/ 600
487

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 284

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 16.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện – Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 343, hàng thứ ba câu thứ hai, bắt đầu xem từ đây. “Y chân đế môn giả, y đệ nhất nghĩa đế vi môn dã”.

Đệ nhất nghĩa đế trước đây đã nói rồi. Trong Kinh Niết Bàn nói: “Phật tánh danh đệ nhất nghĩa không”. Phật tánh chính là chân tánh, chính là chân như, chính là chân tướng, xưng nó là “đệ nhất nghĩa không”. Nó là “không hữu nhị biên” đều không chấp trước, lại gọi tên là Niết bàn. Cho nên Niết bàn và đệ nhất nghĩa là cùng một ý nghĩa, cũng gọi là trí tuệ, là trí tuệ tự tánh có sẵn. Tất cả chúng sanh là bình đẳng. Chư Phật Như Lai và chúng ta cũng không có gì khác, hoàn toàn bình đẳng. Chỉ là chúng ta mê mất tự tánh. Thất này không phải là thực sự mất đi, sau khi mê rồi nó sẽ không khởi tác dụng nữa. Trên thực tế, vẫn là khởi tác dụng, chẳng qua là bị cong vạy, không phải dùng chánh nữa. Chánh dụng của nó là hiện cõi thật báo y chánh báo trang nghiêm, chính là Hoa tạng, chính là Mật nghiêm, chính là thế giới Cực Lạc. Sau khi mê rồi liền hiện thập pháp giới, hiện lục đạo, hiện tam đồ, cho nên vẫn là có tác dụng. Chỉ là tác dụng mê ngộ khác nhau. Cho nên nó là thật, nó không phải là giả. Tuy khởi tác dụng, trên thực tế dấu vết cũng không chấp. Giống như hiện nay các nhà lượng tử học đã phát hiện, toàn thể vũ trụ là tướng liên tục của một sát na sanh diệt, tương tục. Người mê mất tự tánh đem hiện tượng hư huyễn không thật cho là thật, vậy là vấn đề nảy sinh rồi. Cho là thật, nên thuận theo ý nghĩa của bản thân thì khởi tham ái, không thuận với ý nghĩ của bản thân thì khởi oán hận. Đây là nói thất tình ngũ dục. Thất tình ngũ dục chính là phiền não bên trong, là nhân. Bên ngoài, duyên này ảnh hưởng quí vị, lôi kéo phiền não bên trong của quí vị ra ngoài. Đây gọi là tạo nghiệp. Tạo nghiệp nó cũng có ứng, cảm ứng. Ứng này chính là nghiệp báo. Thiện nghiệp là lạc báo, cảm được là nhân thiên. Ác nghiệp sở cảm là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Vậy là khổ không kể xiết. Không có thứ gì không phải là tự làm tự chịu. Hơn nữa đích thực là như trong kinh điển, đức Phật thường thường trích dẫn ví dụ như mộng huyễn bào ảnh. Con người nằm mơ không biết bản thân đang ở trong mộng. Cho nên khổ vui trong mộng họ đều chịu hết. Nếu như bản thân lúc nằm mộng biết được bản thân đang nằm mộng, có cảnh giới khổ vui họ sẽ không khởi tâm động niệm. Vì sao vậy? Hiểu được đây là giả, đây là một giấc mộng. Sau khi tỉnh lại biết được đây đều là không, lúc đang nằm mộng chẳng phải toàn là không sao? Cảnh giới trong mộng tỉnh lại rồi đều rõ ràng, thông suốt, không mảy may chấp trước, đây gọi là đệ nhất nghĩa không. Chúng ta từ trên ví dụ thể hội được đệ nhất nghĩa. Chư Phật Như Lai vĩnh viễn trú tại đệ nhất, không có rơi vào đệ nhị. Đệ nhị là mê rồi, đệ nhất là giác ngộ. Cho nên “y đệ nhất nghĩa vi môn dã”. Đây chính là y chân đế môn.

“Y chân đế chi thắng nghĩa”. Thắng là thù thắng, thắng là vượt qua tất cả hư vọng, nó là chân thật. Y điều này để làm gì? Y điều này trồng các cội đức. Chúng ta liền biết, điều kiện trồng các cội đức phải là tâm chân thành, phải tâm cung kính, quí vị mới có thể đạt được. Nếu như không có chân thành, không có cung kính, quí vị dùng phương pháp gì để làm cũng không đạt được. Đạt được là gì? Là khổ vui ở trong mộng, quí vị không tỉnh lại được. Nếu như vừa dùng chân thành cung kính, nó có thể giúp quí vị tỉnh trở lại. Dùng điều này làm ví dụ. Tỉnh trở lại là chân thật, nằm mộng là giả. Làm thế nào giúp quí vị từ trong mộng mà tỉnh trở lại, thì phải nhờ vào chân đế môn. Dùng tâm hư vọng, tâm hư vọng chính là tâm mà quí vị đang nằm mộng đó. Phía trước kinh văn dạy chúng ta buông bỏ hư vọng. Tiếp theo đoạn này, dạy chúng ta y chân đế môn mới có thể trồng các cội đức.

Pháp thế gian, tổ tông của ngàn vạn năm trước hướng dẫn chúng ta, đây là có lý do để chúng ta khẳng định, phát minh văn tự rất muộn, thời Hoàng đế mới phát minh, cách ngày nay 4500 năm, 4500 năm trước không có văn tự. Nhưng những giáo huấn này tôi tin rằng từ xưa đã có rồi. Ngũ luân, ngũ thường, tứ duy, bát đức, chắc chắn đều là ngàn vạn năm trước tổ tông đời đời truyền lại, khẩu truyền. Càng là chân lý càng đơn giản, càng là chân lý càng dễ dàng, chắc chắn không phiền phức. Ngũ luân là nói về mối quan hệ, mối quan hệ giữa người và người, mối quan hệ giữa người và môi trường đại tự nhiên, mối quan hệ giữa người và trời đất quỷ thần, nói hết rồi. Đoan chánh tâm thái, chính là đoan chánh tâm thái đối với những mối quan hệ này. Thứ nhất là “phụ tử hữu thân”, thân là thân ái. Cha mẹ yêu thương con cái, con cái yêu thương cha mẹ, là thiên tánh, người người đều có.

/ 600