/ 600
632

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 280

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 14.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 337, hàng thứ bảy từ dưới đếm lên, từ câu thứ hai.

Trong Hoa Nghiêm Diễn Nghĩa Sao quyển 34 lại nói: “tự tánh tức là ngưng nhiên thường, chỉ cho pháp thân”. Trong Sự Tán đại sư Thiện Đạo nói: “cảnh giới niết bàn Cực Lạc vô vi”. Lại nói: “không suy không biến trạm nhiên thường”. Chúng ta xem từ đây.

Hôm qua chúng ta học đến, trong Tam Tạng Pháp số nói, bản tánh thường chính là pháp thân, cũng là tự tánh. Bất đoạn thường là nói đến báo thân, chính là nói cõi thật báo trang nghiêm. Tương tục thường có thể nói là mười pháp giới y chánh trang nghiêm, nó là tướng tương tục.

Hiện nay giới khoa học cũng đã chứng thực, hết thảy mọi hiện tượng, tuy họ nói là vật chất, nhưng hiện tượng tinh thần và hiện tượng tự nhiên, là đồng thời phát sanh. Đức Thế Tôn nói cho chúng ta về tam tế tướng của a lại da, nghiệp tướng là hiện tượng tự nhiên, chuyển tướng và cảnh giới tướng, đều thuộc về tương tục thường, sanh ra trong từng niệm. Như Kinh Lăng Nghiêm nói: “đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận”. Vì sao chúng ta nhìn thấy hiện tượng tồn tại? Chính là tướng tương tục, tức ở đây gọi là tương tục thường. Trong tương tục thường nhìn thấy, trong ba loại chu biến nói về: “xuất sanh vô tận”. Đại sư Huệ Năng nói: “năng sanh vạn pháp”, xuất sanh vô tận, đều nói đến vấn đề này.

Trong Hoa Nghiêm Kinh Diễn Nghĩa Sao nói: “tự tánh tức ngưng nhiên thường”. “Ngưng nhiên” là định tại một nơi, nghĩa là không dao động, đây là chỉ pháp thân lý thể. Đại sư Thiện Đạo nói rất hay: “cảnh giới niết bàn là Cực Lạc vô vi”. Hoàn toàn là từ tự tánh thể mà nói, nói trên phương diện lý thể.

Ở đây nói đến cảnh giới niết bàn, chính là năm câu khi đại sư Huệ Năng khai ngộ đã nói. “Vốn tự thanh tịnh, vốn không sanh diệt, vốn tự đầy đủ, vốn không dao động, năng sanh vạn pháp”, đó là vô vi. “Vô vi mà vô sở bất vi, vô sở bất vi mà vô vi”. Hiện tượng tự nhiên của thế giới Cực Lạc, một loại là vô vi, một loại là niết bàn. Họ nói hữu vi, vô vi, thập pháp giới y chánh trang nghiêm, tất cả đều bao hàm trong đó, đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn.

Lại nói, đây chỉ nói về thế giới Cực Lạc: “Thế giới Cực Lạc không suy không biến trạm nhiên thường”. Ý nghĩa của “trạm nhiên” là một ví dụ, giống như nước, nước rất sâu, nước trong sạch không hề có chút nhiễm ô nào. Nước bất động, như một đầm nước trong veo, hoặc giống như ao hồ nhỏ sóng yên gió lặng, ta thấy nước trong hồ này trạm nhiên.

Thế giới Cực Lạc, ở trước chúng ta đã học không ít, ở sau còn nói rất tường tận. Y chánh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc, hiện tướng của nó bất suy bất biến, vô suy vô biến. Nói cách khác, bắt đầu từ ngày Di Đà Thế Tôn kiến lập thế giới Cực Lạc, trong kinh Đức Phật nói cho chúng ta biết là năm kiếp trước. Ngài kiến lập thế giới Cực Lạc, bỏ ra thời gian năm kiếp, từ khi thành Phật đến nay đã mười kiếp, cộng lại là 15 kiếp. Bây giờ chúng ta vãng sanh đến thế giới tây phương Cực Lạc, tình hình thấy được, hoàn toàn giống với 15 kiếp trước, không hề thay đổi. Kỳ thực ở thế giới này, sau một a tăng kỳ kiếp, sau hai a tăng kỳ kiếp vẫn cứ như vậy. Ba a tăng kỳ kiếp, bốn a tăng kỳ kiếp nó vẫn là như vậy.

Đức Phật nói với chúng ta, ba đại a tăng kỳ kiếp, đoạn tận tập khí vô thỉ vô minh, chứng được quả vị diệu giác. Quả vị diệu giác trở về thường tịch quang, cõi thật báo không còn. Ta đã thành Phật, cõi thật báo của mình không còn. Cõi thật báo của họ vẫn còn, không phải đồng thời thành Phật. Người nào thành Phật thì người đó ra đi, giống như tốt nghiệp ở trường vậy. Năm nay khóa này tốt nghiệp rời xa trường, khóa này không còn. Tốt nghiệp trung học lên đại học, tốt nghiệp đại học lên nghiên cứu sở, đại khái là như vậy. Trường học có còn chăng? Vẫn còn, vì sao vậy? Vì vẫn còn rất nhiều học sinh chưa tốt nghiệp. Mỗi năm có lớp ra đi, mỗi năm có người mới vào, cho nên hiện tướng của nó là tướng tương tục, vĩnh viễn là tướng tương tục.

Trong tương tục lại có nghĩa của bất đoạn thường trong đó, trong mười pháp giới tướng tương tục rất rõ ràng, không thấy bất đoạn thường. Vì sao không thấy? Vì có thức biến. Chúng sanh trong mười pháp giới, dùng tám thức 51 tâm sở, cho nên mỗi niệm đều đang biến hóa, không có bất đoạn thường. Niệm này nối tiếp niệm kia chính là đoạn, niệm trước diệt niệm sau sanh, sao nó bất đoạn được? Chỉ vì tốc độ của nó quá nhanh, chúng ta không nhận ra sự biến hóa của nó, thực tế nó đang biến hóa.

/ 600