có không gian tức là không có khoảng cách, nó không có xa gần. Ngạn ngữ nói: “vô viễn phất giới”. Lời này là thật, không phải là giả. Biên tế của vũ trụ nó nhìn thấy ở ngay trước mắt.

Dạy học của Phật pháp không có gì khác, mục tiêu cuối cùng là dạy chúng ta trở về tự tánh. Trở về tự tánh, tự tánh vốn đủ trí tuệ hiện tiền, năng lực hiện tiền, gọi là vạn đức vạn năng. Năng lực hiện tiền, nghĩa là không có việc gì quí vị làm không được, không có sự việc gì quí vị không biết, đó là trí tuệ. Không có sự việc gì quí vị làm không được đây là năng lực. Ngoài ra còn có tướng tốt, tự thân của quí vị và hoàn cảnh của quí vị vô cùng đẹp đẽ, trong đó tìm không ra khiếm khuyết, đây là hiển lộ từ tánh đức viên mãn. Chính là thế giới Cực Lạc trong kinh nói, thế giới Hoa Tạng trong Kinh Hoa Nghiêm nói, đều là bản năng của tự thân hiện ra. Môi trường hiện tại của chúng ta chưa rời khỏi bản năng, vì sao biến thành như vậy? Vì mê mất tự tánh, hình tướng này liền bị bẻ cong, chỉ cần chúng ta sửa đổi tâm thái lại, cũng chính là ý niệm, ý niệm khôi phục bình thường, môi trường bên ngoài hoàn toàn liền bình thường. Đây không phải là việc khó. Khó ở chỗ hiểu được chân tướng sự thật, sự việc này khó.

/ 600