/ 600
599

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 281

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 14.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện – Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 339, hàng cuối cùng.

“Bất khởi tham sân si dục chư tưởng”. Câu này là kinh văn. Dưới đây là chú giải của Hoàng Niệm Lão. “Tưởng là sanh tâm đối với cảnh gọi là tưởng”, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, khởi tâm động niệm, đó gọi là tưởng.

Dưới đây nêu ra một ví dụ, “như ư cảnh”, trong cảnh giới này, chấp thủ tướng sai biệt của nam nữ các loại gọi đó là tưởng. Cho nên chữ tưởng này, chư vị xem chữ này trong lục thư thuộc về hội ý, nguyên tắc tạo chữ của văn tự Trung Quốc đây thuộc về hội ý. Trong tâm quí vị có tướng rồi đó gọi là tưởng. Chúng ta nghĩ đến một người, nghĩ đến một đồ vật, nghĩ đến một sự việc, chúng ta thường nói có ấn tượng, trong tâm sẽ có tướng. Cho nên tưởng thuộc về chấp trước, tức là chấp tướng, chấp tướng rồi.

“Nên có thể chấp tướng sai biệt của cảnh giới”, đối với cảnh, nó liền có tâm phân biệt, liền có tâm thích ác, nó sẽ sanh khởi những phiền não này. Và nó sanh khởi lên cùng với tưởng đó. Thí dụ như tham tưởng, sân tưởng, si dục tưởng là ba ác tưởng. Tưởng là ý đang tạo nghiệp. Tuy không có ngôn ngữ, không có động tác, nhưng khởi tâm động niệm là đã tạo ác nghiệp rồi. Tạo nghiệp tất cả đều có quả báo, ý ác thực sự mà nói là căn bản của thân và khẩu. Nếu như ý không ác, thân và khẩu không dễ dàng gì mà tạo nghiệp. Đoạn phiền não, chúng ta liền hiểu được, phải bắt đầu đoạn từ đâu? Phải bắt đầu đoạn từ ý.

Ở đây Bồ Tát Pháp Tạng đã làm tấm gương tốt nhất cho chúng ta. Ngài có thể viễn ly không khởi các tưởng về tham sân si dục. Chúng ta nói đoạn phiền não, bắt đầu đoạn từ căn bản.

Như Uất Già La Việt Vấn Kinh, đây là nêu một đoạn trong kinh này. “Lúc Bồ Tát hành bố thí”, bố thí là lợi ích chúng sanh, có bố thí tài, có bố thí pháp, có bố thí vô úy. Đức Phật dạy chúng ta, thí tài được giàu có. Bố thí là nhân, được giàu có là quả báo. Bố thí pháp là nhân, được thông minh trí tuệ là quả báo. Bố thí vô úy là nhân, được mạnh khỏe trường thọ là quả báo. Ba loại quả báo này không có ai không thích, không có ai không mong cầu, nhưng cách cầu như thế nào thì họ không biết. Điều này thật đáng tiếc. Trong nhà Phật thường nói rất hay: “ở trong nhà Phật có cầu tất ứng”. Đây là sự thật sao? Rất thật. Vì sao là thật? Nó có đạo lý ở trong đó. Ngày nay trên xã hội này, người đại phú đại quí, trong xã hội có địa vị cao quí, có tài sản lớn, đó là trong quá khứ không phải một đời tu mà được, chắc chắn là tu tích rất nhiều đời, tích lũy công đức. Đời này quả báo hiện tiền. Trong nhân quả có duyên, chữ này vô cùng quan trọng. Chúng ta tích lũy nhân rồi, nhưng duyên chưa thành thục, quả báo sẽ không hiện tiền. Lúc nào duyên thành thục thì lúc đó quả báo liền hiện tiền. Cho nên thường tại chữ duyên này, nhà Phật nói là duyên sanh, chứ không nói là nhân sanh. Vì thế, có rất nhiều người tu rất nhiều đời rồi, đại quả báo hiện tiền rồi, càng tích càng dày vậy. Đạo lý này hiểu được rồi, chúng ta liền biết thay đổi vận mệnh, thay đổi môi trường sinh hoạt của chúng ta. Quí vị hiểu được đạo lý rồi. Có lý luận, có y cứ, hết lòng mà tu, chỉ lo cày cấy, không lo thu hoạch. Thu hoạch không ở trong đời này, thì ở đời sau kiếp sau vậy. Nhân quả thông ba đời, đây là chân tướng sự thật.

Tài có nội tài, có ngoại tài. Bố thí nội tài phước báo lớn hơn ngoại tài. Nội tài là dùng cái gì? Là dùng thể lực của chúng ta, dùng suy nghĩ của chúng ta, dùng thời gian của bản thân chúng ta để phục vụ cho người khác, lúc người khác có khổ có nạn, đi giúp đỡ họ, đây thuộc về nội tài. Vật ngoài thân, đó gọi là ngoại tài, tận tâm tận lực, chính là công đức viên mãn.

Liễu Phàm Tứ Huấn, thiền sư Vân Cốc dạy tiên sinh Liễu Phàm, ngài nêu một ví dụ, ví dụ này đích thực có thật như vậy. Ngài nói trong nông thôn kia có một người con gái, gia cảnh vô cùng nghèo khó, đến chùa để lễ Phật, trên người chỉ có hai đồng, rất ít. Cung kính cúng Phật, hai đồng tiền này đem ra cúng Phật, Lão hòa thượng đích thân hồi hướng cho cô ấy, chúc phúc cho cô ấy. Sau này cô gái đó làm vương phi, trở lại ngôi chùa này, mang một ngàn lượng vàng đến cúng dường, Lão hòa thượng bảo đồ đệ của mình hồi hướng cho cô ấy. Cô ấy rất giận, cô ấy nói lúc nhỏ con từng đến nơi này rồi, con cúng dường hai đồng tiền, Lão hòa thượng ngài đích thân làm lễ hồi hướng cho con, hôm nay con mang đến nhiều tiền như vậy, ngài vì sao bảo đệ tử của ngài hồi hướng cho con? Lão hòa thượng nói với cô ấy, lúc cô còn trẻ hai đồng tiền đó là thành tâm của cô, tôi không hồi hướng cho cô thì có lỗi với cô, hôm nay cô giàu có rồi, thân phận địa vị đã khác. Tuy mang đến một ngàn lượng vàng để cúng Phật, nhưng tâm của cô đã khác trước kia rồi, cô có tập khí ngạo mạn, tôi để cho đồ đệ của tôi hồi hướng cho cô là được rồi. Điều này chứng tỏ bố thí không quan trọng nơi bố thí đồ vật nhiều hay ít, mà ở sự chân thành của quí vị. Lời của Ấn Tổ: một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích. Cô lúc nhỏ, lúc trẻ, tiền bố thí tuy rất ít nhưng lúc đó tâm chân thành của cô đáng quí. Ngày nay cô không còn thành ý đó nữa, cho nên công đức một ngàn lượng vàng không sánh bằng hai đồng tiền kia. Đây là câu chuyện thức tỉnh con người rất lớn, tuyệt đối không phải nơi sự vật nhiều hay ít. Hai đồng là công đức viên mãn, ngàn vàng, cô ấy hiện tại không chỉ có ngàn lượng vàng, ngàn lượng vàng đối với cô ấy không là gì cả. Năm xưa hai đồng tiền là toàn bộ tài sản của cô ấy, cho nên công đức của cô ấy là viên mãn. Ông trời rất công bằng, không phải là người nghèo thì không thể tu phước. Người nghèo trong đời này chân thành tu phước, thì phước đức của họ lớn hơn người giàu có rất nhiều. Chúng ta nghĩ thử xem lời thiền sư Vân Cốc rất có lý, thế nên phải phát tâm chân thành, phải phát tâm cung kính, phải phát tâm khiêm tốn. Bản thân xử sự, đối người, tiếp vật, phải khiêm tốn. Đối với tất cả người sự vật đều phải tôn trọng, đều phải cung kính. Người này phước báo sẽ rất lớn. Tuy rằng hiện tại không ra gì, trong con mắt tiên sinh Liễu Phàm, người này hậu phước vô cùng, họ tương lai sẽ phát đạt.

/ 600