Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 279
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 13.02.2011
Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 336, hàng thứ bảy từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ đoạn giữa.
“Tín nguyện trì danh, mười niệm tất sanh, cho nên gọi là dễ đạt được”. Ở trước chúng ta học đến vãng sanh chánh nhân, dễ tu dễ đạt được. Ở trước đã nói về dễ tu. Chúng ta nhất định phải biết, mục tiêu rốt ráo của học Phật là phải thành Phật. Chúng ta đã đạt được mục đích học Phật, đệ tử Phật không thể không có chí hướng này.
Thế Tôn dạy chúng ta, Phật Phật bình đẳng. Không những Phật và Phật bình đẳng, mà Phật và tất cả chúng sanh đều bình đẳng. Trong kinh luận cũng thường nói, sanh Phật bình đẳng, sanh là chúng sanh. Để chúng sanh ở trước, Phật ở sau, đây là tôn trọng đối với chúng sanh, sanh Phật bình đẳng. Học Phật thành Phật là lẽ đương nhiên! Vì sao học Phật? Hy vọng trong đời này được thành Phật. Chúng ta có nguyện này, có tâm này, nếu không có nhân duyên tuyệt đối không làm được. Nguyện là không nguyện, tâm là vọng tâm, sao có thể thành tựu được? Đời này chúng ta gặp được nhân duyên thù thắng, như đại sư Thiện Đạo nói, Ngài nói thế giới Cực Lạc, tứ độ tam bối cửu phẩm đều do gặp nhân duyên khác nhau, câu này nói rất hay. Chúng ta mượn câu nói này, để nói về chúng sanh và Phật.
Tám vạn bốn ngàn pháp môn, Tịnh tông thù thắng độc diệu, cũng là gặp duyên khác nhau. Nhân duyên đầy đủ, trong đời này chắc chắn thành tựu, nhất định như vậy. Đối với việc có thành tựu hay không, then chốt quyết định ở chính mình, chứ không ở người khác. Do mình, đạo lý vãng sanh, phải hiểu rõ ràng vấn đề vãng sanh, lý sự này ở đâu? Ngay trong bộ kinh này, thậm chí Tịnh Độ ngũ kinh nhất luận. Nhưng chúng ta biết, trong ngũ kinh nhất luận nói tường tận nhất, thấu triệt nhất không gì bằng Kinh Vô Lượng Thọ. Cho nên Kinh Vô Lượng Thọ gọi là Tịnh độ đệ nhất kinh.
Ngày nay chúng ta gặp được, bản hội tập của cư sĩ Hạ Liên Cư, gặp được đại kinh giải của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ. Nhân duyên này quá thù thắng, có thể nói là siêu thắng độc diệu. Gặp được, phải hiểu rõ ràng minh bạch đạo lý, phương pháp của kinh, sau đó y giáo phụng hành. Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu, suốt đời không thay đổi, không ai không thành tựu. Như đại sư Thiện Đạo nói: “Vạn người tu vạn người đi”, không sót một ai. Nhân duyên thù thắng như vậy, nhân duyên siêu thắng độc diệu như vậy, tìm đâu ra? Có thể gặp không thể cầu. Bất kỳ ai đều có thể tu, nhưng phải hiểu rõ ràng, chưa hiểu rõ mà y giáo phụng hành cũng có thể thành tựu, đó là hai hạng người, thượng trí và hạ ngu. Hai hạng người này dễ dạy, gặp được họ liền thành tựu. Chúng ta không thuộc hai hạng người này, thượng không thượng, hạ không hạ, những người căn tánh bậc trung này khó dạy nhất.
Chúng ta biết, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện tại nhân gian, dạy học 49 năm, vì ai? Chính là vì những người thuộc căn tánh bậc trung này. Hàng thượng trí hạ ngu rất đơn giản, rất dễ giáo hóa. Hòa thượng Đế Nhàn dạy người thợ rèn, người thợ rèn là hạ ngu, không hiểu gì, không biết gì, dạy làm gì ông làm theo y như thế. Dạy ông niệm rốt ráo câu A Di Đà Phật, ông liền niệm rốt ráo. Niệm mệt thì nghỉ, nghỉ khỏe lại tiếp tục niệm. Quý vị xem, ba năm ông đứng vãng sanh, sau khi chết còn đứng ba ngày, thật hy hữu. Hòa thượng Đế Nhàn lo hậu sư cho ông, phước báo lớn biết bao, thật khiến cho người ta ngưỡng mộ! Đây là Bồ Tát thị hiện cho chúng ta thấy, làm chứng minh cho chúng ta, niệm Phật vãng sanh không phải giả.
Mấy câu tiếp theo, nhất định phải hiểu rõ ràng, sợ sanh ngộ nhận. “Ngũ nghịch trọng tội, tướng địa ngục hiện”. Đây là người tạo nghiệp cực nặng, lâm chung mười niệm, nhất niệm đều có thể vãng sanh. Như vậy có thể tạo nghiệp, cố gắng tạo, lâm chung mười niệm có thể vãng sanh. Nếu nghĩ như vậy là sai triệt để, tâm cầu may, lừa gạt Phật.
Quý vị tạo ngũ nghịch thập ác là trước khi chưa nghe Phật pháp, quý vị không biết, người không biết không có tội. Khi đã nghe Phật pháp, không được tiếp tục tạo nghiệp. Tiếp tục tạo nghiệp, nghĩa là biết luật phạm luật, tội càng thêm nặng. Đạo lý này nhất định phải hiểu rõ ràng minh bạch, bằng không tương lai không thể vãng sanh.